Tiến thoái lưỡng nan

Thứ tư, 13/01/2016 09:54

(Cadn.com.vn) - Một số quốc gia Vùng Vịnh Arab đã tỏ ra "nghiêm túc" với quyết định đứng đằng sau Saudi Arabia khi Riyadh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Tuy nhiên, ngoài Bahrain, hầu hết những quốc gia phản ứng như thế với Iran đều là các quốc gia nhỏ - dù là cường quốc năng lượng nhưng không phải là cường quốc quân sự - và luôn muốn bảo vệ lợi ích chiến lược trong khu vực và tránh một cuộc xung đột toàn diện với Iran.

Cho đến nay, cuộc chiến ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran vẫn chưa có hồi kết. Thậm chí mọi việc đang ngày càng căng thẳng hơn nữa sau vụ Riyadh xử tử giáo sĩ Hồi giáo Shiite Nimr al-Nimr, vụ việc khiến người biểu tình Iran trả đũa bằng cách tấn công đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran. Nhiều người cho rằng, căng thẳng ở Vùng Vịnh đạt đến mức "vô hình" của những năm 1980, khi Iraq nhận viện trợ từ các nước Vùng Vịnh Arab cho cuộc chiến chống Iran (1980-1988) để ngăn chặn ảnh hưởng của cuộc cách mạng Hồi giáo đã lật đổ Vua Shah.

Hiện, người Hồi giáo Sunni ở Saudi Arab đã cảnh báo có thể thực hiện các bước tiếp tục chống lại người Shiite ở Iran với cáo buộc Tehran can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ ở nước này. Điều này làm bùng lên lo ngại Riyadh sẽ tiếp tục gây áp lực lên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) để thông qua những phản ứng mạnh mẽ hơn nhằm vào Tehran, kéo theo nhiều nước vào cuộc chiến này.

Trên thực tế, trong nỗ lực chứng tỏ sự đoàn kết đối với vương quốc giàu dầu mỏ Saudi Arabia, các nước như Kuwait và Qatar vào tuần trước đã quyết định rút đại sứ ở Tehran về nước trong khi Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hạ cấp quan hệ với Iran. Bahrain và hai quốc gia không nằm trong Vùng Vịnh, Djibouti và Sudan, quyết định cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Iran. Nhưng mối liên kết thương mại lâu dài, những mối lợi chung trong các lĩnh vực dầu khí và sự hiện diện của các cộng đồng người Shiite khá lớn khiến nhiều quốc gia Vùng Vịnh thận trọng hơn. Họ, thay vì đóng cửa với Iran, đang đứng ở vị trí trung lập.

Căng thẳng leo thang đột ngột giữa Saudi Arabia và Iran trên thực tế gây nhiều lo lắng và sợ hãi cho các nước nhỏ trong khu vực trong bối cảnh giá dầu mỏ xuống thấp kỷ lục khiến nền kinh tế các nước này lao đao. Rõ ràng, các quốc gia Vùng Vịnh của người Sunni đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong mối quan hệ với Iran, quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Rất nhiều các quốc gia Vùng Vịnh Arab băn khoăn lo ngại, những căng thẳng Arab-Iran sâu hơn chỉ càng khiến Tehran mạnh mẽ hơn và linh hoạt hơn.

Một số người cho rằng, cắt đứt quan hệ với Tehran sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực để chấm dứt chiến tranh Syria. Động thái này cũng sẽ có nguy cơ làm mếch lòng một cường quốc khu vực đang nổi lên, và sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Thanh Văn