“Tiếng mõ an ninh” vùng giáp ranh

Thứ bảy, 13/05/2017 09:45

(Cadn.com.vn) - Nửa đêm, thấy 2 đối tượng lạ mặt chạy xe quần đảo có biểu hiện khả nghi, các hộ dân thôn Tân Hạnh (xã Hòa Phước, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) chủ động gióng mõ tre báo động, đồng thời tri hô vây bắt, khiến các đối tượng hoảng sợ vứt lại bao tải đựng 2 con chó bị chích điện chết, rồi băng đồng bỏ trốn... Đó không phải là “kịch bản” diễn tập của mô hình tự quản ANTT “Tiếng mõ an ninh” của thôn mà là sự việc có thật xảy ra vào đêm 15-2. Chứng kiến vụ việc, bà Từ Thị Qua (trú thôn Hà Tây 1, xã Điện Hòa, TX Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết: “Những năm trước đây, trên địa bàn thường xảy ra các vụ trộm gà, chó, thanh niên tụ tập, gây rối hằng đêm, người dân địa phương rất bức xúc. Tuy nhiên, từ lúc thôn giáp ranh Tân Hạnh triển khai mô hình phòng chống tội phạm cơ sở, người dân rất yên tâm vì tên trộm nào xâm nhập, lưu thông qua đây phần lớn đều bị phát hiện, người dân đổ ra đường chặn kín các ngõ, sẵn sàng hỗ trợ vây bắt tội phạm”.

Được biết, tuy cách trung tâm xã không xa nhưng Tân Hạnh lại là thôn nằm ở địa bàn vùng sâu vùng xa, tình hình ANTT thường diễn biến phức tạp. Nhiều nhóm thanh niên từ địa phương khác chạy xe máy đến gây rối, gây sự xong nhanh chóng tẩu thoát. Lúc lực lượng làm nhiệm vụ cơ động đến hiện trường thì mọi việc đã rồi, điều đó khiến người dân bất an. Chính quyền địa phương càng băn khoăn, trăn trở. Muốn giải quyết nhanh các vụ việc như thế, chủ yếu phải dựa vào dân, lấy sức mạnh người dân để khống chế thì mới có hiệu quả... Ông Dương Ngọc Trực, Bí thư chi bộ thôn Tân Hạnh chia sẻ: “Từ thực tế địa bàn, trên cơ sở những đề xuất của nhân dân, năm 2016, CAX Hòa Phước phối hợp với các hội, đoàn thể trong thôn họp dân triển khai phát động mô hình “Tiếng mõ an ninh” nhằm huy động sức dân trong công tác phòng chống tội phạm. Do được tuyên truyền và nhận thức được lợi ích của mô hình nên người dân trong thôn, nhất là bà con ven các tuyến đường xung yếu đã nhiệt tình ủng hộ và tự nguyện tham gia đóng góp điện năng thắp sáng. Các gia đình thay nhau cắt cử trực gác luân phiên nhằm hỗ trợ ứng phó kịp thời với chính quyền địa phương khi có vụ việc xảy ra. Bên cạnh đó, lực lượng CAX còn tập trung tuyên truyền, trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Mục đích để người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, tự quản, tự phòng và cũng để tránh tình trạng người dân bức xúc có hành động quá khích khi bắt quả tang đối tượng vi phạm”.

Người dân thôn Tân Hạnh diễn tập mô hình “Tiếng mõ an ninh”.

Sau hơn 1 năm phát động, 165 hộ dân Tân Hạnh luôn hưởng ứng nhiệt tình, nhà nào cũng tự trang bị cho mình một chiếc mõ bằng tre khô. Lão nông Nguyễn Hiến phấn khởi xác nhận: “Tiếng mõ an ninh” đã góp phần làm cho tình hình ANTT tại thôn giảm rõ rệt, người dân yên tâm lao động sản xuất. Đặc biệt ở những vùng dân cư thưa thớt, tiếng mõ đã trấn áp nhiều nhóm thanh thiếu niên đến gây rối và làm không ít đối tượng chuyên đánh bả chó, trộm gia cầm phải “chùn chân”...

Theo Phó trưởng CAX Hòa Phước Nguyễn Đình Chiến, mô hình phòng chống tội phạm này là một hình thức tự quản về ANTT do nhân dân ở các khu dân cư đóng góp kinh phí hỗ trợ và hoạt động theo sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của lực lượng CAX. Mô hình được vận hành theo quy trình: Khi người dân phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật trong địa bàn sẽ gióng mõ báo động, các lực lượng nòng cốt theo phân công nhanh chóng có mặt tại các ngõ ra vào thôn kiểm tra, chốt chặn, phối hợp với CA kịp thời truy bắt, khống chế đối tượng. Mọi hoạt động của mô hình phải đảm bảo với các quy định của pháp luật.

Với những hiệu quả trong việc triển khai phát động, mô hình “Tiếng mõ an ninh” ở xã Hòa Phước đã và đang từng bước giúp nhân dân các thôn trên địa bàn nâng cao nhận thức, góp sức cùng chính quyền và ngành chức năng ở địa phương thực hiện tốt việc đảm bảo ANCT, TTATXH, phát triển KT-XH, tiếp tục nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, lập thành tích trong phong trào thi đua “Toàn dân bảo vệ ANTQ” trên địa bàn hiện nay và càng được củng cố vững chắc, nhân rộng trong thời gian đến.

Vy Hậu