Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự

Thứ sáu, 05/12/2014 08:57

(Cadn.com.vn) - Chiều 4-12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2015.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Hoàng Sỹ Thành cho biết, trong bối cảnh kinh tế trong nước vẫn còn gặp khó khăn, thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc trở lại, số thụ lý mới về thi hành án dân sự tăng so với năm 2013, đặc biệt là về tiền, nhưng, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc và số tiền cao hơn năm 2013; tỷ lệ thi hành án xong về việc đạt cao hơn năm 2013 và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tổng số việc thụ lý của toàn ngành là 779.298 việc, tăng 47.119 việc (6,43%) so với năm 2013. Tổng số tiền thụ lý trên 95.109 tỷ đồng, tăng 24.547 tỷ đồng (34,78% ) so với năm 2013.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2015 là năm thứ ba công tác thi hành án dân sự thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành nhanh chóng xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự , đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, trình Chính phủ ban hành. Các cơ quan hữu quan khẩn trương tổ chức tập huấn Luật Thi hành án dân sự cho cán bộ, công chức trong các cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan. Phó Thủ tướng lưu ý cần huy động mọi nguồn lực, phát huy tính sáng tạo, tinh thần đoàn kết, hợp tác trong toàn bộ hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự; làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, quản lý cán bộ lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự. Qua kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện các vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Thi hành án dân sự, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có sai phạm. Những cán bộ, công chức tuy chưa phát hiện được sai phạm, tiêu cực nhưng nếu có nhiều dư luận không tốt thì cũng phải có biện pháp luân chuyển hoặc thay đổi vị trí công tác, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự cần kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý sai phạm.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; với Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 13 địa phương thực hiện thí điểm Thừa phát lại; đối với các Đề án đã được Chính phủ phê duyệt về xây dựng trụ sở, kho vật chứng và đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan Thi hành án dân sự, ngành cần tiếp tục thực hiện và đề xuất các giải pháp tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong thời gian tới... Phó Thủ tướng đề nghị ngành cần làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết thấu tình đạt lý các khiếu nại tố cáo của nhân dân; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc có khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài gây bức xúc trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và người dân.

Thu Thủy

Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề

Ngày 4-12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị sơ kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Tổng Cục trưởng Tổng Cục thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp Hoàng Sỹ Thành cho biết, tính đến ngày 31-10-2014, thực hiện Nghị quyết số 36 của Quốc hội, chế định Thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương nói trên với 51 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập. Hoạt động các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khá tốt, với doanh thu hơn 63 tỷ đồng. Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp.