Thưởng ngoạn cổ vật Chămpa tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Thứ tư, 23/11/2016 09:53

(Cadn.com.vn) - LTS: Ngày 23-11, sau hơn 7 thập kỷ gần như bị vùi sâu vào quên lãng, Kho Chàm nằm trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sẽ mở cửa trở lại. Lần đầu tiên sau quãng thời gian dài, những hiện vật độc đáo, quý giá của nền văn hóa Chămpa được trưng bày cho người dân, du khách thưởng ngoạn. Nhân sự kiện này, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Văn Tưởng, cán bộ công tác tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, để hiểu rõ hơn câu chuyện thú vị này.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Bảo tàng CVCĐ Huế), là Bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế từ năm 1923, với tên gọi đầu tiên Musée Khai Dinh. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày phần hồn của triều Nguyễn giúp cho du khách chiêm ngưỡng, cảm nhận chân thực về một không gian xưa cũ như đã từng có trong các đền đài, cung điện của Huế đô. Bên cạnh phần hồn triều Nguyễn, du khách sẽ thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng bộ sưu tập hiện vật Chămpa được khai quật tại khảo cổ Trà Kiệu (Quảng Nam), Tháp Mẫn (Bình Định), TT-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình... Việc sưu tập cổ vật Chàm khởi xướng từ  năm 1915 và tăng dần số lượng lớn cổ vật Chàm. Qua đó, một bộ phận cổ vật Chàm thành lập Kho Chàm tại Musée Khai Dinh ngày 26-12-1927 làm nơi trưng bày các tác phẩm tiêu biểu nghệ thuật điêu khắc Chămpa có niên đại khoảng từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII.

Thần Kinnara.

Hiện Bảo tàng CVCĐ Huế sở đắc 88 hiện vật Chàm, được xem là linh hồn nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chămpa. Việc mở cửa trở lại và trưng bày khoảng 30 hiện vật Chămpa quý hiếm tại Bảo tàng giúp cho du khách hiểu thêm giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc Chămpa trên đất Huế. Bài viết này giới thiệu một số cổ vật Chàm đặc sắc, độc đáo. Chẳng hạn hiện vật Linga- Yoni được sưu tập ở Bình- Trị-Thiên, có thế kỷ XI- XII, là linh tượng được phổ biến trong các ngôi đền Bà-la-môn. Yoni tượng trưng nguyên tố âm (nữ); linga tượng trưng nguyên tố dương (nam) của vũ trụ. Vòi yoni để thoát nước thiêng trong lễ thánh tẩy (lingapuja). Yoni-linga là biểu tượng của thần Siva và nữ thần Sakti, tượng trưng cho sự hợp nhất nam-nữ là cội nguồn của sự sống. Bộ yoni-linga nhỏ này được thờ trong một ngôi đền nhỏ.

Linga và Yoni-Linga.

Đặc biệt, hiện vật Linga sưu tầm ở Xuân Hòa, Thủy Xuân, thành phố Huế, có thế kỷ VIII-IX, được thờ trong một ngôi đền chính, Linga gồm ba phần: Phần dưới hình vuông tượng trưng thần Brahma- Đấng sáng tạo; phần giữa hình bát giác tượng trưng thần Visnu- Đấng Bảo hộ; phần trên hình tròn tượng trưng thần Siva- Đấng hủy diệt và Tái tạo. Điểm đặc biệt, khi làm lễ tắm Linga phần trên được phủ chiếc bao kim loại quý bằng vàng hay bạc gọi là Kosa, có khắc mặt thần Siva. Theo quan niệm của người Chàm, nước tắm Linga là một loại nước thánh rơi xuống đất đem lại sự màu mỡ cho đất đai của vương quốc.

Pho tượng Nam thần Bà-la-môn (Thần Siva), sưu tầm ở Nham Biều, Hương Hồ, Hương Trà, TT-Huế, có thế kỷ X-XI, được xem là vị thần chủ của một ngôi đền lớn thuộc đạo Bà-la-môn/ Ấn Độ giáo, biểu trưng cho sự sùng bái tiếu tượng của đấng thần- vua. Tín ngưỡng thần- vua của Chămpa tôn thờ vua tại vị thần của đạo Bà-la-môn trị vì vương quốc, sau khi nhà vua băng hà ngài được dựng để thờ tại thánh địa hoàng gia.

Tượng khỉ.

Tượng Khỉ, sưu tập Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam, có thế kỷ VII-VIII. Khỉ là linh vật được yêu thích và thể hiện khá nhiều trong điêu khắc Chămpa, có liên quan đến sử thi Ramayana trong chủ đề giải cứu công chúa Sita. Tác phẩm này là bức phù điêu tạc hình tượng khỉ hoàn chỉnh và đẹp nhất của tượng Chàm đã tìm được cho đến nay. Khỉ được diễn tả bằng một ngôn ngữ tả thực với khối hình mềm mại, nêu bật tính cách của con vật qua vẻ đẹp duyên dáng, thân thiện. Ramayana cũng đề cao sự mưu lược và dũng cảm của vua khỉ Hanuman đã điều khiển đoàn quân khỉ đánh thắng quỷ vương Ravana mười đầu, giải cứu Sita đưa về cho Rama. Hình tượng khỉ được trang trí phổ biến trên đền thờ Bà-la-môn để ca ngợi trí thông minh, lòng quả cảm và trung thành của loài linh vật này.

Thần Sấm sét Indra, sưu tầm ở Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam, có thế kỷ VII- VIII. Đặc trưng thần Indra tay trái cầm lưỡi tầm sét (vajra) cùng với hào quang hình ngọn lửa phủ sau mũ kirita-mukuta được làm bằng kim loại quý. Thần Indra canh giữ hướng Đông là phương xuất hiện của chư thần Ấn Độ giáo. Bức tượng thần Indra này là thần chủ của một ngôi đền Bà-la-môn tại Kinh thành Sư tử (Simhapura); và cũng là tượng Indra duy nhất phát hiện được tại di tích Trà Kiệu.

Chim thần Graruda.

Các nhà khảo cổ còn sưu tầm được Chim thần Garuda và Kinnara ở Tháp Mẫm, An Thành, An Nhơn, Bình Định, có thế kỷ XII- XIII. Chim thần Garuda trong tư thế hộ trì được đặt ở bốn góc chính của mái tháp nhằm chống đỡ ngọn núi thiêng Meru. Được chế tác vào thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Chàm, thế kỷ XII- XII nên hình tượng Garuda trong giai đoạn này được diễn đạt cầu kỳ, trau chuốt, bộc lộ xu hướng thẩm mỹ tinh tế của giới quý tộc Chămpa đương thời. Trong thời kỳ này, tiểu quốcVijaya (thuộc tỉnh Bình Định ngày nay) trở thành trung tâm của vương quốc Chămpa, nhiều đền-tháp to lớn được xây dựng tại đây, chứng tỏ mối giao lưu nghệ thuật rộng rãi với các vương quốc láng giềng. Còn Tượng Kinnara là một tạo vật nửa người-nửa chim mang thân Nam sống ở cõi trời. Kinnara được tạo thành một đôi với Kinnari nửa người-nửa chim mang thân Nữ. Kinnara-Kinnari là đôi uyên ương vĩnh cửu có tuyệt kỹ về ca nhạc. Trong nghệ thuật Chàm, Kinnara-Kinnari xuất hiện trên phần mái của ngôi đền để diễn tấu lễ nhạc xưng tụng cảnh giới trang nghiêm của chư thần.

Ngoài ra còn có một số hiện vật Chămpa khác được trưng bày hoặc lưu giữ tại Bảo tàng đều có ý nghĩa và tượng trưng của văn hóa nghệ thuật Chămpa từ Đèo Ngang đến Phan Thiết. Bộ sưu tập cổ vật Chămpa hiện hữu tại Bảo tàng có giá trị độc đáo về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc... xứng danh vưu vật trong kho cổ ngoạn của Bảo tàng CVCĐ Huế.

Nguyễn Văn Tưởng