Tìm chữ mùa lũ nơi thượng nguồn sông Thu
(Cadn.com.vn) - Năm học mới 2013-2014 đã qua hơn một tháng nhưng thầy cô giáo và hàng trăm học sinh ở những ngôi trường bên thượng nguồn sông Thu Bồn, Nông Sơn, Quảng Nam vẫn chồng chất bao nỗi lo toan: đường sá tắc nghẽn mùa mưa lũ, trường lớp dột nát, thiếu đồ dùng học tập, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh...
La phông lột từng mảng lớn trên trần lớp học phân hiệu tiểu học Tứ Trung, Quế Lâm. |
Lớp học 4 trong 1...
Chúng tôi đến Quế Lâm, xã nghèo nhất H. Nông Sơn, nơi có danh thắng Hòn Kẽm-Đá Dừng nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn khi cơn bão số 10 vừa dứt. Mưa vẫn xối xả, nước sông Thu Bồn đục ngầu, cuộn chảy dâng tràn khắp bãi bờ, ngõ xóm. Tiếp chúng tôi trong căn phòng rộng chưa đầy 15 m2 của Ban giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Quế Lâm 2 (điểm trường trung tâm tại thôn Tứ Trung 1), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trung tỏ vẻ ái ngại bởi cảnh nhếch nhác: chiếc bàn làm việc đẫm nước, nước mưa ngấm qua bức tường cũ nát, qua khe mái tôn sét gỉ, nhỏ tong tong xuống nền...
Thầy Trung bối rối: “Nhà báo thấy đấy, cứ mưa xuống là nhiều chỗ dột như ngoài trời...”. Ngoài các phòng học, phòng làm việc của Ban giám hiệu và các thầy cô giáo chỉ vỏn vẹn 2 phòng với diện tích chưa đầy 30m2, tạm bợ và dột nát. Là trường trung tâm của xã, nhưng hiện nay trường không có phòng bộ môn, phòng nghe nhìn, cả trường không có một chiếc máy vi tính mặc dù đã có giáo viên môn CNTT từ mấy năm nay. Thầy Trung bảo, thực ra từ năm 2009, trường đã được cấp 12 máy vi tính, nhưng cơn bão số 9 cùng năm đã phá hỏng tất cả, 4 năm qua, trường không có kinh phí mua lại.
Bên cạnh điểm trường chính, dãy phòng 4 lớp tiểu học hoang tàn, tường gạch mục nát, vôi vữa lở từng mảng loang lổ, nước mưa chảy như thác từ những máng xối mục gãy từ bao giờ, đổ thẳng vào hiên các phòng học... Trong khi đó nơi sinh hoạt, khu nội trú của gần chục thầy cô giáo không có nước giếng, phải đi gánh nước nhờ của nhà dân. Hơn 100 học sinh cùng gần 20 thầy cô giáo phải dùng chung một nhà vệ sinh...
Phòng học, phân hiệu tiểu học Phước Hội, Quế Lâm dột nát biến thành nơi chứa máy tuốt lúa của người dân. |
Phân hiệu trường tiểu học thứ 2 của trường ở thôn Cấm La có 2 phòng học với 15 học sinh 3 lớp từ lớp 1 đến lớp 3. 3 bảng đen phải xoay về 3 hướng. Cứ thế, trong khi lớp này làm toán thì lớp khác tập đọc, lắm lúc học sinh lớp này chép lộn bài học sinh lớp khác..., thôi thì cứ lộn tùng phèo cả lên. Còn phân hiệu thứ 3 của trường ở thôn Phước Hội thì trống hoang, không tường rào cổng ngõ, nằm hiu quạnh trên một gò đất cuối thôn...
Điểm trường có 6 phòng học, nhưng một phòng phải dành để đồ dùng và người dân quanh đó gửi tạm máy tuốt lúa, dụng cụ làm đồng. Trường cũng dột nát, xuống cấp, không có nước sinh hoạt, nhà vệ sinh. Thầy Trung cho biết, phân hiệu có 111 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, trong tháng 11 này, theo quy định của ngành Giáo dục, sẽ phải cho học sinh học 2 buổi sáng và chiều, đa phần các em học sinh nhà ở xa trường, có em phải qua cầu, qua suối rất nguy hiểm. Ban giám hiệu chưa biết cách nào để sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho học sinh ở lại trưa...
Theo ông Trần Văn Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Lâm, không riêng gì cơ sở trường tiểu học và THCS Quế Lâm 2 mà cơ sở trường tiểu học, THCS Quế Lâm 1, tình trạng cơ sở vật chất cũng khó khăn tương tự. UBND xã cùng các ban ngành cũng đã đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ, đầu tư để sửa chữa, nâng cấp, xây mới, nhưng vẫn chưa phản hồi. Tình trạng dẫn đến, tư tưởng một số thầy cô giáo không ổn định, chất lượng dạy và học thấp, trong hàng chục năm qua, tỷ lệ HS đậu đại học, trường nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần học sinh bỏ học sớm về làm nông, đi làm ăn nơi khác...
Phòng dạy tin học của Trường THCS Phước Ninh, Nông Sơn dột nát, ẩm thấp. |
Trường xây bằng vôi, cát có tuổi trên 30 năm
Xuôi dòng Thu Bồn, chúng tôi về xã Phước Ninh, Nông Sơn, một xã mới thành lập, tách ra từ xã Quế Phước năm 2009, sau 4 năm trường THCS của xã vẫn chưa được xây vì không có kinh phí. HS đang học trong ngôi trường xây dựng từ những năm 1980 của thế kỷ trước, bỏ hoang một thời gian dài.
Thầy Nguyễn Tiến Dũng-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phước Ninh, Dãy nhà 4 phòng học, tường gạch, lợp ngói đất, nguyên vật liệu chỉ bằng vôi và cát, gạch, không có một chút xi-măng, sắt thép do người dân thôn Bình Yên đóng góp. Năm nào địa phương và giáo viên cũng phải tìm cách sửa chữa, khắc phục để có chỗ dạy, học. Khi có bão lớn phải cho học sinh nghỉ học. Nơi hội họp của mấy mươi thầy cô giáo là căn phòng hơn 30m2, mái phải căng bạt che mưa, nền nhà ẩm thấp, tối tăm... Khó khăn chồng chất, cũng như ở Quế Lâm, 4 năm qua, ở Phước Ninh số học sinh vào đại học quá ít.
Ông Nguyễn Hoàng Chương-Chánh văn phòng UBND H. Nông Sơn, ngậm ngùi, thực sự UBND huyện rất quan tâm và lo lắng trước thực trạng trường lớp xuống cấp ở Quế Lâm, Phước Ninh, nhưng ngân sách của huyện quá hạn hẹp, tiền chi cho giáo dục cứ như “muối bỏ biển”. Chúng tôi đề nghị chính quyền và các ban ngành tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là ngành Giáo dục cần xem xét và có kế hoạch, sớm hỗ trợ, quan tâm giúp các địa phương đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới phòng học để ổn định việc dạy - học.
H.T