Tìm hướng phát triển "Tam giác đô thị- Điện Bàn, Đà Nẵng, Hội An"

Thứ hai, 17/03/2014 12:59

(Cadn.com.vn) - Sau khi có quyết định công nhận H. Điện Bàn, Quảng Nam là đô thị loại 4, ngày 15-3, UBND H. Điện Bàn đã phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Trung tâm Tư vấn - nghiên cứu miền Trung tổ chức hội thảo “định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An”. Gần 300 khách mời và hàng chục chuyên gia, nhà khoa học đã cùng sẻ chia ý tưởng mang tính định hướng cho lộ trình xây dựng và phát triển toàn diện đô thị Điện Bàn với kỳ vọng địa phương này sẽ phát triển “bùng nổ” nhanh trong tương lai gần...

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

Thách thức đô thị mới

Phát biểu khai mạc, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND H. Điện Bàn khẳng định: Những năm qua, sự phát triển KT-XH của địa phương đang có những chuyển mình rõ nét, nhưng cũng trăn trở với không ít thách thức còn ở phía trước khi Điện Bàn vừa được công nhận là đô thị loại 4. Năm 2013, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 9.216 tỷ đồng, tăng 13,63% so với năm 2012; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 718 tỷ đồng, tăng 43,1 so với năm 2012; tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện chỉ còn 4,48%, giảm 1,55% so với năm 2012.

Về phát triển hạ tầng đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đô thị loại IV, đáp ứng tốt cho nhu cầu của nhân dân, như Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam đạt 328 giường; Đa khoa Vĩnh Đức 120 giường. Đặc biệt, Điện Bàn còn có nhiều công trình dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế như khu resort The Nam Hải, sân golf Montgomerie Link được xếp hạng tốt nhất khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Sự khởi sắc trong phát triển KT-XH bước đầu nhìn thấy rõ, song thách thức trước mắt vẫn còn nhiều. Ông Thanh trăn trở: Hiện ở nhiều vùng quê, chương trình xây dựng nông thôn mới có sự chuyển mình, nhưng chưa thực sự sâu rộng, mạnh mẽ; kết cấu hạ tầng tuy có bước phát triển nhưng chưa đáp ứng kịp yêu cầu tăng trưởng của đô thị và công nghiệp; phát triển công nghiệp còn manh mún, sử dụng đất kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp; dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; nông nghiệp còn bị động vào thời tiết, chưa có nhiều đột phá để sản xuất ổn định...

“Để Điện Bàn phát triển bền vững, những năm tới chúng tôi sẽ tranh thủ lợi thế vị trí nằm ngay giữa đô thị cổ-di sản văn hóa Hội An và TP Đà Nẵng với mục tiêu xây dựng “thành phố đáng sống” để tạo dựng bước tiến cho mình. Phải lấy hợp tác liên vùng làm động lực phấn đấu, vừa khai thác, vừa bổ sung cho nhau để cộng hưởng cùng phát triển, tạo ra một “Tam giác đô thị năng động”, hướng đến xây dựng thương hiệu chung cho một khu vực đô thị năng động, sinh thái, văn hóa mang tầm cỡ Đông Nam Á” - ông Thanh nói.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: P.V

Cơ hội nhưng không được nóng vội

Bàn về “định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An”, tại hội thảo này, các đại biểu, chuyên gia đã làm “nóng” hội trường với nhiều phát biểu xung quanh các chủ đề như: “Nhận diện đô thị Điện Bàn  - định hướng và giải pháp đầu tư phát triển bền vững, kết nối đồng bộ với 2 đô thị hiện hữu Đà Nẵng, Hội An”; “giải pháp khai thác tiềm năng về văn hóa, lịch sử và tự nhiên”; “phát triển các khu, cụm công nghiệp sinh thái”... PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương phân tích: Điện Bàn là địa phương được hưởng lợi thế đặc biệt do nằm giữa 2 vùng đô thị đang phát triển là Đà Nẵng và Hội An.

Trong khi Đà Nẵng đang phát triển năng động nhất miền Trung với nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Bà Nà- Suối Mơ, Sơn Trà; cơ sở hạ tầng đẹp đẽ, thông thoáng thì Hội An là di sản có sức hấp dẫn bậc quốc tế. Vì thế, Điện Bàn phải vịn lấy 2 cơ hội này để định hướng cho sự phát triển của địa phương này. Bên cạnh đó, nằm ở khu vực sát biển, ven sông cũng là lợi thế lớn cho Điện Bàn phát triển. Lâu nay đã có nhiều nhận xét đánh giá, “mỏ vàng” của miền Trung chính là bờ biển, trong khi đó Điện Bàn được xác định là tọa độ đang tạo ra vàng, điển hình như sự ra đời của The Nam Hải, các khu resort ven biển đang hút khách quốc tế và trong nước đến du lịch. Khi trở thành đô thị loại 4 thì việc tính đến xây dựng trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ trong tương lai là đương nhiên, nhưng phải xác định được chức năng của đô thị Điện Bàn sẽ làm cái gì để có sự bùng nổ, thu hút được du khách, nhà đầu tư như Đà Nẵng, Hội An.

Theo tôi, Điện Bàn phải xác định rằng, vừa phát triển độc lập nhưng phải có sự bắt tay và nương bám lấy 2 “tọa độ” Đà Nẵng và Hội An để phát triển chứ không quá nôn nóng. Bởi nếu bùng nổ theo kiểu riêng của mình, tách khỏi hướng phát triển của Đà Nẵng và Hội An thì hậu quả rất khó lường. “Phát triển phải theo tầm nhìn và  hình dung 20 năm, 30 năm nữa Điện Bàn sẽ thế nào, chứ đừng vì cái tên gọi đô thị rồi xây dựng vài khu nhà cao tầng, khu vui chơi giải trí là thỏa mãn sẽ thua to.

Ai cũng biết, hiện nay khách du lịch đang đổ về Đà Nẵng, Hội An ngày một nhiều thì theo tôi Điện Bàn nên tổ chức xây dựng, phục hồi các làng nghề truyền thống, nơi nghỉ ngơi lưu trú ở thôn quê, làm ra nhiều sản phẩm du lịch, phát huy những món ẩm thực đặc sản vốn có... để hỗ trợ đắc lực cho các đô thị lân cận rồi kéo khách về với mình sẽ tốt hơn làm công nghiệp, dẫn đến những hậu quả ô nhiễm. Tóm lại, để xác định cho sự phát triển bền vững của “tam giác đô thị năng động” - Điện Bàn, Đà Nẵng, Hội An thì Điện Bàn cùng với các đô thị lân cận phải luôn là anh em một nhà, ôm chặt lấy nhau để liên kết, phát triển, không thể tách rời” - ông Thiên nói.

Ông Trần Đình Thiên: “Quy hoạch phát triển đô thị của Điện Bàn là rất cần thiết, nhưng để có được một đô thị đẹp trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thách thức, bởi Điện Bàn sẽ phải làm đô thị trên vùng dân cư đông đúc chứ không phải xây dựng mới từ khu đất trống. Vậy nên phải làm theo mảng, theo tuyến và làm gì để người dân nhìn thấy được sự lợi lộc của họ trong tương lai, chứ không được nôn nóng, bằng không sự nóng vội, cách quy hoạch ồ ạt sẽ dẫn đến những xung đột không đáng có là thua to”.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chinh, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nói: Khi bắt tay liên kết phát triển vùng sẽ là cơ hội để Điện Bàn đón nhận sự phát triển ra phía Nam của TP Đà Nẵng và định hướng phát triển mở rộng của Hội An. Thế nên, Điện Bàn cần bắt tay làm ngay, đầu tư ngay các dự án như dự án khu đô thị Điện Nam-Điện Ngọc với 2.700 ha, trong đó khu công nghiệp là 290 ha; đẩy nhanh tiến độ dự án nạo vét sông Cổ Cò vào mục đích phát triển du lịch, sinh thái kết nối Đà Nẵng với Hội An.

Nhấn mạnh về vai trò của công nghiệp trong quá trình phát triển của Điện Bàn, PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, công nghiệp là hướng đi thích hợp của Điện Bàn trong mối quan hệ với Đà Nẵng và Hội An vì đây là những TP du lịch - dịch vụ, nên hướng đi ấy sẽ giúp các địa phương liên kết phát triển tốt và sẽ giải quyết hiệu quả cho nguồn lao động nông thôn rất dồi dào của Điện Bàn hiện nay.

Trong bài phát biểu, “phát triển khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc theo hướng công nghiệp sinh thái”, đồng chí Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng chia sẻ: Điện Bàn đã đặt trọng tâm phát triển KCN Điện Nam-Điện Ngọc tại khu vực phía Bắc huyện liên kết với TP Đà Nẵng phát triển theo hướng công nghiệp nhằm phát huy lợi thế về kết nối với cơ sở hạ tầng quốc gia và vùng (trục QL1A, trục ven biển Đà Nẵng-Điện Bàn-Hội An) thì phát triển theo định hướng công nghiệp sinh thái là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, không chỉ đơn thuần là phát triển công nghiệp, KCN này còn phải gắn với sự phát triển của đô thị du lịch biển được liên kết trực tiếp với trục ven biển tại các trung tâm du lịch biển được liên kết trực tiếp với trục ven biển cộng đồng như bãi tắm Viễn Đông-Điện Ngọc và bãi tắm Hà My.

Định hướng liên kết phát triển bền vững để tạo dựng một “tam giác đô thị năng động” Điện Bàn - Đà Nẵng - Hội An chỉ mới bắt đầu. Hiệu quả của sự liên kết có được sự khởi sắc hay không vẫn còn là “bài toán” thiếu nhiều lời giải, cần có nhiều thể chế, cơ chế từ các cấp ngành Trung ương đến địa phương cho Điện Bàn cùng những cái bắt tay chiến lược của các đô thị láng giềng như Đà Nẵng, Hội An...

Công Hạnh – Anh Tuấn