Tiết kiệm nước để ứng phó với biến đổi khí hậu
(Cadn.com.vn) - Ngày 25-4, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách về phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu do ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dẫn đầu đã làm việc với Bộ TN&MT.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam được đánh giá là quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam tương đối rõ nét trong 50 năm qua và nhất là trong thời gian gần đây với tần suất xuất hiện thiên tai và thời tiết cực đoan ngày càng tăng. Mực nước biển dâng 0,2 m, các hệ sinh thái tự nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là miền Trung, Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngập triều tăng mạnh ở thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Cà Mau và tỉnh Vĩnh Long. Hạn hán có xu hướng tăng nhưng với mức độ không đồng đều giữa các vùng. Gần đây, diễn biến biến đổi khí hậu tại nước ta cũng ghi nhận nhiều kỷ lục, các cực trị thời tiết thay đổi dị thường, ở nhiều nơi, nhiệt độ thường xuyên vượt ngưỡng hơn 40 độ C; biến đổi khí hậu thực tế diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự báo. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đề xuất giải pháp để ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, cần đẩy mạnh khâu cảnh báo, tuyên truyền; cẩn trọng trong lựa chọn dự án, công nghệ, không để Việt Nam thành bãi rác công nghệ; chủ động chuyển đổi trong sản xuất. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đề nghị cần nâng cao năng lực dự báo, chính sách hỗ trợ cho người dân, làm rõ trách nhiệm đầu mối, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan có liên quan, bởi “Nông nghiệp bất lợi, nông dân bất an, nông thôn bất ổn”.
Kết luận cuộc làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Thích ứng với biến đổi khí hậu là nội dung vừa cấp bách vừa lâu dài. Cả nước đang chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu; quý I-2016 lần đầu tiên tăng trưởng nông nghiệp bị âm, một phần do tác động của biến đổi khí hậu. Thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu thành công, cần thay đổi hành vi trên nhiều lĩnh vực, trước hết cần quyết liệt tiết kiệm sử dụng nước cả trong sản xuất và tiêu dùng. Với nông nghiệp, phải có cuộc cách mạng mạnh mẽ, chuyển từ nền nông nghiệp dùng nhiều nước sang nền nông nghiệp dùng ít nước; không coi nước là nguồn tài nguyên vô hạn, không mất tiền, thay vào đó phải coi nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, mất tiền. Chuyển trồng trọt nước ngọt là chủ yếu sang cả trồng trọt nước lợ và nước mặn; nên có khuyến cáo 10 hành vi cần thay đổi của người tiêu dùng khi sử dụng nước; nghiên cứu đến việc tái sử dụng nước. Đặc biệt, phải có giải pháp đồng bộ về quản lý nước ở 3 cấp là quốc gia, vùng và hộ gia đình; trong đó phải thiết lập bằng được cơ chế tổng thể trong quản lý nước, có sự liên kết giữa các bộ, ngành, vùng, nhằm đảm bảo nước sinh hoạt, nước sản xuất - ông Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Ông Nguyễn Thiện Nhân thông tin, sắp tới Mặt trận Tổ quốc sẽ khảo sát ở Nam Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên để có báo cáo về chính sách phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
P.H