Tiếp thị - một góc nhìn

Thứ bảy, 07/06/2014 09:30

(Cadn.com.vn) - Là nghề "non trẻ" ở Việt Nam, song tiếp thị, quảng cáo bán hàng (sales) thu hút khá đông giới trẻ, nhất là nữ, tham gia. Không đòi hỏi khắt khe về trình độ, bằng cấp, song nghề này lại chú trọng đến ngoại hình dễ nhìn, khả năng giao tiếp tốt…  Công bằng mà nói, tiếp thị là một nghề bình thường như bao nghề khác, song từ thực tiễn hoạt động khá nhạy cảm của nó và trí "tưởng tượng" của con người, cái nhìn của xã hội đối với những người làm tiếp thị ở một số lĩnh vực thiên về hướng tiêu cực.

Bán "mặt"… mưu sinh

Len lỏi giữa đám người ồn ào tại các quán nhậu trên đường Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng), là những cô gái xinh xắn khoác trên mình bộ đồng phục mang màu sắc và nhãn hiệu riêng của các công ty bán hàng bia, rượu, thuốc lá... Nét chung dễ nhận biết ở họ là trang phục nổi bật, gợi cảm kèm nụ cười , thái độ ân cần thường trực. Dân nhậu thường hay gọi những cô gái này làm nghề "bán mặt để kiếm tiền".

Lê, nữ nhân viên tiếp thị bia tại một quán nhậu tâm sự: "Nghề tiếp thị trông vậy chứ khó khăn lắm, phải biết cách chiều lòng khách hàng. Nhưng bù lại mình có thể chủ động thời gian để làm việc, vì ăn lương theo sản phẩm nên muốn có thu nhập cao thì cố gắng bán được nhiều sản phẩm đạt hay vượt chỉ tiêu".  Theo Lê, nghề tiếp thị bia tuy vất vả nhưng lại có được thu nhập ổn định. Nếu đi làm đúng giờ và đầy đủ thì mỗi tháng có thể kiếm được vài triệu đồng trong khi chỉ làm vào buổi tối, lại làm theo ca.

Cũng như Lê, nữ sinh tên Ngân có khuôn mặt dễ nhìn và dáng người cao ráo, tranh thủ buổi tối chọn việc tiếp thị rượu để trang trải đèn sách, thuê trọ. "Trước đây em làm gia sư, thế nhưng thu nhập ít quá, lại hay đi về khuya nên em sợ. Được bạn giới thiệu nên em vô đây làm. Lần đầu mặc váy ngắn, em hơi ngại nhưng làm lâu rồi cũng quen", Ngân trải lòng.

Để trở thành một nhân viên tiếp thị bia, rượu, thuốc lá phải hội tụ các tiêu chuẩn: nữ, cao từ 1,6m trở lên, gương mặt dễ nhìn và đặc biệt phải có "duyên" ăn nói. Ngoài các dịch vụ phân phối hàng hóa di động như bán hàng khuyến mãi, phân phát hàng hóa miễn phí, hàng dùng thử... tuyển dụng nhân viên nam, hầu hết các ngành hàng có chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá hầu như chỉ chọn tiếp thị nữ. "Các em ăn nói nhỏ nhẹ, dễ nhìn, lại có tố chất... kích thích nữa nên mới mời được khách hàng nam sử dụng sản phẩm. Mà khách hàng của bia, rượu, thuốc lá đa số là mày râu thì tiếp thị nam như chúng tôi không có cửa. Vậy nên tôi và đồng nghiệp nam phải chọn ngành hàng khác", Quân-một nhân viên tiếp thị nhãn hàng C2 hóm hỉnh.

Một nhân viên tiếp thị thuốc lá  (áo trắng) được nhiều dân nhậu ưa chuộng
tại đường Ngô Văn Sở, Liên Chiểu.

Tiếp thị… bị kỳ thị

Cũng chính những bộ trang phục gợi cảm và cách ăn nói lả lơi với khách, tiếp thị nữ tạo nên những ý nghĩ rất khác về nghề tiếp thị. "Chỉ những người trong nghề mới hiểu được những việc mà họ đang làm. Em làm nghề được gần một năm rồi. Nhiều lúc làm mà gặp bạn bè cũng ngại. Ai cũng nói mình làm cái nghề đó thiên hạ chê cười. Rồi những lúc về khuya thì cả dãy trọ xì xào, bàn tán khó chịu lắm nhưng đành phải cam chịu thôi", Trang (20 tuổi) nhân viên tiếp thị thuốc lá của một nhãn hiệu lớn chia sẻ.  

Công việc tiếp thị bắt buộc người trong nghề phải gặp đủ dạng người và lứa tuổi khác nhau. Người lao động có, buôn bán có, trí thức có, dân đại gia cũng có. Mỗi tầng lớp sẽ có một văn hóa ứng xử khác nhau. Vậy nên tiếp thị thế nào để phù hợp với khách hàng là một bài toán khó dành cho người trong nghề. Nhân, tiếp thị bia, kể: "Có rất nhiều nữ tiếp thị bia như em phải nghỉ việc vì áp lực của công việc. Phải bán đủ số lượng được giao mới có lương, khách hàng thì đủ loại người, có người đùa giỡn mình biết nhưng đành phải cam chịu vì họ là thượng đế. Đôi khi họ mời một ly bia, dù không biết uống nhưng phải cố gắng mà cạn ly, về đến nhà là lâng lâng cái đầu liền.  Nhiều lúc khách uống say có hành động khoác vai, ôm ấp mình giữa chỗ đông người nhưng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" rồi tìm cách thoát thân", Nhân ứa nước mắt khi kể về nghề.

Cái khó nhất của nghề tiếp thị là khâu tiếp cận đối tượng, thuyết phục thế nào để họ quan tâm đến sản phẩm. Mua hay không còn phụ thuộc yếu tố nhu cầu và giá cả đã hợp túi tiền hay chưa. Tuy nhiên, cũng có nhiều người không chịu được áp lực của công việc nên phải từ bỏ giữa chừng. Người không trụ được hoặc mới vào nghề tiếp thị được vài hôm đã "chạy mất dép" vẫn chiếm số đông, bởi những cơ cực và nhiều tai tiếng mà những người làm nghề phải gánh chịu.

Chính vì tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau, nên cám dỗ luôn rình rập những người trong nghề, đặc biệt là các tiếp thị nữ. Thị Hòa (22 tuổi) kể về T., một người bạn tiếp thị của mình đầy tiếc nuối: "T. là một sinh viên tỉnh lẻ, có khuôn mặt khả ái nên được rất nhiều khách hàng ưa thích, có một đại gia bo cho T. rất nhiều tiền. Rồi T. không làm tiếp thị nữa, nghỉ học để về sống chung với ông ta, hứa hẹn sẽ tổ chức đám cưới linh đình, thế nhưng sau 3 tháng ăn ở, T. bị ông ta "đá" không một lý do. Thế là bao nhiêu năm đèn sách, T. đã bỏ lỡ".

Vì lợi nhuận cá nhân, nên nhiều người đã bày bán hàng hóa giả, nhái và kém chất lượng đến người tiêu dùng. Đánh vào tâm lý và túi tiền của người dân, bằng các chiêu lừa khuyến mãi, tặng quà nên nhiều tiếp thị "dỏm" tha hồ tung chiêu trò để lừa khách. "Nhiều khách hàng bị lừa nên mình đến nhà tiếp thị hàng hóa, họ không mua mà còn xua đuổi nữa. Mặc dù hàng của mình đúng chất lượng và có giấy tờ xuất xứ hợp lệ. Mỗi lúc gặp chuyện như thế mình chỉ biết cười cho qua chuyện, vì cái nghề nào cũng có nỗi khổ riêng",  Trung, nhân viên tiếp thị xoong, nồi giãi bày.

"Công bằng mà nói, xã hội cũng có lý do để nhìn khác về nghề tiếp thị, cũng bởi một số chị em không cưỡng lại sự cám dỗ, cạm bẫy bị sa ngã. Chính vì thế, hơn ai hết, những người hành nghề tiếp thị phải ứng xử sao cho xã hội chấp nhận, thay đổi cái nhìn tiêu cực về tiếp thị. Bên cạnh đó, xã hội cũng cần công bằng trong đánh giá, nhận xét,  bởi không phải ai làm nghề tiếp thị cũng dễ dàng sa ngã", Nhân như nói thay cho bày tỏ.

Vũ Tuấn