Vụ “đại gia nước mắm” xứ Quảng bất ngờ lâm nợ:

Tiếp tục cưỡng chế tài sản doanh nghiệp

Thứ tư, 04/02/2015 10:38

(Cadn.com.vn) - Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin về việc Doanh nghiệp tư nhân Việt Tiến (DNTN Việt Tiến, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bất ngờ bị kiện ra tòa và lâm nợ 13 tỷ đồng, song đại diện DNTN Việt Tiến là ông Huỳnh Tây cho rằng các giấy tờ cũng như thủ tục vay vốn còn nhiều điều khuất tất chưa được làm rõ. Sự việc dùng dằng từ năm 2009 cho đến ngày 15-1-2015, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam đã tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với bà Thái Thị Hương, chủ DNTN Việt Tiến, để thi hành Quyết định 58/2009/QĐST-KDTM ngày 26-8-2009 của TAND tỉnh Quảng Nam. Hiện, nhà xưởng của DNTN Việt Tiến tại Cụm CN Trường Xuân (TP Tam Kỳ) đã bị kê biên, xử lý tài sản thế chấp; sắp tới, một tài sản thế chấp khác là ngôi nhà số 49- Phan Châu Trinh (TP Tam Kỳ) cũng sẽ bị cưỡng chế.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam tổ chức cưỡng chế thi hành án nhà xưởng của DNTN Việt Tiến tại Cụm CN Trường Xuân.

Nghi ngờ các giấy tờ cũng như thủ tục vay vốn giữa mẹ ông là bà Thái Thị Hương với Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Tam Kỳ có nhiều điều khuất tất, ông Huỳnh Tây cho rằng: “Chúng tôi nghi ngờ những giấy tờ vay này không hợp lệ. Bởi, trong Biên bản xác định giá trị tài sản đảm bảo vào ngày 31-3-2004 có ghi cụ thể đại diện ngân hàng là ông Nguyễn Quang Việt chức vụ Phó giám đốc nhưng trong phần chữ ký lại đề chức vụ giám đốc. Tương tự, trong Biên bản định giá tài sản số 002 ngày 24-1-2003, người đại diện là ông Việt với chức danh phó giám đốc nhưng ký tên và đóng dấu lại là giám đốc Nguyễn Quang Việt? Ngoài ra, ông Tây còn đặt nghi vấn tại sao hợp đồng vay giữa mẹ ông với Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Tam Kỳ vào ngày 23-2-2004 (trong đó có thế chấp Quyền sử dụng đất lô A4/2 tại Cụm CN Trường Xuân) nhưng đến ngày 27-2-2004, Sở TN&MT Quảng Nam mới chính thức lập hợp đồng cho DNTN Việt Tiến thuê lô đất này?

Về vấn đề trên, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Việt (hiện là Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Tam Kỳ) và ông cho rằng, đã có sự ủy nhiệm của giám đốc lúc bấy giờ, quan trọng là nội dung giấy tờ không sai. Ông Việt còn cho biết thêm, phía ngân hàng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội trả nợ nhưng vẫn không đi đến kết quả. Trước đây, doanh nghiệp của bà Hương làm ăn rất hiệu quả nhưng kể từ khi chuyển vào KCN Trường Xuân thì bắt đầu xuống dốc dẫn đến nợ nần. Còn khiếu nại của ông Huỳnh Tây liên quan đến việc hợp đồng vay có trước 4 ngày so với hợp đồng cho thuê đất của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, ông Việt cho biết điều này là bình thường bởi doanh nghiệp hoàn toàn có thể thế chấp tài sản hình thành trong tương lai (?).

Thông báo cưỡng chế thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam đối với DNTN Việt Tiến.

Cũng theo đơn khiếu nại của ông Huỳnh Tây, năm 2009, Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Tam Kỳ khởi kiện buộc mẹ ông trả nợ vay và được TAND tỉnh Quảng Nam giải quyết tại Quyết định 58/2009/QĐST-KDTM công nhận sự thỏa thuận của các bên, trong đó có ghi rõ số của 16 hợp đồng vay nhưng gia đình ông không biết về những hợp đồng này. Do đó, gia đình ông nhiều lần làm việc với ngân hàng để cung cấp giấy ủy nhiệm chi đối với 16 hợp đồng này nhưng bị từ chối.

Vấn đề này, ông Việt phản bác và cho rằng trong quá trình làm việc tại tòa vào năm 2009 đã cung cấp đầy đủ hồ sơ cho tòa và khi lập hợp đồng cho vay, mỗi bên đều giữ 1 bản nên không có chuyện ông Tây không biết 16 hợp đồng vay này. Ông Việt còn cho biết thêm, doanh nghiệp của bà Hương trước đây làm ăn rất tốt tuy nhiên khi đầu tư xây dựng nhà xưởng chưa có sự tính toán kỹ lưỡng nên thiếu vốn lưu động dẫn đến lâm nợ. Nếu như trước đây bà Hương chịu xử lý tài sản để trả nợ cho ngân hàng thì mọi việc đã được giải quyết nhanh gọn nhưng vì kéo dài đến ngày hôm nay nên số lãi mới tăng cao đến như vậy. Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Tam Kỳ sẽ kiên quyết thu hồi tài sản để bù vào khoản nợ vay của doanh nghiệp.

H.D