“Thương vong” trong chiến tranh mạng

Thứ năm, 28/08/2014 09:06

(Cadn.com.vn) - Ai cũng biết, Mỹ-Trung đang dấn thân vào cuộc chiến tranh mạng đầy rủi ro. Để đối phó với mối đe dọa mới này, Chỉ huy Chiến lược quân sự của Mỹ ra quyết định thành lập một Đơn vị Mạng trong năm 2009, với mục tiêu “bảo vệ mạng lưới thông tin của Bộ Quốc phòng”. Tổng thống Mỹ Barack Obama xác định rõ, mối đe dọa mà cuộc tấn công gây ra cho nền kinh tế, trong cả khu vực công và tư. Trên thực tế, xung đột trong lĩnh vực mạng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế.

Dân sự gánh chịu

Việc sử dụng các cuộc tấn công mạng đòi hỏi hợp tác giữa quân sự và các nguồn lực dân sự. Trong những năm gần đây, cả hai công ty Trung Quốc và Mỹ đều bị rơi vào tình huống này.

Ngày 8-10-2012, Ủy ban tình báo Hạ Viện Mỹ ra thông báo cảnh báo  đe dọa an ninh quốc gia từ các đại gia viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE. Sau cuộc điều tra kéo dài cả năm, ủy ban tình báo phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng từ “cửa hậu” liên quan đến công nghệ của Cty này, qua đó cho phép truy cập vào hệ thống mạng chính phủ và mạng lưới kinh doanh Mỹ.

Thông báo khuyến cáo không mua các sản phẩm của Huawei hay ZTE, và cấm 2 Cty này được sáp nhập vào các tập đoàn viễn thông Mỹ. Những lời buộc tội làm tổn thương nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng đối với 2 Cty này, đến mức vào tháng 12-2013, Phó Chủ tịch điều hành Huawei đột ngột tuyên bố “chúng tôi không quan tâm đến thị trường Mỹ nữa”.

Trong khi đó, tháng 6- 2013, cựu nhà thầu Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden cho thế giới thấy bộ máy tình báo của NSA, bằng cách công bố hàng ngàn tài liệu mật cho các phương tiện truyền thông. Các tài liệu cho thấy, Washington sử dụng các Cty công nghệ trong nước (trong nhiều trường hợp không được sự đồng ý của họ) làm phương tiện thu thập thông tin tình báo.

Vào tháng 5-2014, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không mua hoặc sử dụng 2 sản phẩm chính của Microsoft là hệ điều hành Windows 8 và Microsoft Office Suite 365. Cục Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (SAIC) tuyên bố, Windows XP là công cụ gián điệp, khiến hàng loạt người dùng máy tính ở Trung Quốc tẩy chay hệ điều hành này.

Chiến tranh mạng gây tổn thất rất lớn cho các Cty dân sự. Ảnh: Diplomat

Chiến trường không xác định

Mặc dù các tập đoàn quốc gia này nhận thức được những rủi ro trong các cuộc chiến không gian mạng, vẫn không có các quy định, luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế chi phối các mối quan hệ giữa các Cty tư nhân và các chính phủ đang tìm cách sử dụng họ để thực hiện chiến tranh mạng.

Các Cty kinh doanh các ngành công nghiệp công nghệ sẽ luôn nằm “vùng màu xám” của một chiến trường mạng không được kiểm soát và không có bất kỳ chính sách nào để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng của mình.

Cả hai nước cần xác định rõ ràng hơn ranh giới giữa dân sự và quân sự trong chiến tranh không gian mạng thông qua hợp tác với các đối tác trong nước và tiến hành các cuộc thảo luận quốc tế song phương. Nếu không làm như vậy, có thể cản trở nghiêm trọng sự tương tác kinh tế đối với cả hai nước và tiếp tục gây bất ổn cho mối quan hệ Trung-Mỹ vốn đã mong manh.

Vai trò của chính phủ

Dù các tổ chức tư nhân thực hiện các biện pháp mở rộng để bảo mật chống tội phạm mạng, những thách thức của cuộc chiến tranh mạng lớn hơn chống lại kẻ thù có khả năng yêu cầu cần có sự hợp tác dân sự-chính phủ.

Thật không may, tại Mỹ, phản ứng của chính phủ trong lĩnh vực mạng hầu như không tồn tại. Nguyên nhân của việc này là không xác định kẻ tấn công và thiếu các thủ tục tại chỗ để huy động cuộc ứng phó quốc gia để tấn công vào mục tiêu dân sự.

Trong khi chưa thể nói cụ thể những biện pháp có thể được thực hiện để giải quyết vấn đề, một cuộc đối thoại giữa chính phủ và khu vực dân sự là bước đi cần thiết đầu tiên đối với việc đảm bảo, chính phủ sẽ có vai trò tích cực trong việc ngăn chặn cuộc tấn công gây thiệt hại vào các mục tiêu dân sự.

An Bình
(Theo Diplomat)