Tiếp cận rốn lũ Hương Khê: Nước mắt hòa trong nước lũ

Thứ tư, 19/10/2016 07:20

(Cadn.com.vn) - Ngày 18- 10, sau 4 ngày “ngồi chạn”, người dân Phương Mỹ, H.Hương Khê (Hà Tĩnh) đã được bước xuống nền đất. Nước đã rút khỏi nhà, song nơi đây vẫn bị bao vây tứ phía, trở thành một ốc đảo giữa mênh mông biển nước. Để vào được Phương Mỹ, cách duy nhất là đi bằng thuyền và men theo dòng sông Ngàn Sâu đục ngầu hung dữ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh quyên góp ủng hộ đồng bào
các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt.

Chiếc thuyền máy được UBND xã Phương Mỹ bố trí đón đoàn được chất đầy nhu yếu phẩm của 4 đơn vị từ thiện chòng chành xuất bến từ xã Hà Linh. Sau hơn một giờ đồng hồ men theo sông, chiếc thuyền đã cập bến... UBND xã Phương Mỹ. Nói là cập bến, nhưng tuyệt nhiên không có bờ. Trên tuyến đường liên xã, hàng trăm người dân được báo trước đứng đón đoàn cứu trợ vỗ tay đón chào. Để được nhận các phần quà bao gồm tiền, mỳ tôm, mỳ chính, nước mắm... nhà nhà đều phải chèo thuyền đến. Nhận túi quà từ đơn vị Viettel Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Mai (65 tuổi, trú thôn Ấp Tiến) rưng rưng: “người dân chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn”. Chồng bà Mai, ông Nguyễn Thành Thực (70 tuổi) nhanh chóng lách thuyền sang một bên để các thuyền khác vào nhận hàng cứu trợ. Theo bà Mai, tối 14- 10, lũ bắt đầu ngấp nghé ngoài vườn. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau thì dâng lên và vào nhà khiến ông bà không kịp trở tay. Nhà chỉ có 2 ông bà già, có 3 đứa con thì đều đi làm ăn xa cả. Lúc này, ông bà chỉ kịp đưa ít gạo và cái bếp ga mini lên chạn, còn lại mọi vật dụng đều lềnh bềnh trong nước và trôi hết. Đàn gà ngoài hiên hơn hai chục con cũng đi theo lũ. 6 tạ lúa trong sập cũng được ngâm nước đến sình. Ôm gói quà vào lòng và nở nụ cười trẻ thơ, em Đào Văn An, học sinh lớp 3 chỉ biết cất lời: “cảm ơn chú”, dù chẳng biết đó là món quà ai trao.

Chủ động ứng phó với bão số 7

Trước diễn biến của cơn bão số 7 có hướng di chuyển và ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, chiều 18-10, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu cùng lãnh đạo các bộ, ngành, UBND thành phố Hải Phòng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơn bão di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp nên các địa phương ven biển không thể chủ quan trước tình hình mưa bão. Chính quyền các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đê, hồ đập; tăng cường tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ đê theo quy định, chủ động việc tiêu thoát nước đệm đảm bảo an toàn cho diện tích lúa và hoa màu mới gieo trồng; triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị để chủ động ứng phó với tình trạng ngập lụt có thể xảy ra.

B.T

Để tận mắt chứng kiến nỗi khổ cực của người dân vùng lũ, ông Ngô Xuân Tự, xóm trưởng xóm Trung Thượng dẫn chúng tôi đi bằng con thuyền bé xíu. Gặp lúc gió lớn, chiếc thuyền chòng chành như chiếc bát nhỏ giữa ao lớn. Đánh vật với sóng và gió, chúng tôi cũng về được tới gia đình ông Trần Hữu Bình (52 tuổi). Gia đình ông Bình thuộc diện khó khăn tại thôn Trung Thượng. Là trụ cột trong gia đình có 6 người con, cách đây không lâu ông bị tai nạn, mù 2 con mắt và mất đi cánh tay trái. Giờ đây mọi việc lớn nhỏ đều do đôi tay yếu đuối của bà vợ quán xuyến. Nhận món quà 500 ngàn đồng từ tay các nhà báo, ông Bình xúc động: “cảm ơn các chú đã về tận nhà để trao quà cho tui. Do sức khỏe, bệnh tật tui không thể ra khỏi nhà khi bên ngoài là mênh mông nước lũ như thế. Nhờ các chú đăng lên báo, người dân chúng tôi vô cùng cảm ơn các cấp, chính quyền đã dành sự quan tâm, chăm lo cho những người dân vùng lũ”.

Theo trưởng thôn Tứ, Trung Thượng có 93 hộ với 445 khẩu, sống chủ yếu bằng nghề nông ven sông Ngàn Sâu. Đợt lụt này cả thôn ngập hết, ngập từ 2 đến 3m. Do lũ lên nhanh nên gia súc gia cầm bị trôi khá nhiều. Có gia đình trôi nguyên cả chuồng gà, thiệt hại là vô cùng lớn.

Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ - ông Hoàng Xuân Tần, cho biết, Phương Mỹ là một trong những địa phương bị ngập nặng nhất, lâu nhất H. Hương Khê. Cuộc sống của bà con nơi đây vốn dĩ đã khó khăn nay càng khổ cực hơn. Hai hôm nay, các cấp bộ, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị đã tìm về để làm từ thiện. Theo đó, xã cũng đã phân bổ và gọi dân lên nhận quà ngay bên ngoài trụ sở, đảm bảo công bằng, minh bạch. “Người dân Phương Mỹ vui lắm, mừng lắm, mừng vì nhận được sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước cũng như chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ quốc. Thay mặt người dân, tôi xin chân thành cảm ơn!”- Chủ tịch xã Tần nói.

Ông Nguyễn Hữu Bình, trú xã Gia Phố đơn thân chống chọi với lũ.

Người dân Phương Mỹ được nhà báo trao quà.

Chia tay Phương Mỹ, chúng tôi tìm về xã Gia Phố- một trong những địa phương bị ngập lụt khá nặng. Căn nhà bà Võ Thị Khang (1960) không một tấm ván, “bức tường” là tấm bạt rách nát được kéo lên che tạm khỏi mưa tạt vào. “Gia đình khó khăn nên con đi làm ăn xa, lũ đến bất ngờ trôi hết đồ đạc rồi. Thân già yếu đuối, giữ được cái mạng sống là quý lắm. Nhà có ván gỗ bao bọc nhưng đã bị nước cuốn. Lũ đến tôi luống cuống, rã rời vì sợ. Mấy ngày nay không có nước, không có gì để ăn. Hôm trước chủ tịch xã bơi xuồng sang cứu hộ gói mì tôm, tôi dành ăn tới giờ”. Nói đoạn bà Khang quệt nước mắt. Được biết, chồng bà Khang đã mất hơn 15 năm nay, con đi xa, bà lủi thủi đơn thân trong căn nhà tạm. Được chính quyền quan tâm, bà hưởng hộ nghèo nhưng giờ bà còn không có gì để ăn uống. Hàng xóm đến khiêng giúp cái thùng đựng lúa, ván bung ra, những hạt lúa ướt ẩm cũng trào ra theo.

Cách người góa phụ Khang không xa là nhà của một ông lão đơn thân khác. Ông Nguyễn Hữu Bình (1954) đang cặm cụi đóng đinh sửa lại tấm ran giường. Thấy chúng tôi vào, ông dừng tay rót nước. “Cả cuộc đời, tôi gắn liền với mảnh đất này, chịu bao khổ cực, chưa một lần sợ hãi mưa bão lụt nhưng lần này tôi sợ thật rồi. Nước cuốn ầm ầm, tôi leo lên mái nhà kêu trời”.

Cháu Đào Văn An vui khi nhận được 2 phần quà.

Chợ Sơn, xã Phương Mỹ, H. Hương Khê đang ngập trong nước.

Cùng ngày, công tác cứu trợ, giúp đỡ khắc phục hậu quả sau lũ và sẻ chia với bà con Quảng Bình tiếp tục diễn ra trong sự khẩn trương và chan chứa nghĩa tình. Ghi nhận tại H.Quảng Ninh, do mực nước sông Kiến Giang xuống chậm nên nhiều nơi vẫn bị ngập cục bộ, thời gian ngập lụt kéo dài nhiều ngày khiến sinh hoạt đời sống của bà con càng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, các đoàn cứu trợ của cấp, ngành đã kịp thời đến với bà con. “Tỉnh đoàn Quảng Bình cũng vừa hỗ trợ kịp thời hàng trăm suất quà cho bà con ở đây, gồm mì tôm, sữa, nước uống... Bà con vô cùng xúc động”, chị Nguyễn Hương thuộc thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, H. Quảng Ninh chia sẻ. Tại H.Minh Hóa, địa bàn có hơn 1 ngàn ngôi nhà chìm trong lũ, thiệt hại nặng nề, BĐBP Quảng Bình đã huy động lực lượng đến từng gia đình giúp sửa chữa lại nhà cửa, dọn vệ sinh thôn xóm, vận chuyển mì tôm, lương khô, nước uống và các vật dụng thiết yếu giúp nhân dân vượt qua khó khăn trước mắt. Công tác cứu trợ cũng đặc biệt hướng đến với bản xa, bị nước cô lập như tại bản Ón, xã Thượng Hóa nơi có đồng bào Rục sinh sống. “Tình hình ngập nước như ri thì nhiều ngày nữa mới rút hết, bà con không thể lên rẫy, lên nương chi được hết, lo lắm. Rất may là chính quyền xã đã kịp thời cứu trợ khẩn cấp gạo, mì tôm cho bà con”, anh Xuân cho biết.

Lũ qua để lại thiệt hại nặng nề khiến người dân lâm vào cảnh khốn đốn. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Ngư Hóa, H.Tuyên Hóa khóc khô nước mắt khi ngôi nhà chỉ còn trơ lại nền bùn đất. Ngôi nhà gỗ của vợ chồng cùng nhiều tài sản, vật dụng đã bị cuốn phăng. Trở xuống vùng đồi xã Thuận Đức, TP  Đồng Hới, nhiều chủ trang trại chăn nuôi ở đây vẫn chưa vượt qua được nỗi ám ảnh. Chị Đặng Thị Ánh nghẹn ngào khi nói về tình cảnh trang trại của gia đình thuộc hàng lớn nhất nhì tại đây. Dù gia đình và nhân công nỗ lực di chuyển gia súc, gia cầm nhưng lũ về quá nhanh và quá lớn khiến hơn 1 ngàn con lợn đã bị nước cuốn và nhấn chìm. Gia cầm cũng không thoát. Thiệt hại ước tính 8 tỷ đồng. Chính quyền đã đến thăm, động viên và chia sẻ tổn thất đối với trang trại chị Ánh cũng như nhiều trang trại lân cận đã bị chịu thiệt hại nặng nề.

Chung sức khắc phục cho nhân dân vùng lũ Quảng Bình, BCHQS tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường thêm 200 CBCS đến giúp đỡ nhân dân địa bàn 2 huyện Minh Hóa và Bố Trạch. Bên cạnh đó, Sư đoàn 968 (QK4) cũng điều động hơn 500 CBCS về với vùng rốn lũ Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Ba Đồn giúp dân sớm ổn định lại cuộc sống.              

NHÓM P.V THỜI SỰ

Nước sông Lam dâng cao, 11.000 người dân bị cô lập

Từ chiều 16-10 đến sáng 18-10, mực nước sông Lam trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục dâng cao đã khiến hơn 11.000 người dân ngoài đê của 10 xã thuộc H. Hưng Nguyên bị cô lập. Hiện nay,việc lưu thông của nhân dân vẫn được yêu cầu dừng lại, địa phương lập các chốt kiểm tra trực 24/24 giờ, không cho người dân qua lại. Toàn bộ học sinh phía ngoài đê cũng đều được cho nghỉ học. UBND H. Hưng Nguyên đề nghị các xã theo dõi mực nước sông Lam, nếu tiếp tục lên trên báo động 2 sẽ tiến hành ngay việc di dời toàn bộ dân và tài sản, trâu bò lên đê. Một số hộ dân cũng đã chủ động di chuyển vào trong đê để đảm bảo an toàn tính mạng. Các phương án di dân cũng đã được đưa ra. Hiện tại, mặc dù ở Nghệ An không còn mưa, nhưng nước từ thượng nguồn lại đang đổ về rất nhanh. Đặc biệt, nước lũ đã tràn qua các đê nội đồng, làm toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản và cây vụ đông ngập và có thể tràn vào một số hộ dân bên trong đê.

Bích Huệ