Tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai

Thứ ba, 17/04/2018 12:11

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phan Tuấn Hùng cho biết, có 3 dự án luật trình Chính phủ trong năm nay là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 10-2018; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, cũng sẽ trình Chính phủ trong tháng 10-2018.  Riêng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung về quy hoạch của các Luật: Đất đai, Bảo vệ môi trường, Khoáng sản, Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn, Đa dạng sinh học, TN&MT biển dự kiến trình Chính phủ tháng 7-2018 sẽ tập trung sửa các quy định về quy hoạch trong 7 đạo luật, hiện đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương.

Ông Phan Tuấn Hùng.

Dự án Luật Đất đai năm 2013 sẽ được sửa đổi những vấn đề như quy định rõ thẩm quyền thực hiện các quyền định đoạt của Nhà nước, với vai trò là đại diện chủ sở hữu về đất và cơ chế phân cấp, ủy quyền cụ thể trong Luật Đất đai; các chế tài xử lý nếu có vi phạm trong thực hiện các quyền này. Rà soát, quy định cụ thể về việc phân loại đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp vào Điều 10 của Luật Đất đai để làm cơ sở quy định chế độ quản lý, sử dụng phù hợp. Sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất; Điều 62 về bổ sung quy định thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất. Bổ sung một số trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng như thu hồi đất thực hiện dự án đô thị mới, khu nhà ở; sử dụng đất của dự án có vốn đầu tư nước ngoài...

Đặc biệt là hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó là xử lý được việc giải quyết tranh chấp đất đai cho người sử dụng đất nhanh chóng, hiệu quả; khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu nại kéo dài theo hướng quy định mọi trường hợp tranh chấp đất đai đều do Tòa án nhân dân giải quyết.

Về Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, dự kiến được sửa đổi 8 vấn đề. Cụ thể là bổ sung công cụ đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong giai đoạn phê duyệt chủ đầu tư. Sàng lọc, kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; giấy phép môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực tài chính bảo vệ môi trường. Quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường. Trách nhiệm quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; bảo đảm thống nhất, đồng bộ các quy định về bảo vệ môi trường trong các luật khác có liên quan.

Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018, Bộ TN&MT đã và đang tập trung xây dựng tổng số 44 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Trong đó có 3 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội; 13 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung 3 đạo luật lớn, đồng thời ban hành 28 văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ TN&MT.

V.H