Tiến thoái lưỡng nan
(Cadn.com.vn) - Nhà lãnh đạo đắc cử của Đài Loan Thái Anh Văn đang đứng trước tình thế thật sự tiến thoái lưỡng nan: đón hay không đón Đức Dalai Lama – vị lãnh tụ tinh thần lưu vong của người Tây Tạng song bị chính quyền Trung Quốc cáo buộc tội gây chia rẽ dân tộc.
Có lẽ, tuần trăng mật ngoại giao của nhà lãnh đạo đắc cử của Đài Loan Thái Anh Văn với chính quyền Trung Quốc đại lục chắc chắn sẽ không thể kéo dài được lâu nếu bà cho phép Đức Dalai Lama đến thăm hòn đảo này, vốn thuộc chủ quyền của Trung Quốc (theo các nguồn tin, Đức Dalai Lama có thể sẽ đến thăm hòn đảo này vào tháng 10 tới).
Lâu nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn xem lãnh đạo tinh thần lưu vong của người Tây Tạng này là một phần tử ly khai. Vì vậy, trong suốt thời gian cầm quyền, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu – người vốn ủng hộ quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc đại lục, nhiều lần từ chối cho Đức Dalai Lama nhập cảnh, kể từ chuyến thăm cuối cùng của ông này đến Đài Loan vào năm 2009. Vào dịp đó, nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu đã cho phép Đức Dalai Lama vào Đài Loan song không gặp vị thủ lĩnh tinh thần 80 tuổi này.
Tuy nhiên, ngay sau khi bà Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến - vốn ủng hộ Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc - lên nắm quyền, nhiều nhóm tôn giáo ở hòn đảo này đã gửi lời mời đến Đức Dalai Lama, khiến vị nữ lãnh đạo đắc cử này phải đối mặt với một tình thế rất khó xử. Trên thực tế, kể từ sau khi đánh dấu chiến thắng lớn tại cuộc bầu cử hồi tháng 1 vừa qua, bà Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tìm cách duy trì “hiện trạng hòa bình và ổn định” với Trung Quốc đại lục - đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan.
Giới phương tiện truyền thông nhà nước Trung quốc cũng đã ghi nhận những cam kết của vị nữ chính trị gia này. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng liên tục cảnh báo Đài Loan về hậu quả nếu quyết tâm đòi độc lập và khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền đất nước đến cùng. Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu, nhà lãnh đạo đắc cử của Đài Loan phải tôn trọng hiến pháp riêng của hòn đảo này, trong đó quy định cả Đài Loan và đại lục đều nằm trong một nước Trung Quốc.
Tất nhiên, dù đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng bà Thái Anh Văn, người sẽ tuyên bố nhậm chức vào ngày 20-5 tới, cũng phải đi đến quyết định cuối cùng. Nếu “nói không” với Đức Dalai Lama, bà Thái Anh Văn có nguy cơ đối mặt với làn sóng chỉ trích từ trong nước của các phần tử tôn giáo. Nhưng nếu “nói có”, quyết định này sẽ có nguy cơ làm bùng nổ căng thẳng với chính quyền Trung Quốc đại lục tại một thời điểm rất nhạy cảm như hiện nay. Nhiều người cho rằng, bà Thái có thể nỗ lực và tìm kiếm một sự thỏa hiệp, bằng cách thuyết phục Bắc Kinh tiếp tục đối thoại cởi mở để đổi lại việc cho phép Đức Dalai Lama vào Đài Loan, nhưng không có cuộc gặp gỡ cấp cao với ông này.
Thanh Văn