Tìm lời giải cho công nghiệp Đà Nẵng (Bài 1: Đi trước về sau)

Thứ năm, 25/10/2018 13:34

Sau khi chia tách tỉnh ngành công nghiệp Đà Nẵng (CNĐN) phát triển mạnh mẽ, có tiếng tăm cả nước, nhưng càng về sau càng sụt giảm, bị các địa phương trong vùng bỏ lại phía sau. Hiện nay sự sụt giảm đã đến mức báo động, CNĐN cần có động lực mới, chiến lược mới để bứt phá.

Lãng phí hạ tầng trong KCN khi diện tích được dùng làm kho bãi thay vì sản xuất.   (Ảnh chụp tại KCN Hòa Cầm)

Ngày càng sụt giảm

CNĐN phát triển khá sớm so với các địa phương trong vùng, song càng ngày càng tụt hậu so với các địa phương và so với chính mình. Nói như Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thì TP gần như thất bại về công nghiệp. Ông Thơ kể, sau khi chia tách tỉnh vào năm 1997, CNĐN phát triển nhanh, chiếm hơn 50% tỷ trọng cơ cấu kinh tế nhờ đầu tư hàng loạt KCN như Hòa Khánh, Thọ Quang, Hòa Cầm (giai đoạn 1). Cũng nhờ công nghiệp đã góp phần giúp GRDP của TP tăng trên 11%. Tuy vậy, những năm gần đây, TP đã chứng kiến sự thụt lùi của ngành công nghiệp. Trong 9 tháng qua, chỉ số phát triển CNĐN ước tăng 8,2% (kế hoạch là 9%). Việc tăng trưởng thấp hơn so với các năm gần đây được lý giải do sự sụt giảm của một số phân ngành chủ yếu như dệt giảm hơn 17%, giày dép giảm hơn 13%, sắt thép giảm gần 9%, VLXD phi kim loại giảm 7,5%... Đây là các phân ngành gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ kém thuận lợi, nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu hụt lao động, 2 nhà máy thép dừng hoạt động. Trong khi đó, TP vẫn chưa thu hút được những dự án công nghiệp với quy mô lớn. Nếu so sánh với một số địa phương trong khu vực như Quảng Nam có Trường Hải, Khánh Hòa có Khatoco, Quảng Ngãi có lọc dầu Dung Quất, rõ ràng Đà Nẵng thiếu những “quả đấm thép” về kinh tế. Sự hiện diện của những tập đoàn lớn không chỉ tạo thương hiệu sản phẩm cho địa phương, mà còn đóng góp lớn vào qui mô công nghiệp, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm... Đơn cử như Trường Hải tại Quảng Nam doanh thu năm 2017 gần 50 ngàn tỷ đồng, mục tiêu năm 2018 trên 80 ngàn tỷ đồng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế địa phương. 

Rõ ràng CNĐN không chỉ sụt giảm so với các địa phương khác trong vùng mà so với chính mình.  Ông Trần Phước Sơn- Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng lý giải, do không tập trung phát triển các ngành thâm dụng lao động mà hướng vào các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, các dự án sạch, không gây ô nhiễm môi trường nên tốc độ phát triển CNĐN chậm. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 ước tăng 7-8%, chưa đạt kế hoạch theo Nghị quyết là từ 10,5-11,5%. Tỷ trọng các ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ và tốc độ tăng năng suất lao động cao như công nghiệp CNTT, CNC còn hạn chế. Cũng theo ông Sơn, do cơ cấu DN của TP đa phần là DN nhỏ (hơn 76%), hạn chế về năng lực tài chính, trình độ quản trị, trình độ công nghệ ở mức trung bình nên sức cạnh tranh yếu, TP cũng chưa thu hút được các tập đoàn lớn, những nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Số liệu cho thấy, các DN sản xuất lớn qui mô trên 100 tỷ đồng và  DN kinh doanh trên 50 tỷ đồng ở Đà Nẵng chỉ chiếm 3,3%. Nếu tính DN qui mô vốn trên 200 tỷ đồng thì chỉ chiếm 1,4%, tức khoảng 158 DN.

Cơ cấu lại các KCN

Nhìn vào thực trạng các KCN ở Đà Nẵng sẽ thấy được bức tranh phát triển CN của TP. Trong 9 tháng qua, TP thu hút được 21 dự án đầu tư vào các KCN, tổng vốn hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, và 7 dự án đầu tư vào Khu CNC tổng vốn 204 triệu USD. Như vậy, đến nay, TP đã thu hút được 473 dự án vào các KCN, tổng vốn hơn 41 ngàn tỷ đồng và 15 dự án đầu tư vào Khu CNC tổng vốn 390 triệu USD. Nếu so sánh tổng số vốn đầu tư của 6 KCN Đà Nẵng và 1 Khu CNC thì vẫn chưa bằng nửa Khu kinh tế mở Chu Lai của Quảng Nam (tổng vốn hơn 86 ngàn tỷ đồng). Rõ ràng qui mô công nghiệp của Đà Nẵng kém xa sự bứt phá của các địa phương lân cận. Chưa kể, nếu nhìn vào nội tại các KCN ở Đà Nẵng hiện đang bộc lộ nhiều bất cập, muốn phát triển cũng rất khó.

Những bất cập của các KCN Đà Nẵng có thể chỉ ra như phần lớn dự án qui mô nhỏ, gia công, lắp ráp, tác động chuyển giao công nghệ nguồn chưa cao, ít dự án công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng trong các KCN được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ nhất là giao thông nội bộ; khoảng cách cách ly với khu dân cư chưa phù hợp; các KCN chỉ tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa quan tâm nhiều đến cảnh quan, hạ tầng xã hội; diện tích sản xuất ít mà dành cho thuê kho bãi còn nhiều...

Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, phải rà soát, sắp xếp lại các DN trong KCN theo hướng chú trọng chất lượng. Do quỹ đất TP còn ít, việc mở thêm các KCN mới gặp nhiều khó khăn vì chi phí đền bù giải tỏa cao, do đó phải nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong các KCN sẵn có. Nếu đất trong KCN không dùng xản xuất, dùng làm kho bãi nhiều sẽ rất lãng phí, vì chi phí đầu tư hạ tầng để sản xuất tốn kém rất nhiều so với đầu tư làm kho bãi. Đặc biệt tại KCN Hòa Khánh, theo ông Thơ phải cơ cấu lại. Nhiều DN sản xuất không còn phù hợp như nấu luyện cán thép hay sản xuất giấy từ thời trung cổ cần chấm dứt, thời gian thuê đất cũng sắp hết rồi. Đất trong KCN cần được cơ cấu lại dành cho các DN sản xuất ngành nghề, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Tuy vậy đó vẫn là các giải pháp tạm thời khó tạo ra sự vượt trội về công nghiệp so với các địa phương lân cận. Vậy đâu là lời giải cho bài toán phát triển CNĐN trong bối cảnh hiện nay?

(còn nữa)

HẢI QUỲNH