Tiêu diệt tướng Soleimani, ông Trump sẽ tái đắc cử?
Có một thực tế không thể tránh khỏi là vụ sát hại tướng Iran Qasem Soleimani đang tràn ngập đời sống chính trị của Tổng thống Trump, nhất là trong bối cảnh ông đang chạy đua nước rút cho cuộc bầu cử vào tháng 11-2020. Đây chắc chắn là một câu chuyện lớn.
Câu chuyện này “lớn” bởi nhiều người vẫn còn nhớ tuyên bố trước khi nhậm chức của Tổng thống Trump. Lúc đó, đương kim Tổng thống Mỹ đã liên tục cho rằng, Tổng thống Barack Obama khi đó nên bắt đầu một cuộc chiến tranh với Iran để có khả năng tái đắc cử. Và trong bối cảnh ông Trump đã hiện thực hóa tuyên bố này, có thể nhằm lấy điểm cử tri trước thềm bầu cử.
Khi căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng, hậu quả lâu dài sẽ phụ thuộc phần lớn vào những phản ứng của Iran và cường độ của bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra sau đó. Nếu kết quả cuối cùng là Mỹ rút quân khỏi Iraq, tình hình chính trị có thể đảo lộn, với những cái đầu diều hâu tham chiến la ó và những người chủ hòa sẽ ăn mừng. Nhưng trước mắt, nó sẽ có một số tác động đáng kể lên cả các cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ra ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ vốn sẽ bắt đầu chưa đầy một tháng nữa và cả cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.
Có thể hiện nay, vị thế của ông Trump đang bị lung lay do cuộc luận tội. Tuy nhiên, khi nhắc lại lời Tổng thống Trump liên quan đến người tiền nhiệm Barack Obama cũng như lật lại lịch sử Mỹ thì một tổng thống đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn thường hưởng lợi do nhận được sự ủng hộ của người dân trong ngắn hạn.
Hiệu ứng cuộc biểu tình “vì lá cờ” đã thúc đẩy vị thế của Tổng thống George HW Bush trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Còn con trai ông, Tổng thống George W Bush cũng nhận được lượng ủng hộ tăng mức kỷ lục vài ngày sau vụ tấn công 11-9 và các vụ ném bom ở Afghanistan sau đó. Tuy nhiên, điều đó phải liên quan đến những động thái lớn về quân sự. Khi nguy cơ không quá cao, lợi ích chính trị từ một khủng hoảng về đối ngoại lại không mấy rõ ràng.
Sau vụ tấn công của Mỹ, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, kể cả phe thiểu số hoan nghênh chính quyền Tổng thống Trump và gọi đó là “hành động dũng cảm của Tổng thống chống lại sự gây hấn của Iran”. Nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn. Còn nhớ, tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Barack Obama gần như không thay đổi trong cuộc chiến tranh không kích năm 2011 ở Libya. Khi ông Trump bắn tên lửa vào căn cứ không quân Syria để đáp trả việc nước này sử dụng vũ khí hóa học, tỷ lệ tín nhiệm có tăng nhưng không tạo nhiều khác biệt.
Rõ ràng, ông Trump đang chơi ván cờ Iran để kéo sự chú ý ở trong nước ra khỏi vấn đề luận tội nhằm vào ông và tạo sự nổi bật trong cuộc đua bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng Iran hiện tại, mọi việc có thể không có nhiều thay đổi. Một tin không vui với ông Trump là theo thăm dò của Huffpost, cuộc tấn công giết tướng Soleimani lại là tin đặc biệt tốt cho ứng cử viên hàng đầu đảng Dân chủ Joe Biden, với 62% cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và thiên tả nói rằng, họ rất tin vào khả năng của ông ông Biden về vấn đề Iran.
THANH VĂN