Tìm phương án nâng cấp: Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Thứ sáu, 18/07/2014 09:30

(Cadn.com.vn) - Năm 2015, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) sẽ tròn 100 tuổi. Đây là một trong số ít bảo tàng ra đời sớm nhất ở Việt Nam và thu hút khách tham quan nhiều nhất. Nhưng sau một thế kỷ, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang đối mặt với vô số vấn đề, giữa việc bảo tồn và phát triển. Vấn đề này đã được đặt ra tại Hội thảo Phương án cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm được Sở VH -TT&DL TP Đà Nẵng tổ chức ngày 17-7.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng với kiến trúc độc đáo.

Chiếc áo chật

(Cadn.com.vn) - Được xây dựng vào năm 1915, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi trưng bày những sưu tập tác phẩm nghệ thuật điêu khắc lớn nhất thế giới của Vương quốc Chămpa cổ. Không chỉ vậy, kiến trúc của bảo tàng được đánh giá là không gian kiến trúc đẹp nhất ở Việt Nam khi được phối hợp những đặc trưng kiến trúc tháp Chămpa và các chi tiết kiến trúc thuộc địa của Pháp. Nhưng qua thời gian, Bảo tàng  Điêu khắc Chăm đã không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ông Võ Văn Thắng-Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, hiện bảo tàng đối mặt với nhiều vấn đề cần xử lý.

Khi mà bảo tàng được xây dựng trong nhiều thời kỳ khác nhau trong gần 100 năm qua, bắt đầu từ năm 1915, đến những lần mở rộng những năm 1930, 1970 và năm 2000 nên kết cấu thiếu đồng bộ, hư hỏng, mái thấm dột, tường ẩm mốc.  Tình trạng mở rộng, chắp nối kiến trúc qua các thời kỳ không chỉ gây khó khăn cho việc thiết lập lộ trình tham quan hợp lý cho du khách, mà còn không đáp ứng được yêu cầu về bảo quản, bảo vệ hiện vật. Mặt bằng kiến trúc bảo tàng không đáp ứng được yêu cầu về không gian trưng bày.

"Nhìn chung, với trần, nền cao thấp khác nhau của Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tạo sự kết nối thiếu mạch lạch giữa các không gian trưng bày. Diện tích Bảo tàng cũng thiếu để bố trí một số chức năng hoạt động theo yêu cầu. Việc mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển thường xuất hiện trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế nói chung. Riêng với Bảo tàng Điêu khắc Chăm thì mâu thuẫn giữa yêu cầu giữ lại kiến trúc cũ và việc mở rộng không gian để đáp ứng yêu cầu phát triển là bài toán khó giải"- ông Thắng nhìn nhận.

Quả thật, với kiến trúc chắp vá và nhỏ hẹp như hiện nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm khó phát triển để đáp ứng nhu cầu tham quan của hơn 200 nghìn lượt khách mỗi năm.

Hàng năm có hơn 200 nghìn lượt khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Phương án nào?

PGS Nguyễn Văn Huy-Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giá trị văn hóa cho rằng, đây là việc làm khó và nhạy cảm. "Công trình kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm bản thân nó là một di tích lịch sử văn hóa, có giá trị lịch sử, kiến trúc cảnh quan. Nó là một di sản độc nhất vô nhị của đất nước. Cải tạo và nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm làm sao để đừng phá vỡ biểu tượng hay biến mất biểu tượng văn hóa này, đó là thách thức lớn"-ông Huy nói. Có 3 phương án được đưa ra để cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Một là tìm địa điểm khác để xây mới tòa nhà Bảo tàng làm cơ sở 2 của Bảo tàng Điêu khắc Chăm hoặc chuyển đổi công năng của Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện nay thành bảo tàng khác. Hai là giữ nguyên kiến trúc hiện nay, chỉ đầu tư sửa chữa, chống thấm dột, cải tạo nội thất trưng bày. Ba là giữ lại tòa nhà cũ xây dựng trước năm 1975 để bảo quản như một di sản kiến trúc, cải tạo tòa nhà sau để tăng thêm diện tích sử dụng, khắc phục những hư hỏng hiện nay của tòa nhà... Các đại biểu tham dự hội thảo phần lớn đều nghiêng về phương án thứ ba, nhưng  nhấn mạnh cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, không vội vàng.

Ông Huy nói: "Bảo tàng Điêu khắc Chăm có bộ sưu tập cực kỳ quý hiếm, hiện chỉ có 3 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia nhưng các hiện vật được lưu giữ tại đây đều là những báu vật ở tầm quốc gia. Tôi cho rằng việc cải tạo và nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm phải gắn với quá trình nhìn nhận Bảo tàng như là một bảo tàng quốc gia, bởi sự độc đáo, quý hiếm của Bảo tàng Điêu khắc Chăm xứng đáng được như thế. Chúng ta không vì kỷ niệm 100 năm ngày xây dựng bảo tàng mà vội vàng cải tạo, nâng cấp. Tôi cho rằng phương án cải tạo, nâng cấp phải dựa vào những mong muốn về nội dung trưng bày trong tương lai. Những phần trưng bày nào giữ nguyên, phần nào làm mới lại, sự kết nối giữa phần cũ và mới như thế nào?... Rất nhiều vấn đề cần phải được làm rõ".

Dẫn những kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về cải tạo bảo tàng, ông Nguyễn Hải Ninh-Phó Trưởng phòng quản lý bảo tàng (Cục Di sản văn hóa) cho rằng cần phải hiểu rõ nhu cầu, nội dung trưng bày trước khi bắt tay vào cải tạo, nâng cấp. "Cần phải có sự tham gia của kiến trúc sư, họa sĩ thiết kế và kể cả khách tham quan để cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Tránh tình trạng xây dựng đồ sộ, tốn kém nhưng lại thiếu những yếu tố cơ bản"-ông Ninh nói.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần sự hợp tác quốc tế ngay từ ban đầu trong việc cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Được biết trước những khó khăn của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng đã có ý tưởng sẽ tổ chức một cuộc thi phương án kiến trúc nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia không dễ gì giải được bài toàn bảo tồn và phát triển Bảo tàng Điêu khắc Chăm trong một sớm một chiều mà phải nghiên cứu nghiêm cẩn, bởi Bảo tàng Điêu khắc Chăm là di sản độc đáo của quốc gia, là biểu tượng của Đà Nẵng.

Hoàng Anh

* Ngày 17-7, UBND tỉnh Quảng Nam có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Việt làm Trưởng Đoàn về việc hiến tặng hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Mẹ Việt Nam anh hùng. Qua trao đổi, thống nhất, tỉnh Thanh Hóa cho biết sẽ tặng cho tỉnh Quảng Nam 2 lư hương bằng chất liệu đá Thanh Hóa được trang trí chạm khắc theo họa tiết kiến trúc thời  nhà Lê; 1 phiên bản trống đồng Đông Sơn  để trưng bày tại nơi không gian trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh nằm trong Bảo tàng. Hai bên cũng đã thống nhất về thời gian trao tặng, số lượng các hiện vật và cây trồng... phục vụ cho việc trưng bày tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, đảm bảo trước thời điểm khánh thành công trình.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh cho biết, tỉnh sẽ chọn một con đường mang tên Thanh Hóa tại Quảng Nam.

Đ.P