Tiếp sức doanh nghiệp để khơi thông nguồn lực phát triển
* Bài 1: Doanh nghiệp đang "gồng mình" vượt khó
Khó khăn bủa vây
Đà Nẵng hiện có 40.223 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 255 ngàn tỷ đồng, đóng góp vào nguồn thu ngân sách nội địa của thành phố năm 2023 hơn 13,8 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 76%. Tuy nhiên, hoạt động của DN hiện rất khó khăn, khả năng phục hồi chậm dẫn tới nhịp độ tăng trưởng kinh tế thành phố cũng chậm lại. Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Miền Trung-Tây Nguyên cho biết, khả năng phục hồi kinh tế khu vực miền Trung khá chậm, như Quảng Nam, Đà Nẵng trong quý I vừa qua còn tăng trưởng âm. Hoạt động kinh doanh của DN càng khó khăn hơn khi có khoảng 2.700 DN ngừng hoạt động, chỉ có khoảng 800 DN thành lập mới.
Bà Phan Như Yến, Giám đốc siêu thị Danavi mart Đà Nẵng cho biết, khó khăn về kinh tế khiến sức mua thị trường giảm rõ rệt. Tại hệ thống siêu thị Danavi mart tổng giá trị trên mỗi đơn hàng sụt giảm rất lớn, người tiêu dùng gần như chỉ mua hàng hóa thiết yếu, còn các mặt hàng gia dụng chi tiêu rất tiết kiệm. Sức mua thị trường giảm kéo theo sản xuất công nghiệp cũng sụt giảm, nhiều DN thiếu đơn hàng xuất khẩu trong khi chi phí đầu vào như nhân công, logistics, lãi suất, nguyên vật liệu…đều tăng cao.
Các DN trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng trong tình trạng tương tự. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, đại dịch đã qua 3 năm nhưng hiện nhiều DN du lịch vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Trước đại dịch mỗi ngày có 20 chuyến bay trực tiếp đưa khách từ Trung Quốc tới Đà Nẵng (mỗi năm đón 1 triệu lượt khách Trung Quốc) thì từ sau dịch chưa có một chuyến bay nào. Nguồn khách Hàn Quốc đang từ 1,8 triệu lượt khách/năm nay giảm xuống còn 50%. Khách Hàn Quốc từng tới Đà Nẵng nay sẽ chuyển tới một số điểm mới, cạnh tranh hơn như Nha Trang, Phú Quốc. Nhưng lo lắng hơn là nguồn khách nội địa khi tình trạng khan hiếm khiến vé máy bay giá cao.
Không chỉ khó khăn về thị trường, sức tiêu dùng sụt giảm, cộng đồng DN vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn về nguồn vốn sản xuất kinh doanh, đặc biệt việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Nguồn vốn là mạch máu để duy trì hoạt động của DN. Ông Phạm Bắc Bình-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho biết, hiện nay Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, ngân hàng chính sách đưa ra rất nhiều gói vay hỗ trợ DN, nhưng bên trên đưa ra thì bên dưới là hàng rào tiêu chí, hầu như DN rất khó tiếp cận. Ông Bình nói: Các quỹ đầu tư, ngân hàng gọi điện cho tôi, nói có gói hỗ trợ này, nguồn vốn này, lãi suất thế này anh cố gắng kiếm DN nào trong hiệp hội của mình vay để giải ngân, nhưng kỳ thực ra các điều kiện, tiêu chí để xét duyệt cho vay thì vô cùng khó khăn. Nói thiệt các hiệp hội khi giới thiệu cho DN gói vay hỗ trợ này, kia giờ họ không muốn nghe nữa, vì nghe cuối cùng không tiếp cận được. Ông Bình mong muốn Quỹ Đầu tư phát triển thành phố nới lỏng điều kiện để DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận được, tạo niềm tin, động lực, chứ cứ lo bảo toàn vốn sẽ rất khó. Đặc thù của Đà Nẵng 98% là DN nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy cần có chính sách vốn vay hỗ trợ riêng, chứ không thể áp vào khung chung như các DN lớn, cũng đòi hỏi điều kiện doanh thu, rồi báo cáo kiểm toán, kết quả kinh doanh, tài sản bảo lãnh…Cứ như vậy sẽ không giải ngân được.
Thiếu mặt bằng, giá thuê đất cao
Ông Cao Trí Dũng cho biết, hiện nay các DN du lịch ven biển gần như không kinh doanh được vì giá thuê đất quá cao. Thời gian qua mặc dù thành phố rất quyết tâm tháo gỡ, nhưng vì khung giá đất cứng đã ban hành quá cao. Việc giá thuê đất quá cao so với các địa phương khác (cao hơn nhiều so với Nha Trang, cao tương đối so với Phú Quốc) khiến nhà đầu tư chịu không nổi, nhưng nguy hiểm hơn là mất đi sức cạnh tranh thu hút đầu tư của Đà Nẵng so với các địa phương khác. Cạnh tranh du lịch của Đà Nẵng bắt đầu thua Nha Trang, Phú Quốc vì khung giá đất cao dẫn đến tiền thuê đất đưa vào làm gia tăng giá thành dịch vụ. Ông Dũng nói: Sức cạnh tranh chúng ta đang rất yếu. Bây giờ nhà đầu tư buộc phải kinh doanh vì đống tài sản người ta lớn như thế, dù lỗ hụt trực tiếp vẫn phải kinh doanh. DN du lịch hiện nay khó nhất cái này, kêu cứu liên tục.
Ông Phạm Bắc Bình kể, DN của mình thuê đất hạ tầng công nghiệp do thành phố đầu tư tại KCN Hòa Khánh để sản xuất chỉ có giá 9,5 ngàn đồng/m2, nhưng thuê đất hạ tầng công nghiệp do xã hội hóa tại KCN Hòa Cầm tới 19 ngàn đồng/m2. Cùng trong một thành phố, khoảng cách không quá xa, nhưng phí hạ tầng lại chênh gấp đôi. Ông Bình nói, DN nhỏ đang rất khó, rất cần mặt bằng sản xuất, thành phố đã đầu tư CCN Cẩm Lệ từ ngân sách vì vậy khẩn trương đưa vào khai thác, tạo điều kiện mặt bằng giá thuê phù hợp hỗ trợ DN sản xuất.
Ông Nguyễn Tiến Quang cũng chia sẻ, Đà nẵng khó hơn các địa phương khác về tiếp cận đất đai. Một số DN muốn mở rộng sản xuất, vốn thì có thể đi vay mượn, nhưng không có mặt bằng cũng đành chịu. Mà khi không tiếp cận được đất đai thì buộc phải đi địa phương khác đầu tư, sản xuất. Vì thế, ông Quang cho rằng phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong đó, với đặc thù Đà Nẵng đại đa số DN nhỏ và siêu nhỏ, vì thế cần có chính sách khuyến khích DN lớn đầu tư nhà xưởng sản xuất trong các KCN để cho DN nhỏ thuê lại. Bởi lẽ DN nhỏ nhu cầu mặt bằng không lớn, không thể thuê những lô đất hạ tầng đủ chuẩn trong KCN.
(còn nữa)
HẢI QUỲNH