Tìm giải pháp giải quyết vấn đề nhiễm mặn ở hạ lưu

Thứ tư, 28/08/2019 16:28

Chiều 27-8, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Sở TN-MT hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đã có cuộc họp nhằm đánh giá mức độ tác động môi trường đến việc quản lý nguồn nước và tình hình nhiễm mặn vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn.

Các đơn vị chức năng kiểm tra đập tạm tại sông Quảng Huế.

Theo đánh giá của Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, hiện nay, trên lưu vực sông  Vu Gia - Thu Bồn đang xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng do ít mưa và nắng nóng kéo dài. Lượng dòng chảy trên các lưu vực xuống rất thấp, dòng chảy ít kết hợp với mực nước vùng trung lưu thấp kỷ lục làm gia tăng xâm nhập mặn ở hạ du. Hiện lưu lượng dòng chảy trên thượng nguồn sông Vu Gia thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ là 75%, dòng chảy trung bình vùng trung lưu sông Vu Gia - Thu Bồn thiếu hụt từ 11-32%. Dự báo từ nay đến hết tháng 8, dòng chảy trên thượng lưu sông Vu Gia khả năng thiếu hụt từ 70-80%, sông Thu Bồn thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Do thiếu hụt lượng nước từ thượng lưu và triều cường mạnh nên khu vực hạ lưu tiếp tục xảy ra tình trạng hạn hán và thiếu nước.

Tại buổi làm việc, đại diện Cty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng cho rằng, việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất kinh doanh ở Đà Nẵng phụ thuộc rất lớn từ nguồn nước sông Vu Gia. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, khu vực sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nghiêm trọng dẫn đến nguồn nước cung cấp để xử lý thiếu hụt. Trong 6 tháng đầu năm 2019 tại vị trí Nhà máy nước Cầu Đỏ có 119 ngày bị nhiễm mặn với độ mặn cao nhất 3.448mg/l (vượt 14 lần so với quy chuẩn cho phép). Trước tình hình đó, Cty đã bơm hơn 14 triệu m3 nước thô từ đập An Trạch dẫn về để pha loãng, làm tăng chi phí hơn 6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số đơn vị thuộc Sở TN-MT TP Đà Nẵng đề xuất phương án cần phối hợp giám sát sự vận hành các hồ chứa thủy điện nhằm điều tiết lưu lượng nước cho hạ lưu. Đồng thời giữ lại nguồn nước hiện có còn lại trong hồ chứa để chống hạn, nhiễm mặn, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia, nguồn nước cho sinh hoạt và 4.000 ha lúa của hai địa phương này. Ngoài ra, yêu cầu thủy điện này xả nước về hạ du sông Vu Gia khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ dưới 1.000mg/l, và xả liên tục với lưu lượng 25m3/s khi độ mặn hơn 1.000mg/l.

Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho rằng, cuối năm 2018 có nhiều trận mưa lớn, nhưng chủ yếu tập trung vùng đồng bằng nên các hồ thủy điện không được tích nhiều nước. Sang năm 2019 nắng nóng kéo dài trong khi lượng mưa ít khiến mực nước ở các hồ thủy điện và các con sông hạ rất thấp dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng, đạt kỷ lục vùng hạ lưu. Để khắc phục tình trạng này, thủy điện đã tiến hành xả nước rửa mặn cho vùng hạ lưu sông Vu Gia, đặc biệt là khu vực Cầu Đỏ ở Đà Nẵng và một số địa phương ở Quảng Nam nhưng thực sự không hiệu quả.Việc xây dựng đâp ngăn nước tại sông Quảng Huế cho chảy về hướng Đà Nẵng đã giải quyết được vấn đề trước mắt, vấn đề xây dựng đập kiên cố tại vị trí này thì cần đánh giá cụ thể vì vào mùa mưa sẽ gây hậu quả lớn.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc xả nước thủy điện để giải quyết vấn đề xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu sông Vu Gia là thiếu khả thi, bởi thực tế trước mắt đã cho thấy điều này. Do vậy cần quan tâm đến việc quản lý tốt dòng chảy tại sông Quảng Huế để đưa nguồn nước về giải quyết vấn đề thiếu nước tại Đà Nẵng; cần khẩn trương xây dựng đập ngăn mặn ở khu vực Cầu Đỏ nhằm ngăn chặn xâm nhập mặn vào nhà máy nước...

Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo Sở TN-MT hai địa phương đã thống nhất quan điểm sẽ hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, đánh giá sức chịu tải lưu vực sông nhằm quản lý hiệu quả tổng hợp lưu lượng nước, đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông; sớm xúc tiến việc nghiên cứu đánh giá tác động môi trường và có văn bản trình Bộ TN-MT xem xét đề xuất các biện pháp giải quyết.

LÊ VƯƠNG