Thương nhớ về đây...!

Thứ sáu, 24/07/2015 09:12

(Cadn.com.vn) - Mặc cho trưa hè nóng cháy, tháng 7 về trên quê hương Quảng Trị vẫn cứ như dịu lại, rợp áng mây mang theo giọt nhớ thương trôi về hướng những người con bất tử đang yên nghỉ như một nốt trầm khắc khoải bấy lâu...

  BQL NTLS Quốc gia Đường 9 xúc động đưa cho tôi danh sách 14 liệt sĩ an táng, yên nghỉ tại lô số 29 vừa được xác định danh tính, đơn vị qua công nghệ giám định gene. Tất cả đều thuộc Trung đoàn 27 anh hùng, hy sinh trong tháng 2 và tháng 3 năm 1971, thời điểm ác liệt bộ đội ta đánh chặn chiến dịch Lam Sơn 719 của địch trên mặt trận Đường 9. Các anh ngã xuống khi tuổi đời mười chín đôi mươi. Hơn 40 năm ấy, nơi quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Phú Thọ, hay Yên Bái, Cao Bằng xa tít, những người thân vẫn mỏi mòn, đau đáu ngóng trông...

Ban CHQS H. Hướng Hóa quy tập 26 hài cốt liệt sĩ tại Làng Khoai vào tháng 4 - 2015, một điểm chôn cất bộ đội hy sinh trong trận đánh diệt cứ điểm Tà Cơn của địch vào năm 1968.

Từ hồ sơ lưu trữ, bàn giao, Ban Chính sách BCHQS tỉnh Quảng Trị cho biết đơn vị quy tập hài cốt liệt sĩ là Sư đoàn 968, QK4. Từ ghi chép của ngành Chính sách – Dân Vận, Sư đoàn 968, những tên Động Khe Sóc, chân đồi Voi Mẹp, suối Tiên Hiên...cùng với những tư liệu đang có đã đưa tôi trở lại ngày tháng chiến đấu gian khổ trên Đường 9 và ngày tìm thấy các liệt sĩ trong buổi chiều cũng nhiều mưa ấy. Trở lại tháng 2–1971, những trận đánh ác liệt dồn dập trên địa bàn Đakrông, bộ đội Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 đã chiến đấu anh dũng, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống giữa làn mưa bom bão đạn của quân thù. Đồng đội đã đưa các anh về chôn cất tạm thời ở các động Khe Sóc, động Ka Lư, chân đồi Voi Mẹp thuộc bản Kareng xã Hướng Hiệp (H.Đakrông). Rồi đồng đội cũng có người hy sinh ngay sau đó, lớp lớp bổ sung cho trung đoàn 27 tiếp nối con đường chiến đấu, giải phóng đất nước. Bao năm Kareng vẫn lặng lẽ nhưng cũng từ đó xanh hơn, ngút ngàn hơn, ôm chặt lấy những người lính Tiểu đoàn 3 thuở nào...

Nếu ai ở Quảng Trị sẽ nhận thấy có một sự ngẫu nhiên, lạ kỳ thường xuyên lặp lại năm này qua năm khác. Đó là gần mỗi dịp lễ lớn như ngày 30–4, ngày Quốc khánh hay 27–7 thường nhận được nhiều thông tin của người dân về phát hiện hài cốt liệt sĩ, đặc biệt là nơi chôn cất tập thể mà chúng ta vẫn gọi một cách dễ hiểu nhất là nghĩa trang dã chiến. Tháng 4–2008, đồng bào Vân Kiều vào rừng Kareng đã phát hiện dấu hiệu mồ chôn bộ đội. Sau nhiều ngày cất bốc, quy tập, vào đúng ngày 30–4, Sư đoàn 968 đã phát hiện quy tập được 6 hài cốt liệt sĩ gần suối Tiên Hiên; mở rộng tìm kiếm, 9 ngày sau đội quy tập phát hiện thêm 9 bộ hài cốt cùng nhiều di vật, kỷ vật bộ đội và có 1 bộ hài cốt có tên. 14 hài cốt còn lại không xác định được danh tính, lúc bấy giờ cũng chưa xác định được cụ thể đơn vị. Tất cả được bàn giao, an táng tại NTLS quốc gia Đường 9 ở lô 29.

Qua giám định gene, danh tính các liệt sĩ ở lô 29 NTLS Quốc gia Đường 9 đã được bổ sung thông tin sau nhiều năm chưa biết tên.

Với người thân liệt sĩ, khi giấy báo tử chỉ vỏn vẹn  một dòng “hy sinh tại mặt trận phía Nam” thì nơi trước tiên họ tìm kiếm đều chọn Quảng Trị bởi đây là chiến trường ác liệt nhất. “Đi nhiều, nắng gió Lào này tôi cũng thành quen, năm xưa em tôi chắc đã từng trải qua, tôi chỉ muốn được có cảm giác như em tôi trên đất Quảng Trị, chỉ chừng đó cũng đã thấy gần em rồi”, người thân liệt sĩ Lê Xuân Lịch rưng rức. Hàng chục năm vào ra Quảng Trị, 72 NTLS không bỏ qua nơi nào, họ vẫn mang một nỗi khắc khoải, mỗi lần như thế nắm hương được chia đều trên các phần mộ liệt sĩ. Những giọt nước mắt đau thương chưa vợi đi, cứ dày thêm cùng năm tháng...

Trong lúc đó, các ngành chức năng vẫn nỗ lực không mệt mỏi, tìm mọi giải pháp để xác định được danh tính liệt sĩ qua công nghệ giám định gen. Nhưng để đến được bước đó cũng phải qua nhiều thời gian xác minh của nhiều đơn vị để “khoanh vùng” trước khi lấy mẫu ADN của người thân để giám định, so sánh. Đến tháng 3- 2015, Viện Công nghệ Sinh học có kết quả giám định gen đối với 14 hài cốt đang an táng chưa biết tên tại lô 29, trong đó có liệt sĩ Lê Xuân Lịch. Ngay sau khi có thông báo, BQL NTLS Quốc gia Đường 9 đã khẩn trương bổ sung thông tin lên bia mộ cho các liệt sĩ, trả lại tên cho các anh. Nốt trầm 44 năm qua cũng tưởng vỡ òa vút lên niềm xúc động...

Từ đầu năm 2015 đến nay, các đơn vị quân đội gồm Đoàn 337 (QK4) Đội 584 (BCHQS tỉnh Quảng Trị), Ban CHQS H. Hướng Hóa và H. Gio Linh đã liên tiếp cất bốc quy tập nhiều điểm chôn cất bộ đội hy sinh tại Quảng Trị trong những năm kháng chiến chống Mỹ và hàng chục hài cốt chưa được xác định danh tính. Từ kết quả của đợt giám định trên chúng ta có quyền hy vọng một ngày mai tới sẽ sớm trả lại đầy đủ tên các anh, cũng là khắc ghi thêm một sự tri ân tha thiết đối với người đã ngã xuống vì độc lập, hòa bình hôm nay.

Bảo Hà