Tiêu điều Làng Thanh niên lập nghiệp A Sờ

Thứ tư, 30/07/2014 08:10

(Cadn.com.vn) - Từng được xem là mô hình làng lập nghiệp điển hình trong quá trình xây dựng và phát triển đời sống kinh tế mới vùng cao, nhưng từ năm 2009, Làng Thanh niên lập nghiệp A Sờ (nay đổi thành thôn A Bông thuộc xã Ma Cooih, H.Đông Giang, Quảng Nam) được bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý thì khung cảnh của làng ngày càng trở nên xơ xác, tiêu điều. Nhiều bất cập nảy sinh gây bức xúc cho người dân địa phương, nhất là việc một số hộ dân lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để chiếm đất rồi bỏ hoang và sang nhượng trái phép. 

Đất bỏ hoang, dân lại thiếu đất

Làng Thanh niên lập nghiệp (LTNLN) A Sờ nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh nối hai huyện Đông Giang và Nam Giang, được đầu tư xây dựng năm 2001 trên diện tích 628 ha. Từ năm 2002 đến 2009, mỗi hộ dân đến đăng ký lập nghiệp đều được cấp từ 2ha đến 9ha đất để xây dựng nhà, phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Năm 2008, LTNLN chính thức được Tỉnh Đoàn Quảng Nam bàn giao cho xã Ma Cooih (H.Đông Giang) quản lý với tên mới là thôn A Bông. Lúc bàn giao, LTNLN có 102 hộ, song hiện chỉ còn có 35 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu và 40 hộ người Kinh đăng ký nhận đất sản xuất. Nhưng trên thực tế, hầu hết các hộ người Kinh chỉ đứng tên "xí phần" đất mà không tạm trú tại địa phương và trực tiếp canh tác.



Hệ thống nước sinh hoạt và điện tại LTNLN A Sờ không phát huy tác dụng.

Việc "xí phần" đất rồi để đó khiến thôn A Bông nảy sinh nghịch lý: dân bản địa thiếu đất sản xuất trong khi hầu hết đất chia cho người Kinh đều bị bỏ hoang. Nói về thực trạng này, A Lăng Diên, Trưởng thôn A Bông cho biết: "Theo số liệu của bộ phận địa chính xã và cán bộ thôn thống kê xác lập thì hiện nay có 32 hộ dân sử dụng đất không đúng mục đích, thậm chí có người bỏ hoang hoặc bán lại cho người khác. Nhiều nhà cửa được xây dựng lâu nay đang trong tình trạng bỏ hoang, không có ai ở, một số hộ khác thì bỏ làng đi đâu không ai rõ. Nhiều lần chính quyền thôn đã phản ánh việc này với lãnh đạo xã, huyện và tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Hầu hết các hộ định cư lập nghiệp theo đúng chủ trương đều có nguyện vọng là những ai đã đăng ký nhận đất mà không sử dụng thì phải trả lại cho Nhà nước để giao cho người dân địa phương sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế".

Minh chứng cho những lời mình nói, A Lăng Diên cũng cấp cho chúng tôi biên bản rà soát đăng ký hộ khẩu tạm trú tạm vắng và thời điểm sử dụng đất tại thôn A Bông của xã Ma Cooih được lập vào ngày 2-5-2014 và danh sách kết quả kiểm tra sử dụng đất của các hộ tại thôn A Bông. Tài liệu này thể hiện, nhiều hộ dân "xí phần" đất rồi để đó, không canh tác, không có mặt tại địa phương.

Đơn cử một số trường hợp có diện tích đất bỏ hoang lớn như hộ ông Lê Phước Tuấn có 6 thửa đất với diện tích hơn 98.000m2, có đăng ký hộ khẩu tại thôn A Bông nhưng không có nhà ở, đất bỏ hoang nhiều năm nay. Hộ ông Lê Phú Đông có hơn 13.000m2, đăng ký hộ khẩu tại thôn, có nhà ở nhưng bỏ hoang và đã chuyển nhượng đất cho người khác sử dụng. Mặc dù không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng hộ Đỗ Ngọc Quân - Nguyễn Thị Thùy được cấp một diện tích đất gần 25.000m2, nhưng hiện nay nhà cửa đang bỏ hoang, toàn bộ diện tích đất đã bán cho người khác và bỏ làng đi từ năm 2011...

Ngôi nhà bỏ hoang của người dân được bố trí đất tại LTNLN A Sờ.

Thiếu nước sinh hoạt, dân dự tính bỏ làng

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, A Lăng Diên mang ra một can nhựa nước lọc loại 5 lít mời khách và than thở, từ đầu năm đến nay, hệ thống công trình nước tự chảy, các bể nước đã được dự án phát triển làng đầu tư xây dựng tiền tỷ nhưng không còn hoạt động, nước không có lấy một giọt. Mỗi ngày người dân phải mất 4 đến 5 lần đi chở nước ở suối cách làng 3km, vất vả, khó nhọc vô cùng, bởi thế, người dân ở đây thường ví nước đắt như xăng. Nếu tình trạng này không sớm được cải thiện thì chắc bà con ở LTNLN tại thôn A Bông sẽ bỏ làng đi nơi khác như thôn Bút Tưa của xã Sông Kôn (H. Đông Giang) bỏ làng vì sợ "con ma xấu".

A Lăng Diên đưa chúng tôi đi tham quan một vòng LTNLN A Sờ. Từng nhiều lần thăm LTNLN ở giai đoạn mới xây dựng nên chúng tôi không khỏi bất ngờ với khung cảnh hoang tàn, xơ xác nơi đây. Những vườn cây um tùm cỏ dại. Lác đác vài ba ngôi nhà mở cửa, số còn lại bỏ hoang hoặc khóa cửa im lìm. Nhiều ngôi nhà không mái, tường cửa rách toác, phơi nắng ngấm nước lâu ngày đã mục nát. Hệ thống đường nhựa và bê-tông trong làng hầu như đã xuống cấp đi lại rất khó khăn. Đường dây điện được lắp đặt đến mọi khu vực trong làng nhưng có tuyến không còn đóng điện và có cả tuyến từ khi hoàn thành đến giờ chưa một lần đóng điện. Công trình nước tự chảy mấy năm nay đã hư hỏng không còn hoạt động.

Trải qua nhiều nhiệm kỳ làm trưởng thôn LTNLN A Sờ, A Lăng Diên không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến ngôi làng từng được ngợi ca về một hình mẫu trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế miền núi, trở nên tan hoang, xơ xác. Rời làng về xuôi, chúng tôi luôn trăn trở với ý nghĩ, chính quyền H. Đông Giang và tỉnh Quảng Nam nên sớm có chính sách quan tâm, đầu tư, tháo gỡ khó khăn để LTNLN A Sờ tại thôn A Bông tiếp tục tồn tại và phát triển đúng như kỳ vọng của những ngày đầu thành lập. 

Nguyên Thảo - Đại Khải