Tìm lời giải cho giao thông đô thị
Phương tiện giao thông phát triển quá “nóng” so với hạ tầng đã tạo ra áp lực rất lớn với đô thị Đà Nẵng. Giải pháp nào để gỡ bỏ áp lực này đang là bài toán khó, được nêu ra tại nghị trường kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng hôm 10-7.
Điểm ùn tắc giao thông tại đầu cầu Hòa Xuân. |
Phát triển quá “nóng”
ĐB Phùng Phú Phong cho biết, xu hướng ùn tắc giao thông tại Đà Nẵng không chỉ ở trung tâm mà đang có xu hướng mở rộng ra ngoại ô. Ùn tắc giao thông gây ra nhiều hệ lụy, suy giảm chất lượng sống, kìm hãm tốc độ phát triển của TP. Nguyên nhân ùn tắc theo ĐB Phong do gia tăng nhanh chóng phương tiện giao thông, nhất là mô-tô. Hiện TP có 2.342 tuyến đường với tổng chiều dài gần 1.400km nhưng có hơn 84 ngàn ô-tô, hơn 912 ngàn xe máy, 8 ngàn xe điện, 1.700 taxi. Trung bình mỗi tháng TP có gần 1.000 ô-tô, 4.000 xe máy đăng ký mới. Ngược lại, hệ thống hạ tầng không phát triển kịp. Khu vực trung tâm không thể mở rộng được, các đường lại hầu hết nhỏ hơn 10,5m, giao nhau đồng mức, khoảng cách giao nhau ngắn, nhiều kiệt. Đáng lo, một số khu đô thị mới, hệ thống giao thông vẫn lặp lại như đô thị trung tâm. Bên cạnh phương tiện, ĐB Phong cũng cho biết, việc gia tăng khách du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch ở khu vực trung tâm như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ trong khi hệ thống giao thông tĩnh của TP chưa được đầu tư cũng tạo áp lực ùn tắc lớn. Thực tế này khiến ô-tô đậu đỗ tràn lan trên các tuyến đường, kiệt hẻm, làm suy giảm năng lực lưu thông của các tuyến đường.
Theo ĐB Phong, đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu sở hữu ô-tô là chính đáng, tuy nhiên điều kiện kèm theo để sở hữu ô-tô thì TP chưa có qui định chặt chẽ. Hầu như vấn đề sở hữu ô-tô và đậu đỗ trên đường đang gây nhiều bất cập, nhất là tại các chung cư cao tầng ở trung tâm nhưng không được qui hoạch bãi đỗ ô-tô. Chưa kể, hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt xe buýt đang phát triển, mạng lưới chưa đồng bộ, hiện chỉ chiếm tỷ phần 2% (12 tuyến, 166 xe). Khu vực nhà chờ xe, trạm dừng xe buýt, lối đi bộ trên vỉa hè để tiếp cận các trạm xe buýt bất cập, làm hạn chế sự tham gia của người dân. Đã thế, ý thức của người tham gia giao thông chưa cải thiện, một số hộ dân đem vật cản ra đường đặt, không cho đậu đỗ xe trước nhà, khiến tình trạng ùn tắc càng nặng.
Số liệu Sở GTVT cho biết, dự kiến đến năm 2020, Đà Nẵng có trên 110 ngàn ô-tô, trên 1 triệu xe máy, chưa kể lượng xe ngoại tỉnh vào TP khoảng 21%. Trong khi mạng lưới giao thông công cộng chưa phát triển, hạ tầng không theo kịp, áp lực ùn tắc giao thông đặt gánh nặng rất lớn lên đô thị Đà Nẵng.
Liệu pháp chưa đủ mạnh
Mặc dù TP đã triển khai nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông như phân luồng tuyến, làm hầm chui, cấm đậu đỗ, cải tạo các nút giao... song tình trạng này vẫn chưa được cải thiện rõ nét tại khu vực trung tâm, ven biển. Việc cấm xe trên các tuyến đường chính thì ô-tô đậu đỗ tràn lan trên các tuyến phố nhỏ; cấm các loại xe tải trên tuyến đường Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn vào giờ cao điểm thì sau giờ cấm lưu lượng xe tăng đột biến, phóng nhanh, vượt ẩu; tình trạng xe chở khách du lịch, xe tải đậu đỗ lộn xộn gây mất an ninh trật tự trong khu dân cư gây nhiều bức xúc... Theo ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng, tình trạng đậu đỗ ô-tô tràn lan, gây ùn tắc giao thông có nguyên nhân từ việc thiếu các bãi đỗ xe công cộng, tiến độ triển khai các bãi đỗ xe này rất chậm. Đến nay, TP mới chỉ đầu tư xây dựng được bãi đỗ xe tại vị trí 255- Phan Châu Trinh, 18 vị trí đậu đỗ xe còn lại đang kêu gọi xã hội hóa. Tuy vậy cơ chế ưu đãi phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư tham gia thì chưa xây dựng; quá trình lấy ý kiến cộng đồng về các bãi xe công cộng vẫn còn nhiều bất cập. Ngoài ra, trong năm 2017 và 2018, TP đầu tư xây dựng được 25 vịnh dừng, đỗ xe, tuy nhiên lại phát sinh tình trạng một số hộ dân thiếu ý thức chiếm dụng các vịnh đỗ xe để làm bãi đỗ xe cá nhân, nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ khắc phục.
Để giảm ùn tắc, 2 năm trước TP triển khai đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, điều tiết hợp lý các phương tiên vận tải vào trung tâm. Đây là giải pháp căn cơ, nhưng kết quả thực hiện chưa như kỳ vọng do vướng nhiều khó khăn, từ quĩ đất xây bãi đỗ xe đến việc giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng. Theo ĐB Phong, giải pháp cần kíp hiện nay là rà soát, đánh giá lại nhu cầu sử dụng đất, dự kiến các loại hình giao thông đô thị trong tương lai, lồng ghép, bổ sung vào nội dung điều chỉnh quy hoạch chung đang được thực hiện. Kế tiếp, cần có chính sách ưu đãi để huy động tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông đô thị và phát triển phương tiện giao thông công cộng. Trước mắt là hoàn thiện hệ thống xe buýt đúng tiến độ, đồng thời hạn chế phương tiện cá nhân theo hướng không cấm nhưng muốn sở hữu phải có điều kiện đi kèm.
Với các giải pháp đó, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ từng bước gỡ được áp lực từ bài toán giao thông đô thị đang đặt ra.
H.QUỲNH - K.THANH