Tiến trình hòa bình đẫm máu của Afghanistan

Thứ hai, 15/07/2019 15:51

Ngay cả khi các quan chức tiếp tục bàn chuyện hòa bình, bạo lực vẫn gia tăng ở Afghanistan.

Rohullah Nabizada, sĩ quan cảnh sát 30 tuổi, đã trở lại làm nhiệm vụ ở Ghazni với hy vọng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban sẽ giúp giảm bạo lực. Nhưng hy vọng của ông tiêu tan khi một xe quân sự đầy chất nổ phát nổ hôm 22-5. Nabizada trở thành thành viên đầu tiên trong gia đình mất mạng vì cuộc chiến đẫm máu đã bước sang năm thứ 18. Giống như hàng ngàn người khác, thi hài Nabizada được gửi về quê nhà cho mẹ của ông trong một chiếc hộp gỗ.

Căn cứ quân sự ở thủ đô Kabul, nơi các tay súng Taliban cho nổ tung một chiếc xe chứa đầy thuốc nổ hôm 1-7. Ảnh: Diplomat

6 ngày đàm phán đẫm máu

Hồi tháng 7-2018, Mỹ mở các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban với mục tiêu chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan. Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn, cướp đi sinh mạng của các thành viên lực lượng an ninh chính phủ cũng như của cả quân nổi dậy Taliban.

Vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2019, bạo lực gia tăng trên khắp đất nước ngay cả khi Zalmay Khalilzad, đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan, ngồi nói chuyện với phái đoàn Taliban do Phó Thủ lĩnh Mullah Baradar dẫn đầu ở Doha, Qatar. Tiến sĩ Orzala Ashraf Nemat, người chỉ đạo Đoàn nghiên cứu và đánh giá Afghanistan, cho rằng cả Mỹ và Taliban đều muốn đàm phán để đặt đòn bẩy. Do đó, dù tăng cường đàm phán, họ cũng tăng cường chiến đấu trên cả nước.

Hôm 1-7, ngày thứ ba của vòng đàm phán hòa bình lần thứ 7 giữa các nhà ngoại giao Mỹ và các nhà đàm phán Taliban, các tay súng Taliban lái một chiếc xe chứa đầy các thiết bị nổ lao vào một căn cứ quân sự ở thủ đô Kabul. Vụ tấn công làm rung chuyển toàn bộ thành phố. Sau vụ đánh bom xe, 5 thành viên Taliban nổ súng bắn trả lực lượng an ninh. Vụ tấn công khiến các học sinh của một trường tư thục gần đó bị bắt làm con tin, 52 người trong số họ bị thương. Các báo cáo mâu thuẫn nhau về số người thương vong trong vụ tấn công. Chính phủ xác nhận 16 người chết và 105 người bị thương, bao gồm các nhân viên truyền thông của kênh truyền hình địa phương Shamshahd. Trong khi đó, các báo cáo không thể kiểm chứng cho thấy số người chết lên tới 40 người, bao gồm cả lực lượng an ninh và dân thường.

Cùng ngày với vụ đánh bom tại Kabul, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ Khalilzad tuyên bố, cuộc đối thoại nội bộ của Afghanistan dự kiến diễn ra vào ngày 7, 8-7. Sau khi các cuộc đàm phán với Taliban kết thúc tại Doha vào ngày 6-7, ông Khalilzad đã tạm dừng các cuộc đàm phán để các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan có thể diễn ra.  Nhưng tại Afghanistan, 6 ngày đàm phán giữa Mỹ và Taliban là 6 ngày đẫm máu. Nhiều cuộc tấn công cướp đi sinh mạng của lực lượng từ cả hai phía. Ít nhất 264 người lực lượng thân chính phủ và 58 dân thường đã thiệt mạng tại quốc gia này. Theo New York Times, đây là tỷ lệ tử vong cao nhất năm 2019,

Hôm 7-7, ngay cả khi một nhóm các nhà hoạt động, thành viên xã hội dân sự và chính trị gia Afghanistan được chọn trực tiếp gặp các chỉ huy của Taliban, các phần tử của nhóm này lái một xe tải chất đầy chất nổ lao đến văn phòng của Tổng cục An ninh Quốc gia (NDS) thuộc Cơ quan tình báo Afghanistan, tại thành phố Ghazni, thủ phủ của tỉnh Ghazni, phía đông đất nước. Vụ đánh bom mà Taliban tuyên bố nhận trách nhiệm đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 14 người, trong đó có 8 thành viên lực lượng an ninh và 6 dân thường. Vụ tấn công cũng khiến 179 người bị thương, gồm cả dân thường và học sinh đang theo học tại một trường học gần đó.

Vết sẹo của cuộc chiến

Daoud Naji, một nhà hoạt động chính trị độc lập, người tin rằng các cuộc đàm phán hòa bình trước đó đã thất bại vì không có lệnh ngừng bắn, đặt câu hỏi: "Các quan chức Mỹ nhảy vào tiến trình hòa bình. Có một ngọn lửa đang thiêu rụi con người. Các ông đã sẵn sàng ngừng bắn trong 2 năm qua, trước khi có bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào chưa?". Ông Naji kêu gọi Taliban đến Kabul và mở văn phòng để theo đuổi lợi ích chính trị của họ.

Nhưng Taliban yêu cầu rút toàn bộ quân đội nước ngoài trước khi đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan hoặc tuyên bố ngừng bắn. Tuy nhiên, nhiều người hy vọng rằng các cuộc đàm phán hòa bình hiện tại sẽ dẫn đến một số thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban. Nếu không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về ngừng bắn, Taliban có thể môi giới một thỏa thuận với Mỹ dựa trên sự rút quân của Washington và sự đảm bảo của Taliban rằng Afghanistan sẽ không bị nhóm khủng bố này sử dụng để tấn công Mỹ và các đồng minh. Một nhà phân tích chính trị ở Kabul cho rằng rất dễ để đối phó với Mỹ, nhưng việc xây dựng hòa bình chính trị trong nước phức tạp hơn nhiều. Việc tiếp tục chính sách chiến đấu song song với đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban có thể dẫn đến sự gia tăng bạo lực trên khắp đất nước.

Trong hai thập kỷ qua, khoảng 100.000 người đã thiệt mạng và hàng chục ngàn người bị thương. Những vết sẹo của cuộc chiến đã xảy ra ở hầu như mọi gia đình trong nước, khiến cho việc hòa giải giữa những người đang chiến đấu cho chính phủ và Taliban trở nên khó khăn hơn. Các nạn nhân của cuộc chiến có thể muốn kết thúc chiến tranh, nhưng vấn đề hòa giải thực sự vẫn còn rất xa. Hàng ngàn người đã bị giết bởi các vụ đánh bom tự sát, không kích và đạn pháo. Vợ mất chồng, trẻ em mồ côi, cha mẹ mất con trong cuộc chiến. Cuộc chiến kéo dài quá lâu và gây ra nhiều đau đớn đến nỗi việc giải quyết cuộc xung đột giờ đây trở nên phức tạp hơn nhiều so với việc rút quân Mỹ hoặc thậm chí là một thỏa thuận giữa chính phủ Afghanistan và Taliban. Những vết sẹo của cuộc chiến vẫn còn trong trái tim của hàng ngàn người.

AN BÌNH