Thương tiếc Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Dù trời mưa xối xả, hàng trăm người dân đã tập trung trước cổng Điện Buckingham ở thủ đô London để cầu nguyện cho Nữ hoàng, sau khi các bác sĩ lo ngại về tình trạng sức khỏe của bà. Lúc 18 giờ 30 (giờ địa phương), Điện Buckingham xác nhận Nữ hoàng Elizabeth II “đã ra đi thanh thản”. Nhiều người bàng hoàng thốt lên: “Ôi không!”. Một số người đã khóc khi lá cờ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland trên dinh thự của Nữ hoàng ở London bị hạ xuống, trước khi bầu không khí im lặng đến tê tái bao trùm đám đông.
Bà Suzan Antonowicz, người dân Anh, đã so sánh sự ra đi của Nữ hoàng giống như mất đi một thành viên trong gia đình. Bà Antonowicz nói: “Nữ hoàng là người mẹ của dân tộc chúng tôi. Bà đã dũng cảm trong nhiều tình huống. Tôi vô cùng kính trọng bà, và tình yêu của tôi dành cho bà còn lớn hơn thế. Chúng tôi sẽ còn đau buồn vì nỗi mất mát này trong nhiều năm nữa”. Anh Scott Thomas, người dân Anh, nói: "Nữ hoàng đã chứng kiến mọi sự kiện lớn mà đất nước này đã trải qua. Bà đã cống hiến tích cực cho đất nước cho đến tận ngày cuối cùng. Và điều đó thực sự đáng kinh ngạc. Điều đó khiến tôi cảm thấy khá tự hào khi là một công dân Anh". Cô Lily Thatddeu, người dân Anh, chia sẻ: "Nữ hoàng luôn là một nhân vật đáng tin cậy trong cuộc đời tôi và luôn là vị vua của chúng tôi. Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng Nữ hoàng không còn nữa".
Tinh thần của nước Anh
Không chỉ là người có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh, Nữ hoàng Elizabeth II còn là vị nguyên thủ quốc gia có thời gian tại vị lâu nhất thế giới. Bà là biểu tượng đáng kính của Hoàng gia Anh. Đối với hầu hết người dân Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II là một hình tượng không thể thay đổi trên tem, tiền giấy và tiền xu. Là người đứng đầu một trong những gia đình nổi tiếng nhất thế giới, Nữ hoàng Elizabeth luôn nhận được sự ủng hộ to lớn của công chúng. Sự nổi tiếng của cá nhân Nữ hoàng là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ủng hộ đối với chế độ quân chủ của Vương quốc Anh trong những năm gần đây. Nữ hoàng cũng trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết của đất nước.
Nữ hoàng Elizabeth II có tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary Windsor, sinh ngày 21-4-1926, tại Mayfair, London. Năm 1952, bà chính thức kế vị ngai vàng và trở thành Nữ hoàng Anh sau khi Vua George VI qua đời. Lễ đăng quang của bà được tổ chức vào ngày 2-6-1953. Khi đó bà 27 tuổi.
Trong khoảng thời gian Nữ hoàng Elizabeth II trị vì, nước Anh đã trải qua 14 đời thủ tướng, bắt đầu với cựu Thủ tướng Winston Churchill (1952-1955) và hiện nay là Thủ tướng Liz Truss - người được Nữ hoàng bổ nhiệm trong một buổi lễ tại lâu đài Balmoral tại Scotland hôm 6-9 vừa qua.
Nữ hoàng Anh có vai trò quan trọng trong các hoạt động mang tính nghi lễ của đất nước. 70 năm trị vì của bà cũng là thời gian thịnh vượng của nước Anh. Không chỉ là nguyên thủ của Anh, Nữ hoàng Elizabeth II còn là nguyên thủ của Khối Thịnh vượng chung, tổ chức liên chính phủ gồm 53 quốc gia thành viên. Ngoài Anh, bà còn là nữ hoàng của 14 quốc gia khác trong khối, trong đó có Canada, Australia và New Zealand.
Trong bài phát biểu trước công chúng bên ngoài ngôi nhà số 10 Phố Dowing, Thủ tướng Anh Liz Truss đã bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II, đồng thời ca ngợi những cống hiến không mệt mỏi của Nữ hoàng đối với đất nước trong suốt 70 năm trị vì. Thủ tướng Trus nêu rõ: "Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II là cú sốc lớn đối với nước Anh và trên toàn thế giới. Nữ hoàng Elizabeth II đã đặt nền móng xây dựng nước Anh hiện đại. Vương quốc Anh đã phát triển mạnh mẽ dưới sự trị vì của Nữ hoàng." Nhà lãnh đạo Anh khẳng định: "Nữ hoàng Elizabeth II là tinh thần của nước Anh và tinh thần đó sẽ tồn tại bất diệt. Nữ hoàng Elizabeth II đã giúp nước Anh trở thành một quốc gia hiện đại, thịnh vượng và năng động". Bà nhấn mạnh sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II là một tổn thất to lớn đối với người dân nước này, song Nữ hoàng đã để lại một di sản tuyệt vời.
Thế giới chia buồn với Anh
Lãnh đạo nhiều nước đã gửi lời chia buồn trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các tòa nhà liên bang khác, đồng thời đến Đại sứ quán Anh tại Washington để viết sổ tang chia buồn. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, các tàu Hải quân Mỹ, các căn cứ quân sự và hải quân, cũng như tất cả các Đại sứ quán và các cơ quan khác của Mỹ ở nước ngoài cũng treo cờ rủ. Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden và phu nhân Jill Biden đã thể hiện sự tôn kính với Nữ hoàng Elizabeth II, cho rằng bà là người đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Anh.
Cũng trong ngày 8-9, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel tuyên bố quốc tang tưởng niệm Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Từ 6 -24 giờ ngày 9-9 (giờ địa phương), các tòa nhà công cộng và đơn vị quân sự ở đảo quốc Caribe sẽ treo cờ rủ để tưởng nhớ Nữ hoàng. Thay mặt nhân dân và Chính phủ Cuba, ông Díaz-Canel chia buồn với người dân và Hoàng gia Anh.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng tuyên bố quốc tang 3 ngày để thể hiện chia buồn về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II. Ông Jair Bolsonaro nhấn mạnh bà Elizabeth II “không chỉ là nữ hoàng đối với người Anh mà còn đối với tất cả chúng tôi”. Theo ông, Nữ hoàng là "một phụ nữ phi thường mà tấm gương về sự lãnh đạo, tính khiêm tốn và tình yêu đất nước của bà sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng tôi và thế giới mãi mãi".
AN BÌNH
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, Thái tử Charles, 73 tuổi, trở thành người kế vị ngai vàng, với vương hiệu Vua Charles III. Nghi lễ sẽ diễn ra tại Cung điện St James ở London, trước Hội đồng Đăng cơ - tổ chức bao gồm các thành viên của Hội đồng Cơ mật là một nhóm các nghị sỹ cấp cao và nhiều nhân vật lớn khác. |