Tiếng trống Đọi Tam âm vang Đà Nẵng

Thứ tư, 05/08/2015 09:37

(Cadn.com.vn) - Nhắc đến nghề làm trống, có lẽ ít trống nào "nức tiếng" bằng trống Đọi Tam (Hà Nam), với bề dày truyền thống. Hiểu được giá trị trống Đọi Tam của mình, vài chục năm trở lại đây những người con làng Đọi Tam đã đưa tiếng trống đi khắp các vùng miền Tổ quốc. Riêng ở Đà Nẵng, theo tìm hiểu của chúng tôi có hai hiệu trống có gốc rễ "Đọi Tam nức tiếng" là hiệu trống Trường Sơn (158-Trường Chinh, Đà Nẵng) và trống Nam Hà (206-Trường Chinh, Đà Nẵng). Anh Phạm Chí Thủy, chủ hiệu trống Trường Sơn cho hay, gia đình anh quê gốc ở làng Đọi Tam, nhiều đời làm trống. "Mấy chục năm trước bố tôi vào Đà Nẵng lập nghiệp, mang theo nghề gia truyền làm trống của mình. Bây giờ đến lượt tôi nối nghiệp ông vừa để kiếm sống, vừa để giữ lấy nghề truyền thống". Theo anh Thủy, mỗi tháng cơ sở trống của anh làm được vài ba chục cái trống đủ các loại, còn việc bán trống thì chủ yếu "theo mùa". Trống bán chạy là thời gian vào năm học mới, trung thu,... Hiện hiệu trống của anh Thủy có 5 người thợ làm.

Anh Độ đang giới thiệu các công đoạn làm trống Đọi Tam.

Trong khi đó, hiệu trống Nam Hà của anh Nguyễn Văn Hiểu cũng đã có gần 20 năm "vang tiếng" trên đất Đà Nẵng. Hiệu trống chỉ có hai vợ chồng anh và người con trai làm, không thuê thêm thợ. Hai hiệu trống hiện có thể làm được hết tất cả các loại trống như trống chùa, trống trường, trống đội, trống trung thu, trống cơm, trống đựng rượu, trống lân... Tùy từng loại trống mà có hình dáng, kích thước, các phần phụ trợ khác nhau. Theo anh Nguyễn Văn Độ (con trai anh Hiểu), hầu hết các loại trống đều được làm từ gỗ mít, một loại gỗ có tính chất ổn định, hầu như không cong vênh, không co giãn khi khô; ngoài ra gỗ mít khá dẻo, bền với thời gian, ít chịu tác động của nước. Việc làm trống có khá nhiều công đoạn, nhưng tóm lại có thể liệt kê ra đây các công đoạn chính là: làm gỗ, ghép thân trống, căng da trâu, mài thân trống, sơn màu,...

Chị Trần Thúy Liễu thực hiện công đoạn căng da trâu cho trống.

"Để có một chiếc trống chất lượng, bền thì phải chọn được loại gỗ mít tốt, da trâu già, sẽ dày hơn, dai hơn", chị Trần Thúy Liễu, cơ sở trống Nam Hà phân tích. Công đoạn xẻ gỗ làm thân trống và ghép trống là hai công đoạn khó nhất. Phải xẻ gỗ làm sao để đến khi ghép các thanh gỗ vừa khít nhau, có như vậy khi đánh trống phát ra âm thanh vang hơn, "ấm" hơn. Nếu ghép hở trống sẽ phát ra tiếng nhỏ, chất lượng kém.

Mỗi cơ sở sản xuất đều dần dần tạo dựng tiếng tăm, thương hiệu cho riêng mình, nhưng họ vẫn tự hào nhất, tự tin nhất khi giới thiệu về gốc rễ "Đọi Tam" nức tiếng của quê hương mình.

Cao Nguyên