Tích xưa, tên cũ... chợ Cồn
Hầu hết các tư liệu đều ghi lại chợ Cồn Đà Nẵng được hình thành từ những năm 40, nghĩa là chỉ chung cho mốc thời gian một thập kỷ chứ không nêu được năm cụ thể sự ra đời của chợ Cồn. Còn theo Võ Hà, tác giả bài "Từ chợ Hàn đến chợ Cồn Đà Nẵng" đăng trên tạp chí Non Nước số 214, tháng 9-2015 thì chợ Cồn được xây dựng vào năm 1958.
Chợ Cồn xưa và nay. |
Chỉ riêng cái tít bài viết đã cho thấy ý tác giả khẳng định chợ Hàn được hình thành trước chợ Cồn. Theo tác giả Võ Hà, năm 1957 chợ Hàn, chợ duy nhất ở trung tâm Đà Nẵng bị quá tải nhưng vẫn chưa xây thêm được chợ mới để phân luồng hoạt động nội thương. Năm 1958, Tòa Thị chính Đà Nẵng cho lập chợ Cồn. Ban đầu chỉ có 2 đình chợ rồi chợ Cồn nới rộng thêm qua từng thời kỳ. Tuy nhiên, đây chỉ là sự khác nhau về thời gian xuất hiện ra cái chợ còn hoàn cảnh lịch sử, địa lý, nhu cầu cuộc sống... về chợ không có gì đáng nói.
Hồi ấy ngay tại địa điểm chợ Cồn bây giờ là một nổng cát trắng khá rộng, lau sậy chen chúc cùng với những khóm xương rồng đầy gai góc hoang dại với một lạch nước chảy róc rách suốt đêm ngày. Mỗi khi bắt được một số người tham gia Việt Minh, thực dân Pháp thường đưa ra nổng cát này hành hình rồi dùng đòn xóc dựng đầu người bị chém cắm trên nổng cát rất dã man nhằm đe dọa và đè bẹp phong trào kháng Pháp ở Đà Nẵng. Một cồn cát hoang vắng, không một mái nhà và sự đòi hỏi tất yếu về nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hóa nên một cái chợ bắt đầu xuất hiện tại đây. Khi mới ra đời, chợ rất tạm bợ, các gian bán hàng chủ yếu dựng bằng chòi tre, mái lợp tranh săng để làm nơi buôn bán. Vì chợ ở trên một cồn cát trắng nên mọi người đều gọi là chợ Cồn.
Dần theo thời gian, nhất là trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, kết cấu hạ tầng của Đà Nẵng từng bước phát triển, nhà cửa, đường sá xung quanh khu vực chợ Cồn được nâng cấp và xuất hiện nhiều hơn. Thế là chợ Cồn tọa lạc ngay bên một ngã tư giữa hai con đường Ruedela Repubelyque (nay là đường Hùng Vương) và đường Sabiella (đường Ông Ích Khiêm). Phía trước chợ Cồn, thực dân Pháp mở một đường ray xe lửa và xây dựng dãy nhà kho chứa vũ khí, vật liệu nổ nên người dân thường gọi kho đạn. Đến thời kỳ Mỹ-ngụy, kho đạn được sửa sang, xây cất thành nơi giam cầm những người yêu nước, bao bọc xung quanh là các dãy nhà gia binh, chủ yếu là lực lượng cảnh sát để theo dõi, nhưng người dân vẫn thường gọi theo tên cũ.
Rồi theo thời gian, chợ Cồn được xây dựng bằng những vật liệu kiên cố, những ngôi nhà lồng, lợp ngói khá rộng được thay thế. Bao bọc quanh bốn hướng của các nhà lồng là những dãy ki-ốt cho thuê để tiểu thương buôn bán các mặt hàng có giá trị cao như vàng bạc, các quầy tạp hóa xa xỉ đắt tiền. Sau đó không lâu, bến xe và một cây xăng cũng xuất hiện ở gần chợ Cồn. Bến xe ngày trước chủ yếu phục vụ người dân đi lại từ Đà Nẵng ra Huế và một số tỉnh Trung Kỳ. Hàng hóa, các loại nông sản cũng theo các chuyến xe tập trung về chợ Cồn ngày thêm phong phú. Về sau các xe lớn 4 bánh chạy đường dài đều tập trung về bến xe mới ở đường Điện Biên Phủ bây giờ, bến xe chợ Cồn chỉ dùng cho xe lambro 3 bánh, thường gọi bến xe Vĩnh Trung.
Mạng lưới giao thông phát triển, chợ Cồn nhanh chóng trở thành một tụ điểm đầu mối thương mại lớn nhất Đà Nẵng. Sự sầm uất của chợ Cồn đã góp phần tạo dựng nên những khu phố thương mại lớn trên các con đường nằm cận kề với chợ. Nhiều nhà buôn, cửa hàng, cửa hiệu nổi tiếng bắt đầu xuất hiện tại các dãy nhà quanh chợ như "Nhà sách Văn hóa", "bánh mỳ ông Tý", "cà-phê Xướng", "phở Thái Ngư", "bánh kẹo Quánh Hưng"... cùng hàng chục cửa hiệu, tạp hóa, đại lý với đủ loại hàng hóa thiết yếu đối với đời sống con người. Giai đoạn giữa thập kỷ 60-70, số lượng người đến chợ Cồn buôn bán ngày càng tăng, các ki-ốt hàng hóa của chợ không thể đáp ứng kịp, người ta phải kê thêm một số kệ làm nền, dựng tạm lều bạt nhằm cơi nới thêm diện tích để bán hàng. Hầu hết các thợ thuyền, người lao động ở Đà Nẵng đều tập trung về đây mua sắm, ăn uống...
Năm 1984, UBND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng đầu tư, xây dựng mới hoàn toàn lại chợ Cồn, một công trình thương mại đồ sộ đầu tiên của tỉnh kể từ sau năm 1975, lấy tên Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng (TTTNĐN). Đây là công trình chào mừng Kỷ niệm 10 năm giải phóng Đà Nẵng. Sau 128 ngày khẩn trương thi công với khí thế thần tốc, ngày 23-3-1985, TTTNĐN đã hoàn thành trước thời hạn 1 ngày, Lễ khánh thành được tổ chức sáng ngày 27-3. TTTNĐN có diện tích xây dựng 12.417m2, diện tích sử dụng 11.646m2 trên toàn bộ diện tích 14.200m2, gồm 1 nhà 3 tầng dùng làm khu bách hóa và dịch vụ, 1 nhà 2 tầng là trụ sở làm việc của Ban quản lý, 1 nhà 2 tầng dài và 6 nhà lồng cho khu tạp phẩm, khu thực phẩm và nhiều công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí ước tính 115,5 triệu đồng lúc ấy.
Tuy có tên mới nhưng từ người mua sắm đến các tiểu thương ai cũng quen gọi chợ Cồn. Cái tên ấy là nét văn hóa đã thấm sâu vào tâm tưởng, máu thịt của người dân xứ Quảng từ lâu, không thể vứt bỏ được. Chính vì thế nên từ tháng 4-2002, Cty quản lý các chợ Đà Nẵng đã có tờ trình đề xuất cấp có thẩm quyền cho lấy lại tên chợ Cồn. Tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng lần thứ 4, Khóa VIII diễn ra trong các ngày 3 và 4-7-2012, quyết định đổi tên từ TTTNĐN trở lại tên chợ Cồn. Thế là sau 27 năm cái tên chợ Cồn quen thuộc ngày trước bị mất đi trong giấy tờ lại chính thức được dùng trở lại trong các văn bản về quản lý của Nhà nước. Ngày 18-6-2020, Ban tổ chức cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc chợ Cồn đã trao các giải xuất sắc về thiết kế, điều đó cho thấy chợ Cồn sẽ hiện đại và hoành tráng hơn ở tương lai gần.
THÁI MỸ