Tìm hình mẫu nghê, sư tử thuần Việt cho làng đá Non Nước

Thứ tư, 24/12/2014 09:12

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, người làm nghề ở làng đá Non Nước (Ngũ Hành Sơn-Đà Nẵng) lao đao khi Bộ VH-TT&DL có công văn kiến nghị không sử dụng hình tượng sư tử đá ngoại lai. Trong khi chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng vẫn chỉ mới khuyến cáo người dân không chế tác linh vật ngoại lai chứ chưa đưa ra được những mẫu linh vật phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng như phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ người dùng, nhiều người đặt câu hỏi, thế nào là hình tượng sư tử thuần Việt? Và triển lãm hình tượng nghê, sư tử trong điêu khắc cổ Việt Nam được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Nam Định tổ chức những ngày qua tại Đà Nẵng đã trả lời cho câu hỏi đó.

Gần 60 hiện vật từ các thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn, được tạo tác bằng các chất liệu như đá, gốm, sành, gỗ, đồng và một số tư liệu, tài liệu khoa học, các bản vẽ đạc họa... trưng bày tại triển lãm thật sự đã để lại ấn tượng mạnh cho người xem. Bởi đó là nét tinh hoa độc đáo, sự sáng tạo nghệ thuật của người xưa trong kho tàng di sản nghệ thuật tạo hình của dân tộc. Tỉ mỉ xem những hiện vật, anh Huỳnh Mai Hùng (P.Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn), một nghệ nhân làng đá Non Nước nói: "Những hiện vật này thật đẹp, có kỹ thuật tạo hình rất cao khác xa những sư tử đá mà tôi thường chế tác. Khi chưa thấy những hiện vật này, tôi không nghĩ Việt Nam mình lại có những hình tượng linh vật đẹp như thế". Không riêng gì anh Hùng, nhiều người khác khi xem triển lãm cũng rất bất ngờ.

Bởi trong một thời gian dài, những hình tượng nghê, sư tử thuần Việt chỉ được lưu giữ trong các đình chùa, miếu và ở các bảo tàng, nhưng không được phổ biến. Vì thế mà hình tượng sư tử ngoại lại được người dân chấp nhận sử dụng để trưng bày như một điều tất yếu. Ông Nguyễn Doãn Minh-nghiên cứu viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, hình tượng sư tử và nghê đã xuất hiện từ lâu, vào giai đoạn Lý-Trần. Đến các thế kỷ sau, nhất là vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI-XVIII), hình ảnh nghê xuất hiện nhiều trong tác phẩm điêu khắc.

Nghê chầu ngoài cổng, chầu trước bàn thờ, nghê được sử dụng làm con vật đỡ chân đèn, nghê trang trí trên kiến trúc đình, chùa, trang trí trên lư hương, chậu cảnh... "Nghê, sư tử Việt Nam đều có hình khối đơn giản, được chế tác trong thế đầu ngẩng cao hoan hỷ, chào đón chứ không phô diễn cơ bắp như sư tử ngoại lai. Ngoài ra, người xưa còn chú tâm thể hiện các hoa văn biểu tượng như mây, sấm chớp, nguồn nước, lửa... thể hiện đúng nền văn minh nông nghiệp lúa nước của cha ông, với ước muốn cầu mong mưa thuận, gió hòa. Điều khác nữa là người Việt luôn đặt tượng nghê hay sư tử "chầu" vào nhau,  thể hiện sự hòa đồng, giao thoa giữa thế giới thần linh và con người, giữa chủ và khách... Còn ở Trung Quốc hay một số quốc gia khác họ thường đặt tượng sư tử thế đứng trực diện, tạo cảm giác uy hiếp, điều đó không đúng với tinh thần hòa hiếu của người Việt Nam"-ông Minh nói.



Những nghệ nhân làng đá Non Nước tìm hiểu hình tượng nghê, sư tử thuần Việt trong triển lãm.

Dẫu biết hình tượng nghê và sư tử thuần Việt thật đẹp, mang nhiều ý nghĩa lịch sử nhưng liệu có giúp gì cho làng nghề đá Non Nước hay không? Khi Công văn 2662 của Bộ VH-TT&DL về việc "Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt Nam" được triển khai, khiến làng nghề bị ảnh hưởng nặng. Theo tìm hiểu thì hiện làng đá Non Nước đang tồn đọng 4.500 cặp sư tử với trị giá gần 40 tỷ đồng và nhiều lao động phải nghỉ việc, sau khi công văn trên được phổ biến, để giúp làng đá Non Nước có hướng đi mới, Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng đã mời các nghệ nhân làng đá Non Nước đến xem triển lãm và vận động sáng tác mẫu hình tượng nghê và sư tử thuần Việt.

Ông Nguyễn Hữu Chiến-Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, từ những hình tượng nghê, sư tử thuần Việt tại triển lãm, các nghệ nhân làng đá Non Nước sẽ chế tác ra những sản phẩm mang phong cách truyền thống để đưa vào sản xuất kinh doanh. "Các hộ sản xuất tham gia cuộc vận động sẽ chế tác và được phép sáng tạo một cặp tác phẩm nghê, sư tử thuần Việt. Sau đó hội đồng nghệ thuật sẽ lựa chọn những tác phẩm tốt nhất để triển lãm, sau đó áp dụng cho làng đá Non Nước sản xuất, kinh doanh. Đây là hướng làm thiết thực, để giúp làng nghề vượt qua khó khăn nhưng vẫn giữ được hồn Việt trong các hình tượng sư tử"-ông Chiến nói. Những nghệ nhân làng đá Non Nước khi xem triển lãm đều tâm sự rằng, đây là cơ hội để tiếp cận nghệ thuật tạo hình của cha ông và làm nền tảng để sản xuất những sản phẩm mới.

Những hình tượng nghê, sư tử độc đáo, thuần Việt được kỳ vọng
sẽ mở hướng đi mới cho làng đá Non Nước.

Nhưng nhiều người vẫn còn băn khoăn về sự chấp nhận của thị trường. "Chế tác những hình tượng nghê và sư tử thuần Việt thì người dân làng đá Non Nước làm được, nhưng tôi lo sản xuất ra mà không bán được, người mua không chuộng thì càng khó"-nghệ nhân Nguyễn Việt Minh tâm sự. Tuy vậy, nhiều ý kiến khác cho rằng nghê và sư tử thuần Việt sẽ có chỗ đứng, bởi không chỉ nó đẹp, mà còn chuyển tải nhiều nét văn hóa độc đáo, tinh thần của dân tộc Việt qua hàng nghìn năm. Về việc triển khai thực hiện Công văn 2662 trên cả nước, bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, đến tháng 7-2015 sẽ quyết liệt xử lý việc đặt linh vật ngoại lai tại các di tích lịch sử và  vận động, khuyến khích sử dụng linh vật thuần Việt...

Có thể nói việc vận động sáng tác các hình tượng nghê, sư tử thuần Việt đã mở ra hướng đi mới cho làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Hoàng Anh