Tìm giải pháp phục hồi hoạt động du lịch tại Quảng Nam

Thứ sáu, 22/10/2021 16:56

Tại Hội nghị trực tuyến ngày 21-10 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức với sự tham gia của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, TP Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch... các đại biểu đã bàn giải pháp mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến với Quảng Nam.

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra hoạt động du lịch tại Phố cổ Hội An.

Ngành du lịch lao đao

Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch tại địa bàn, ông Nguyễn Thanh Hồng- Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho hay, hiện nay trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, chỉ còn khoảng 90 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, khoảng 14.000 lao động mất việc làm; nhiều doanh nghiệp đang khó khăn với các khoản nợ: ngân hàng, thuế, bảo hiểm... Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách du lịch giảm mạnh, chỉ đạt trên 300 ngàn lượt khách, giảm trên 77% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm gần 95% so với cùng kỳ năm 2019; thiệt hại về du lịch khoảng 15.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng nêu những khó khăn riêng do tác động của đại dịch COVID-19. Để tháo gỡ khó khăn và tái khởi động hoạt động du lịch, các doanh nghiệp đề nghị cần có giải pháp kích cầu du lịch như: liên kết với hãng hàng không đưa khách quốc tế vào Việt Nam; đẩy mạnh liên kết trong các tỉnh để thống nhất các tiêu chí đón khách; tăng cường liên kết giữa các bộ ngành; đẩy mạnh hướng du lịch xanh, phục hồi tài nguyên du lịch xanh; xúc tiến quảng quá hình ảnh, thúc đẩy liên kết vùng, thí điểm tour du lịch khép kín đảm bảo công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở cửa trở lại và người lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh…

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân phát biểu tại hội nghị.

Tìm giải pháp

Thông tin về giải pháp phục hồi, phát triển ngành du lịch tại Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Hồng cho hay, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức nhiều hoạt động để kích cầu, phục hồi du lịch, tăng cường quảng bá, truyền thông điểm đến Quảng Nam “an toàn, mến khách”. Địa phương đang thực hiện lộ trình phục hồi hoạt động du lịch theo 4 giai đoạn, từ cuối năm 2021 và sang năm 2022, các điều kiện đảm bảo để đón khách du lịch. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển du lịch; tập trung chỉ đạo quyết liệt chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 cho cộng đồng, trong đó hiện nay đang ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành du lịch để chuẩn bị mở cửa đón khách...

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch chuyển sang trạng thái mới: “Linh hoạt, thích ứng, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Ngày 11-10 vừa qua Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 hướng dẫn vừa chống dịch hiệu quả, ưu tiên phát triển kinh tế, trong đó có ngành du lịch. Đồng thời các bộ, ngành liên quan cũng đã có nhiều ban hành nhiều giải pháp cụ thể nhằm khôi phục lại hoạt động du lịch. Tổng cục Du lịch cũng đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ VH-TT&DL ban hành những cơ chế, chính sách nhằm kích cầu hoạt động du lịch Việt Nam trong cuối năm 2021 và năm 2022, đồng thời đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm mở lại đón khách quốc tế ở một số địa phương.

Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Du lịch cũng đã họp với 25 địa phương trọng điểm du lịch bàn về việc tái khởi động du lịch; đã tham mưu tổ chức buổi họp trực tiếp giữa Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao với 14 cơ quan đại diện tại nước ngoài, tại những thị trường du lịch trọng điểm Việt Nam để bàn công tác truyền thông, phối hợp quảng bá, giới thiệu du lịch việt Nam đến thị trường khi chính thức mở lại hoạt động du lịch quốc tế; chủ trì tổ chức các buổi họp với các hãng hàng không, lữ hành hàng đầu Việt Nam bàn cách thức kết nối, khai thác lại hoạt động du lịch.

Du khách tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn.

“Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch cần tính toán, xem xét mở cửa theo lộ trình, đảm bảo các tiêu chí an toàn. Địa phương phải tự xây dựng tiêu chí cho mình, ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động du lịch đang gặp khó khăn và người lao động; chú trọng công tác xây dựng những sản phẩm du lịch mới, loại hình du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên tạo ra sức hấp dẫn du lịch; phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đủ chất lượng và số lượng, đáp ứng nhu cầu bối cảnh mới; xúc tiến quảng bá truyền thông cần gắn liền với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho hoạt động du lịch…”, ông Khánh nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, ông Trần Văn Tân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, tỉnh Quảng Nam nghiêm túc thực hiện đúng theo những quy định của Bộ VH-TT&DL, đủ điều kiện cần thiết để đón khách quốc tế an toàn. Ông Tân đề nghị: Các sở, ngành, UBND các địa phương nghiêm túc thực hiện tốt các biện pháp quản lý, ngăn chặn đại dịch, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; Sở VH-TT&DL cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong bối cảnh hiện nay, giới thiệu các vùng xanh, điểm đến xanh an toàn của tỉnh để du khách an tâm khi đến với Quảng Nam. Sở VH-TT&DL khẩn trương hoàn thiện báo cáo, nội dung đóng góp tại hội nghị, kế hoạch phục hồi phát triển du lịch tại Quảng Nam trong thời gian đến. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở VH-TT&DL có cơ chế đón đầu tạo nguồn nhân lực hoạt động du lịch chất lượng, hiệu quả…

LÊ VƯƠNG