Tiến thoái lưỡng nan
Thương vụ mua S-400 của Nga đang khiến quan hệ đồng minh trong khối NATO giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ căng thẳng. Cả hai tranh cãi trong nhiều tháng qua về hệ thống vũ khí tiên tiến này, mà Washington cho rằng không tương thích với mạng lưới phòng thủ của liên minh phương Tây cũng như sẽ đe dọa máy bay chiến đấu tàng hình F-35, loại vũ khí của Mỹ mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng có kế hoạch mua.
Vấn đề là Ankara có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý theo luật của Mỹ năm 2017, có tên Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nếu thực hiện thương vụ này. Để được miễn bất kỳ lệnh trừng phạt nào do Quốc hội Mỹ áp đặt theo luật CAATSA, Thổ Nhĩ Kỳ cần “nhờ cậy” Tổng thống Donald Trump, để nhà lãnh đạo này chứng minh rằng, việc mua tên lửa S-400 không phải là một “giao dịch quan trọng” và nó sẽ không gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn của NATO hoặc ảnh hưởng xấu đến các hoạt động quân sự của Washington.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này xem ra rất khó và Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách thoát khỏi rắc rối. Đã có những đồn đoán cho rằng Ankara có thể bàn giao S-400 cho một số quốc gia khác. Sau khi việc chuyển giao tên lửa S-400 hoàn tất, lựa chọn cất giữ hệ thống này ở Azerbaijan hoặc Qatar đã được Ankara đặt lên bàn cân. Cũng có tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút lui khỏi thỏa thuận S-400 theo một cách nào đó mà không chọc giận Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ có được lô hệ thống phòng không tầm xa tinh vi đầu tiên này vào tháng 7, khiến nước này trở thành quốc gia đầu tiên của NATO có S-400. Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thực hiện một bước ngoặt liên quan đến hệ thống S-400 (có thể hủy bỏ việc mua hệ thống này) bằng cách mang lại cho Nga một số nhượng bộ. Và nếu Ankara không hủy bỏ thỏa thuận Mỹ có thể hủy hoại kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Washington, vô cùng bực tức trước quyết định mua lại tên lửa S-400, cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về các biện pháp trừng phạt nếu tiếp tục theo đuổi thỏa thuận này. Hồi tuần trước, Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ trừng phạt kinh tế Ankara nếu thỏa thuận S-400 không bị hủy bỏ. Đó là lời cảnh báo khiến Ankara thật sự dè chừng nhất là trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái. Ước tính, Thổ Nhĩ Kỳ cần khoảng 200 tỷ USD vào năm 2019, gần 175 tỷ USD là nợ ngắn hạn, để điều hành nền kinh tế.
Tất nhiên Thổ Nhĩ Kỳ không muốn rơi vào cuộc suy thoái kinh tế khác. Nhưng họ cũng không thể khiến Nga nổi giận. Ankara thật sự đang đứng ở ngã ba đường.
THANH VĂN