Tìm đáp án cho “Lối sống Đà Nẵng”

Thứ tư, 13/12/2017 09:42

Ngày 12-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Xây dựng lối sống Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn”. Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng Đà Nẵng cần phát huy “phần hồn” để phát triển bền vững.

Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội thảo.

Lối sống đang thay đổi

Năm 2016, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố, trong đó đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì thực hiện đề tài “Lối sống Đà Nẵng”, nhằm nghiên cứu đánh giá về thực trạng lối sống của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Ông Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, những năm gần đây Đà Nẵng rất coi trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa, luôn khẳng định tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Đà Nẵng đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình văn hóa thể thao lớn, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã để lại những dấu ấn đa chiều lên quá trình hình thành, biến đổi sâu sắc lối sống đô thị Đà Nẵng.

Tuy chưa hết tính chất quá độ từ nông thôn sang đô thị, nhưng lối sống đô thị Đà Nẵng ngày càng đa dạng, biến đổi nhanh và phức tạp hơn, chứa đựng nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng không ít những xu hướng tiêu cực. “Việc di dời, xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi diện mạo đô thị, cùng với việc phát triển kinh tế đã góp phần loại bỏ các nếp sống lạc hậu. Việc giao lưu thương mại quốc tế, cùng với sự gia tăng người nhập cư và khách du lịch đã giúp người Đà Nẵng tiếp xúc với những phong tục, nét văn hóa mới từ đó tạo nên sắc thái mới, đa dạng hơn trong tư duy và lối suy nghĩ, khiến người Đà Nẵng năng động và sáng tạo hơn. Bên cạnh mặt tích cực, công tác mở rộng đô thị diễn ra quá nhanh làm xáo trộn và ảnh hưởng đến lối sống của người dân thành phố. Các luồng nhập cư, mặc dù mang những hơi thở mới trong văn hóa nhưng cũng dễ làm nảy sinh những tiêu cực về tình hình trật tự an toàn xã hội. Rõ ràng, lối sống văn minh, tiến bộ không phải lúc nào cũng hình thành song song, đồng thời với quá trình đô thị hóa. Không phải đơn thuần chỉ tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh chỉnh trang đô thị, kết cấu hạ tầng hiện đại là có ngay văn hóa và lối sống văn minh, tiến bộ”, ông Dũng nói.

Cựu nhà giáo Huỳnh Văn Hoa cho rằng, lối sống của đô thị đang bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường, có mặt tích cực nhưng tiêu cực cũng không ít. “Phải chăng trong lòng xã hội ta đang có những khủng hoảng lớn về đạo lý, lối sống. Cách đây hơn 200 năm, nhà bác học Lê Quý Đôn đã nêu lên 5 đại họa, đó là “Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt”. Tại sao Lê Quý Đôn lại đặt tai họa “trẻ không kính già, trò không trọng thầy” lên trên hết, vấn đề rõ ràng nguồn cơn là từ giáo dục gia đình và nhà trường. Nếu không kịp thời lập con đê văn hóa ngăn ngừa, tất yếu xã hội sẽ đón nhận những thảm trạng đau lòng”, ông Hoa cảnh báo.

Xây dựng văn hóa và con người

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cho rằng, Đà Nẵng muốn xây dựng lối sống văn minh, hiện đại và nhân văn thì cần phải chú trọng đến văn hóa và nghệ thuật. Theo nhà thơ Thanh Thảo, Đà Nẵng đã lột xác về nhiều mặt, nhưng về văn hóa, văn học nghệ thuật thì dường như chững lại. Điều này không chỉ sở văn hóa hay hội văn nghệ nào làm được, mà cần sự chung tay của nhân dân và lãnh đạo thành phố. “Thành phố đáng sống phải là thành phố có văn hóa. Vì sao thành phố Vienna (Áo)  là thành phố đáng sống nhất thế giới theo bình chọn năm 2016, bởi đó là một trung tâm âm nhạc lớn của thế giới, là thành phố có sự hòa điệu thanh bình bậc nhất hiện nay. Cư dân ở đó đều có văn hóa cao, họ sống nhân ái, hài hòa với nhau và với cả tự nhiên. Họ không vì tiền mà phá bỏ tự nhiên, họ cho thấy văn hóa, văn học nghệ thuật quan trọng thế nào với cuộc sống con người. Đà Nẵng không phải là Vienna, nhưng Đà Nẵng hoàn toàn đủ khả năng để trở thành một thành phố có văn hóa, có cuộc sống hòa điệu với thiên nhiên và giữa con người với nhau”, nhà thơ Thanh Thảo nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, cần phải chú trọng xây dựng văn hóa và con người Đà Nẵng. Bởi nếu kinh tế có những biến cố thì chúng ta sẽ khắc phục rất nhanh nhưng nếu như sa sút về đạo đức, lối sống thì vực dậy cực kỳ khó. 20 năm qua, Đà Nẵng đã phát triển thành đô thị hoành tráng, hiện đại, tuy nhiên nếu không chú trọng đến văn hóa và con người thì sự phát triển đó sẽ thiếu bền vững. Chúng ta có câu nói, phú quý sinh lễ nghĩa nhưng hiện nay chúng ta đang bước vào thời kỳ lễ nghĩa sinh phú quý. Vì vậy vấn đề xây dựng văn hóa, lối sống  hết sức quan trọng, đó là sẽ yếu tố thúc đẩy sự phát triển.  Bây giờ người ta đang nói nhiều đến thời kỳ công nghệ 4.0, về đô thị thông minh, tôi nghĩ rằng Đà Nẵng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng văn hóa và con người thành phố đủ năng lực để hội nhập với một thế giới hiện đại nhưng vẫn giữ cho mình những nét riêng vốn có”, ông Dương Trung Quốc chia sẻ.

Hoàng Anh