Tìm lại nét văn hóa rượu cần
(Cadn.com.vn) - Từ mấy chục năm trước, thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) từng nổi tiếng với nghề nấu rượu cần truyền thống của người dân tộc Cơ Tu. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân mà nét văn hóa nấu rượu cần của dân tộc bị mai một. Những tưởng nghề nấu rượu cần sẽ không còn tồn tại nữa...
Rượu cần Phú Túc vừa là một nét văn hóa vừa là một nghề để phát triển kinh tế của người Cơ Tu. |
Giờ đây, khi về lại Phú Túc lại dễ dàng nhìn thấy những tấm bảng hiệu nhỏ đề chữ “điểm bán rượu cần Phú Túc”. Gặp những người gắn bó hàng chục năm với nghề nấu rượu cần, chúng tôi mới biết họ đã âm thầm nỗ lực gầy dựng lại thương hiệu rượu cần Phú Túc trong quá khứ. Ngôi làng nhỏ chỉ lưa thưa những mái nhà cấp 4 nằm gọn lỏn dưới chân núi là nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu ở vùng ngoại ô TP Đà Nẵng. Từ nhiều năm nay, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, người dân Cơ Tu đã đi lên từ nghèo khó, cuộc sống bớt khó khăn hơn. Vậy mà, nét văn hóa nấu rượu cần truyền thống trong quá khứ suýt nữa mãi không còn.
Ông Lê Đỗ (58 tuổi) là một trong những người gầy dựng lại nghề truyền thống nấu rượu cần đầu tiên của làng. Thời bé ông từng phụ giúp gia đình làm men rượu nên khá am hiểu quy trình sản xuất một hũ rượu cần đúng cách. Đến nay, làng Phú Túc mới chỉ có 8 gia đình phục hồi lại nghề nấu rượu cần truyền thống và ông Lê Đỗ là người có nhiều kinh nghiệm nhất. “Ngày trước ở làng này, nhà nào cũng có vài ché rượu cần để trong nhà để sử dụng trong những dịp cúng bái, hiếu hỉ. Ngày lễ hội cơm mới, người dân tộc Cơ Tu chúng tôi lại quây quần tại nhà Gươl cùng nhâm nhi ché rượu cần và kể cho nhau nghe chuyện đồng áng, mùa màng. Có thể nói rằng rượu cần là nét văn hóa không thể thiếu thời bấy giờ. Nếu bây giờ mình không làm thì sau này con cháu mình sẽ không còn nhớ đến và tự làm được một ché rượu cần của dân tộc mình nữa”-ông Đỗ tâm sự.
Theo ông Đỗ, rượu cần chỉ nấu vào mùa hè uống mới ngon, nấu vào mùa đông rượu rất dễ bị chua và khó lên men. “Men sản xuất ngoài thị trường không thể chất lượng bằng men mình tạo ra từ củ riềng và bột gạo. Tuy quy trình sản xuất lâu một chút nhưng men làm thủ công sẽ làm cho ché rượu có độ nồng và mang hương vị đặc trưng hơn”-ông Đỗ nói.
Ông Lê Đỗ với những ché rượu cần do mình tự tay làm nên sau bao nhiêu năm gián đoạn. |
Những ngày này, con đường nhỏ dẫn vào làng Phú Túc nhộn nhịp hẳn lên bởi những bạn hàng từ trong và ngoài thành phố tìm đến mua rượu cần thưởng thức. Nghề truyền thống nấu rượu cần tưởng như bị mai một đang dần tìm lại thời hoàng kim trong quá khứ. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết chính quyền rất quan tâm, hỗ trợ và khuyến khích người dân phục dựng lại nghề nấu rượu cần bởi vì đây vừa là một nét văn hóa dân tộc cần được lưu giữ và cũng là nguồn để phát triển kinh tế cho địa phương. “Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập một hợp tác xã nấu rượu cần để người dân có thể mở rộng sản xuất và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của nhau”- ông Hải nói.
Bài, ảnh: Vĩnh Hàn