Tiền lệ nguy hiểm!

Thứ sáu, 30/09/2016 10:10

(Cadn.com.vn) - Tiếp sau Thượng viện, Hạ viện Mỹ ngày 29-9 bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với dự luật Công lý chống bảo trợ khủng bố (JASTA), cho phép thân nhân và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11-9-2001 kiện Saudi Arabia.

Hạ viện thông qua việc vô hiệu hóa quyền phủ quyết trên với 348 phiếu thuận và 77 phiếu chống, trong khi Thượng viện chứng kiến kết quả áp đảo gần như tuyệt đối: 97 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ có đủ số phiếu cần thiết để vô hiệu hóa một quyết định phủ quyết trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Động thái chính là “đòn giáng mạnh mẽ” nhằm vào chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama trong bối cảnh ông chuẩn bị rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017 tới.

Ông chủ Nhà Trắng phản ứng gay gắt trước động thái này của Quốc hội. Tổng thống Obama cho rằng, Quốc hội “hoàn toàn sai lầm” khi bác quyền phủ quyết của ông và nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật cho phép hành động pháp lý chống lại Saudi Arabia do vai trò liên quan của Riyadh trong vụ tấn công 11-9-2001. Thậm chí, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, động thái này sẽ thiết lập “tiền lệ nguy hiểm”, mở đường cho các cá nhân trên toàn thế giới kiện chính phủ Mỹ.

Với cuộc bỏ phiếu lịch sử này, dự luật gây tranh cãi này giờ đây trở thành luật bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền ông Obama. Thật sự, đối với nước Mỹ, việc vô hiệu hóa quyền phủ quyết của tổng thống là điều mà không thể xem nhẹ. Nhưng nhiều nghị sĩ cho rằng, điều quan trọng trong trường hợp này là gia đình của các nạn nhân 11-9 cần được trao quyền theo đuổi công lý, ngay cả khi việc này sẽ gây ra hậu quả ngoại giao tai hại.

Tổng thống Obama phủ quyết JASTA hôm 24-9 do lo ngại dự luật này sẽ gây phương hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ. Theo ông, nếu dự luật được ban hành thành luật, mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia sẽ gia tăng căng thẳng trong khi JASTA cũng không thể bảo vệ người Mỹ từ các cuộc tấn công khủng bố. Tất nhiên, quyết định này sẽ làm hài lòng đồng minh Riyadh nhưng lại làm dấy lên nguy cơ tạo tâm lý phản kháng mạnh mẽ ở trong nước.

Saudi Arabia là quê hương của 15 trong số 19 tên không tặc tham gia vụ tấn công khủng bố 11-9-2001. Dù có nhiều nghi ngờ nhưng cho đến nay không có bằng chứng xác thực cho thấy vai trò của chính phủ Saudi Arabia trong vụ tấn công tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ này.

Thanh Văn