Tiếng chuông tri ân
Tháng Bảy này, sau các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, tiếng chuông trầm ấm ở nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) các xã Hòa Châu, Hòa Phong (H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sẽ tiếp tục sưởi ấm những tấm lòng thân nhân, gia đình liệt sĩ (LS). Không chỉ dừng ở tâm linh, tiếng chuông ngân vang, vọng xa từ các NTLS là vô cùng ý nghĩa...
![]() |
Tiếng chuông ở NTLS xã Hòa Khương ngân vang đã sưởi ấm tấm lòng thân nhân, gia đình LS. |
Chúng tôi đã gặp nhiều cựu chiến binh và thân nhân gia đình LS, họ đều cho rằng, trong sâu thẳm của lòng mình, về tâm linh, họ đều có một nguyện vọng thiết tha, ngoài việc có một nơi khang trang để các LS an nghỉ thì ở mỗi nghĩa trang cũng nên đúc quả chuông đồng để mỗi khi có đồng đội về thăm, hoặc có thân nhân đến viếng, họ được gióng lên hồi chuông để mời các anh về sum họp. Tiếng chuông không chỉ là những thanh âm nghĩa tình, mà còn là tiếng vọng từ quá khứ hào hùng, tiếng vọng của tinh thần bất khuất và lòng dũng cảm... Nhìn theo những hàng bia mộ trong mỗi NTLS, chúng tôi biết rằng có rất nhiều người đã hy sinh khi tuổi đời chưa quá đôi mươi, độ tuổi đang hừng hực nhựa sống và nhiệt huyết. Các anh hiến dâng cả đời mình cho đất nước, đã anh dũng chiến đấu và thanh thản trở về với đất Mẹ. Nhiều anh, quê tận Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thanh Hóa xa xôi đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của miền Nam ruột thịt vào công tác, chiến đấu và nằm lại nơi đây. Nhiều anh, không kịp để lại cái tên, năm sinh và quê quán của mình... Bên cạnh đó, biết bao con người thường ngày vốn bận rộn với cuộc sống mưu sinh nhưng đến những ngày này họ vẫn dành riêng cho mình một khoảng lặng trước các hương hồn LS, đặt lên phần mộ LS những cành hoa tươi thắm, thắp một nén nhang tưởng nhớ công ơn. Cũng như anh Lê Đức Tuấn (trú xã Hòa Phong), giữa khuôn viên nghĩa trang đầy nắng như chạm vào nỗi đau chiến tranh, anh đã cảm nhận sâu sắc những gì mà thế hệ hôm nay có được là từ những hy sinh xương máu của cha ông đi trước. Vì vậy, mỗi lần đến, anh tự tay vun trồng, tưới nước những bồn hoa và chăm sóc các mộ phần LS. Anh mong muốn những người nằm lại nơi đây luôn được sưởi ấm nghĩa tình.
Tháng Bảy, tại NTLS 11 xã ở Hòa Vang luôn ngạt ngào hương khói và lòng tri ân của người đang sống với những người đã mất. Trong những dòng người đến viếng, không chỉ có thân nhân các LS, những người đồng đội đi tìm nhau, mà giữa cái nắng nóng như thiêu như đốt, rất nhiều người đã tìm về với tấm lòng biết ơn vô hạn. Quá khứ hào hùng mà các chiến sĩ anh dũng hy sinh để đổi lấy độc lập, tự do đã được đồng bào, đồng chí nâng niu, trân trọng và tiếp nối bằng những nghĩa cử cao đẹp với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Việc "Đền ơn đáp nghĩa" không chỉ diễn ra trong dịp tháng 7 cao điểm mà là hoạt động thường xuyên trong năm, liên tục từ năm này qua năm khác và không có điểm dừng. Không ai tường tận như người Hòa Vang về những hy sinh, mất mát trên từng mảnh đất quê hương và cũng ít ai thấu cảm hơn người Hòa Vang về vị ngọt thời bình. Đất và người Hòa Vang luôn thắm đượm chữ tình, vẹn nguyên niềm tin và giàu khát vọng vươn lên. Ngoài việc nâng cấp, tôn tạo cảnh quan thì việc vận động con em LS, cán bộ và nhân dân địa phương đóng góp kinh phí đúc Đại hồng chung tại các NTLS thời gian qua cũng đã phần nào minh chứng cho những điều đó.
Tiếng chuông tri ân ngân vang hòa quyện trong làn khói hương bay lên từ những phần mộ LS là một âm thanh tâm linh gọi hồn dân tộc, làm cho con người nhớ về cội nguồn, nhớ về quê hương, đất nước; không những thế còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng lịch sử, phát huy truyền thống anh hùng, ra sức học tập, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông đất nước. Mỗi tiếng chuông vang lên đã mang theo hàng triệu tấm lòng với sự kính cẩn, biết ơn vô hạn đối với các anh hùng, LS không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau.
VY HẬU