Tiếng dạ tiếng thương

Thứ tư, 07/09/2022 18:28
Tiếng Huế đều đều, nhỏ nhẹ bởi dòng sông Hương trong xanh, dùng dằng không chảy, người với người không cần kêu to, nói lớn như nơi dòng đục nước cuốn, nước dâng… Đó là những dòng văn nằm ở trang mở đầu cuốn sách Tiếng dạ tiếng thương (NXB Thanh niên) của tác giả Nguyên Du.

Nguyên Du sinh năm 1962 ở Phường Đúc, TP Huế, hiện đang công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên- Huế. Tôi biết anh từ lâu, hôm nay cầm trên tay Tiếng dạ tiếng thương lại càng yêu mến và trân trọng sự hiểu biết và tình yêu sâu nặng mà anh dành cho vùng đất núi Ngự sông Hương.

Tiếng dạ tiếng thương bao gồm 45 bài tạp văn được chia làm 4 phần: Tình Huế; Giọng Huế, Vị Huế; Chuyện Huế. Sinh ra và lớn lên nơi xứ Huế, chứng kiến bao thăng trầm thế sự, tắm và uống nước dòng Hương mỗi ngày…Nguyên Du đã âm thầm lặng lẽ, say mê góp nhặt, đắp bồi phù sa văn hóa quê hương, nâng niu trong từng trang viết để hạnh ngộ với bạn đọc gần xa, với những người yêu Huế.

Nếu như các bài tạp văn trong phần thứ nhất Tình Huế thể hiện cái tình yêu của anh dành cho cảnh, cho người, cho một nét dịu dàng mà diễm lệ của chiếc áo dài, của dáng hình nữ sinh Đồng Khánh… thì ở phần thứ hai Giọng Huế, anh lại lắng lòng vào tiếng dạ tiếng thương để mà yêu, mà nhớ. Ở phần ba, Vị Huế, Nguyên Du lại trở thành chuyên gia ẩm thực thứ thiệt khi liên tục thay đổi thực đơn cho giác quan bằng những món ăn rặt Huế. Rồi những bài viết trong phần thứ tư Chuyện Huế là những lời kể nhỏ nhẹ về ngọn gió, dòng sông, chuyện nơi bến Chung tình hay lời nguyền đôi lúa. Những câu chuyện thực, những giai thoại huyền hoặc đem đến cảm giác ấm áp, thân thương.

Tôi rất thích lối viết, chất văn của tác giả Nguyên Du. Lượng thông tin, vốn sống trong mỗi bài phong phú, sâu sắc nhưng lại được thể hiện bằng số câu từ ngắn gọn với giọng điệu đằm thắm, bản lĩnh. Đó là lối văn vừa thâm trầm lắng đọng, vừa chảy trôi, ý vị, bay bổng. Sức hấp dẫn của Tiếng dạ tiếng thương có lẽ nằm ở cái cách mà anh kiến giải, cảm nhận trên nhiều phương diện khác nhau làm nên tâm hồn Huế. Bằng tâm thức của một người nặng lòng với Huế, những góc nhìn của Nguyên Du trong trang văn của mình vừa dân dã, vừa bác học. Viết về vùng đất chốn kinh kì, Nguyên Du thể hiện một cái tôi lãng tử mà chân thành, đài các mà cũng rất dung dị...

Tôi rất ấn tượng về cách cảm, cách nghĩ của Nguyên Du trong bài Một miền gái đẹp: Nói những hướng dẫn viên “là người giữ bóng thời gian”, tuy từ ngữ hơi cũ một chút nhưng không sai. Và nói đó là một “miền gái đẹp” tuy không hoàn toàn nhưng không quá lắm! Anh có cái nhìn thấu suốt để tôn vinh những hướng dẫn viên xứ Huế. Tà áo dài tím thuở xưa hòa vào màu tím ngát mịn màng của hoàng hôn, sông nước, cây cỏ xứ Huế; màu của lăng tẩm đền đài…cứ thế đan cài, quyến rũ.

Đọc những trang văn đẹp như trang thơ vừa triết lý góc cạnh, vừa mềm mại, dịu ngọt của Nguyên Du làm sao mà không yêu Huế cho được. Những con dốc nghiêng, một quán nhỏ bên sông lặng lẽ nơi dòng Hương rẽ một lối hẹp về xuôi ôm lấy cồn Dã Viên có tên là Lối xưa; một chiếc xe phở dạo của o Bê ở bên cầu Lòn; những con đò lững lờ trên sông Huế…cứ “đi về” trong Tiếng dạ tiếng thương tạo nên cõi vọng âm trong cái tình chứa chan dành riêng cho Huế,

Đọc Tiếng dạ, tiếng thương và cả các tập sách khác của Nguyên Du, bạn đọc không khỏi xuýt xoa về cái “sự biết” của anh. Chuyện một cây cầu, cái bến sông, mệ bán hàng, bolero chợ Nọ… đều được anh kể, tả, bình luận, bày tỏ cảm nghỉ chi li, tường tận. Nguyên Du cứ thế thủng thẳng “mách” cho mọi người đầy đủ gốc tích, ngọn nguồn về những địa danh, địa điểm, những cảnh, những người của miền núi Ngự sông Hương. Với Tiếng dạ tiếng thương Nguyên Du thật sự làm cuộc lãng du để đưa du khách đến với tất cả nét đẹp dung dị đời thường, hay những trầm tích sâu lắng có tự ngàn xưa trên chốn kinh kì. Tôi thích cái cách anh chăm chút, cẩn trọng trong từng lời lí giải: tâm huyết, đầy trách nhiệm, ăm ắp tình yêu Huế!

Với Bolero chợ Nọ, Nguyên Du tạo nên sự rung cảm thích thú khi anh viết: Huế không chỉ khơi gợi lại bolero mà từ bao giờ còn có thành ngữ “Bolero chợ Nọ” nữa! Bolero thì biết rồi, chợ Nọ là chợ làng Dương Nỗ thì biết rồi nhưng răng lại có Bolero chợ Nọ? Có lẽ nhạc bolero hợp với quang cảnh và tình người làng quê như chợ Nọ chăng, hay chợ Nọ là nơi đóng quận lỵ Phú Vang trên đường xuống cảng Thuận An, nhiều lính đồn trú hay hát những bài hát bolero chiến trận, nhớ nhà, nhớ người yêu, tình đời cay đắng?. Về một cây cầu trên đất Huế, Nguyên Du cho người đọc nhiều điều bất ngờ, thú vị: Trên đường từ Huế về làng Chuồn nổi tiếng, do độc đạo nên ai cũng phải đi qua cầu Lu Bụ, có biển ghi tên cầu hẳn hoi! Những người lớn tuổi trong làng giải thích ngày trước có bà nấu rượu, làm bánh tét chiều mô cũng ra tắm trần ở cái hói đầu làng, bụ to dài như cái lu nên đặt tên là cầu Lu Bụ, còn bà tắm đó gọi là mụ bụ lu, đơn giản rứa thôi!! (Lời nói thân thương).

45 bài tạp văn trong Tiếng dạ tiếng thương là những cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm của một người trí thức – người con xứ Huế gắn bó nặng sâu với vùng đất mẹ. Tạp văn của Nguyên Du dễ đọc, ưa nghe vì nó không nặng nề, khô cứng mà chất trí tuệ pha màu sắc phóng túng, dí dỏm vừa cung cấp kiến thức cần thiết về đối tượng mà anh đang viết, vừa để giải trí sang trọng.

Theo từng trang sách nhỏ của Tiếng dạ tiếng thương để thong dong cùng với Nguyên Du về miền gái đẹp…

Trần Văn Toàn

Bìa tập sách Tiếng dạ tiếng thương.