Tiếng cuốc đêm hè

Thứ hai, 29/07/2013 12:34

(Cadn.com.vn) - Chờ cho những cánh đồng ven sông Yên vắng bóng người, nhóm thợ bẫy chim từ vùng giáp ranh H. Điện Bàn (Quảng Nam) qua mới bắt đầu chuẩn bị công cụ đánh bắt chim cuốc. Hành trang họ mang theo vô cùng gọn nhẹ, mỗi người một tấm lưới rộng chừng 1m, dài khoảng 50m và một sợi dây mắc nhiều vỏ lon để gây tiếng động; một máy cassette.  Theo anh Thỏa, một thợ săn cuốc, vị trí tốt nhất là các rìa làng, vì con cuốc dễ định vị khi nghe băng cassette để lao tới. Hai người đi cùng anh mới tản ra được vài phút thì tiếng "cu-ốc... cu-ốc... cu-ốc..." từ cánh đồng đầu làng Phú Sơn (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) bắt đầu vọng lại. Lúc này, anh Thỏa cũng thoăn thoắt giăng lưới đầu đám ruộng. Móc sợi dây gây tiếng động xuống cuối đám xong, anh bật máy. Tiếng "cu-ốc... cu-ốc... cu-ốc" từ ba chiếc máy thi nhau vang lên làm náo nhiệt cả cánh đồng.

Chuẩn bị "đồ nghề" bẫy chim cuốc.    

Người qua đường không biết, sẽ nghĩ rằng, cánh đồng này có rất nhiều chim cuốc, nhưng kỳ thực đó là tiếng chim cuốc được "công nghệ" hóa từ những tay thợ bẫy đang "dụ" đàn. Anh Thỏa cho biết, đây là tiếng cuốc khiêu khích để đánh nhau chứ không phải tiếng cuốc mất bạn tình. Vì vậy, chỉ cần nghe loáng thoáng có âm thanh "khiêu khích" là chúng lập tức lao thẳng vào nơi phát ra âm thanh để "đá" nhưng chưa kịp "đá" thì đã mắc lưới rồi. Anh kể, trước đây, chim cuốc nhiều nên cánh thợ săn quê anh hay bẫy đêm, lưới giăng cao khoảng 3-4m theo hướng đi của chim. Còn bây giờ, chim ít mà thợ bẫy lại nhiều. Những người bẫy cuốc như anh phải nghĩ ra cách khác, đánh bẫy thấp đỡ tốn công nhưng lại phải mất thời gian tìm hiểu xem những cánh đồng nào có cuốc nhiều... Hút tàn điếu thuốc, anh Thỏa bật dậy kiểm tra. Tay kéo sợi dây mắc vỏ lon, nhẹ nhàng lướt trên ngọn lúa từ cuối đám lên đầu đám ruộng để "lùa" chim cuốc về phía lưới giăng. Không con nào mắc bẫy. Anh tắt máy di chuyển sang đám ruộng kế bên. May mắn cho anh, lần này có một con dính bẫy...

Còn dọc cánh đồng Phú Hòa (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang), bất chấp cái nắng nóng gay gắt, anh Sự (trú H. Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn cần mẫn hành nghề. Cho con cuốc mới dính bẫy vào bao, anh mệt nhọc ngồi bệt dưới lùm cây bộc bạch, để hành nghề, dân bẫy cuốc phải đầu tư khoảng 1 triệu đồng mua "đồ nghề". "Trước đây, khi chưa có máy, bọn tui phải mất hàng tháng trời mới có thể học được cách giả tiếng chim cuốc nhưng khàn cả cuống họng, bây giờ có máy nên đỡ mệt hơn. Một ngày có thể bẫy từ 5-10 con", anh Sự kể.

    Những con chim cuốc này sẽ bán 40 ngàn đồng/con.

Đa số cuốc bẫy được đem về bán cho các quán nhậu, nhà hàng với giá 40 ngàn đồng/con. Ở vùng quê Quảng Nam và Đà Nẵng, rất nhiều người sống nhờ vào các loại cuốc. Chúng tôi nhẩm tính, mỗi mỗi tháng, mỗi người bắt cuốc 10 ngày, mỗi ngày trung bình 7 con, nhân lên cho hàng chục thợ săn trải rộng trên các cánh đồng thì số cuốc lẻ bạn mỗi ngày sẽ không đếm xuể.

Chứng kiến các thợ bẫy hành nghề, ông Bốn Nhượng (trú thôn Phú Hòa) cho biết, ở địa phương loài chim cuốc ngực trắng thường rục sâu xuống chân ruộng để tìm ăn các loài côn trùng. Người ta có thể bẫy cuốc quanh năm, mùa nào cũng được; song bẫy hiệu quả nhất vẫn là mùa hè, thời gian này là mùa sinh sản của cuốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tiếng cuốc cứ thưa dần, lượng chim giảm sút nghiêm trọng. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái. Mùa màng bị xâm hại, năng suất thấp do sâu bệnh hoành hành. Người nông dân buộc phải sử dụng hóa chất độc hại để diệt trừ sâu dẫn đến sự ô nhiễm nguồn nước và phải hứng chịu hậu quả do ô nhiễm môi trường... "Cuốc là loài chim không thuộc loài động vật quý hiếm nhưng do có nhiều người hành nghề săn bẫy nên số lượng chim cuốc cũng vì thế giảm dần. Bên cạnh đó, hiện nay chính quyền địa phương vẫn chưa có quy định nào cấm người dân săn bắt nên nguy cơ chim cuốc bị tận diệt là điều sẽ xảy ra" - lão nông Bốn Nhượng trăn trở.

An Dương