Tín dụng đen bủa vây hàng trăm phụ nữ nghèo

Thứ hai, 22/04/2019 14:00

Thượng tá Nguyễn Phước Tốt - Phó trưởng CAQ Liên Chiểu (Đà Nẵng) ngày 19-4 cho biết, CQĐT CAQ Liên Chiểu đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng gồm: Nguyễn Trung Đức và Nguyễn Trung Công (1988, cùng quê Hải Phòng) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Liên quan đến vụ án, CQĐT còn xác định nhiều đối tượng khác hỗ trợ cho Đức và Công tham gia hoạt động cho vay lãi trên địa bàn Q. Liên Chiểu và các quận huyện khác của TP.

Đức và các đối tượng trong vụ án. 

“Săn” cầu vay vốn...

Theo Thượng tá Tốt, thời gian khoảng giữa tháng 6-2018, Đức và Công cùng với 4 “đệ tử” là Mai Văn Tùng (1982), Trần Văn Nam (1994), Đào Hồng Quân (1990), Đinh Quang Hoàn (1990) từ Hải Phòng vào Đà Nẵng tổ chức hoạt động “tín dụng đen”. Chúng thường xuyên “săn” những người cần vốn kinh doanh buôn bán nhỏ để cho vay lấy lãi cao. Để bắt đầu phi vụ làm ăn, chúng thuê nhóm đàn em “ra quân” dán quảng cáo tờ rơi, card visit khắp thành phố để thu hút, lôi kéo người có nhu cầu. Về thủ tục, chúng quảng cáo rất nhanh gọn, không cần thế chấp (chỉ cần hộ khẩu, CMND). Điều đáng nói là, tuy quảng cáo rộng rãi, xong đối tượng chúng nhắm đến đều là phụ nữ nghèo đơn thân, đang một mình nuôi con nhỏ, cần vốn làm ăn, buôn bán, bởi những người này nếu trốn nợ, chây ì trả nợ chúng sẽ dễ bề dùng chiêu bài đe dọa. Mang tiếng thủ tục đơn giản, nhưng để hoàn tất một hồ sơ cho vay, nhóm đối tượng thường cử 1-2 người đến tận nhà cần vay tiền xác minh, xem nhà cửa một cách rất kỹ lưỡng mới “giải ngân”.

Sau khi rà soát những người vay vốn, Công đã “giải ngân” cho hàng chục người với mức vay từ 5-10 triệu đồng/người với lãi suất từ 15-25%/tháng. Chi tiền xong, Công giao việc cho các “đệ tử’ theo dõi khâu thu hồi gốc và lãi, mỗi ngày 200.000 đồng/người, hoặc chúng đến tận nhà người vay thu, hoặc người vay tự mang tiền đến nơi chúng thuê trọ tại đường Nguyễn Xí, P. Hòa Minh. Thời gian đầu, cũng đã có những người khó khăn, bê trễ ngày góp, lập tức chúng dùng chiêu đe dọa, khiến người vay bằng mọi cách phải góp tiền đều.

Không để nhóm đối tượng manh nha hoạt động, cuối tháng 8-2018, sau khi xác định rõ hoạt động của chúng, đội Cảnh sát điều tra về Tệ nạn xã hội, đội CS hình sự CAQ Liên Chiểu phối hợp với Phòng CS hình sự CATP đã ập vào nơi các đối tượng thuê trọ lúc nửa đêm tiến hành kiểm tra hành chính, thu giữ nhiều tang vật như máy tính, sổ theo dõi cho vay lãi. Thời điểm kiểm tra, các đối tượng tìm đủ mọi cách đối phó, không thừa nhận hành vi, vì cho rằng những cuốn sổ ghi chép thể hiện người vay nợ, số tiền vay không phải của mình, mà là của một người ở cùng phòng nhưng đã về Hải Phòng từ lâu. Đối phó với trinh sát, cả chiếc máy tính chứa dữ liệu, địa chỉ, tên tuổi người vay vốn chúng cũng khóa mật mã, nhất quyết không chịu mở theo yêu cầu của cơ quan CA...

Sổ ghi chép cho vay các đối tượng sử dụng để lưu người và số tiền cho vay.

Cần sửa luật, tăng hình phạt để chế tài

Theo các trinh sát, do sự không thành khẩn, quanh co chối tội của các đối tượng đã tạo ra không ít khó khăn cho cơ quan điều tra. Cuối tháng 10-2018, xét thấy thời hạn xác minh nguồn tin đã hết, Cơ quan CSĐT đã đề nghị gia hạn thời hạn xác minh đối với vụ việc trên đến ngày 30-12-2018 và được Viện kiểm sát nhân dân Q. Liên Chiểu đồng ý. Bằng các biện pháp nghiệp vụ cùng tang chứng thu thập được, kể cả những nạn nhân trong vụ án, đầu năm 2019, Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trung Đức và Nguyễn Trung Công về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, phối hợp với chính quyền địa phương áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú. VKSND Q. Liên Chiểu cũng đã phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can. 

Tiếp tục đấu tranh với các đối tượng, đến đầu tháng 4-2019, cơ quan CA xác định, nhóm này đã cho tổng cộng 258 người nghèo vay vốn (đa phần là phụ nữ đơn thân, trong đó người vay thấp nhất là 3 triệu đồng, nhiều nhất là 150 triệu đồng. “Số tiền chúng cho vay nhiều rất ít, mà hầu hết là từ 5-10 triệu đồng. Dù số lượng người vay lớn, xong quá trình triệu tập, đến nay mới chỉ có 32 người trình báo. Trong số đó, có 31 người đã trả lãi cao cho Đức và Công với tổng cộng 83,2 triệu đồng. Nếu căn cứ vào Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất trong hoạt động vay tài sản thì xác định tổng số tiền lãi bất hợp pháp mà Đức và Công cùng đồng bọn hưởng của 31 người chúng cho vay lên đến 77.224.250 đồng” – một trình sát cho hay. Cơ quan CA cũng đã xác định rõ, hai đối tượng cầm đầu là Đức và Công là người trực tiếp đứng ra hoạt động cho vay lấy lãi từ ngày 14-6-2018 đến ngày 30-8-2018. Riêng Tùng, Nam, Hoàn và Quân là người làm thuê, được Đức và Công trả lương theo tháng.

Nói về vụ án này, các trinh sát đội CS hình sự CAQ cho rằng, trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng, dù Điều 201 BLHS 2015 đã có quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, xong khung hình phạt còn rất thấp, chưa đủ mức răn đe. Thực tế cho thấy, thông thường các vụ án cho vay nặng lãi chủ nợ thường thoát án, do người vay có tâm lý e sợ, không dám tố cáo. “Vướng mắc trong việc đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện tại là các quy định của pháp luật. Trước năm 2018, theo Bộ luật Hình sự cũ, gần như không có vụ cho vay nặng lãi nào có thể khởi tố được, vì luật quy định tình tiết luận tội phải có tính chất bóc lột, chuyên nghiệp và hàng loạt ràng buộc khác. Còn Bộ luật Hình sự mới quy định lãi suất khoảng 8,33%/tháng bị xem là có vi phạm và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì hình phạt là cải tạo không giam giữ. Thu lợi bất chính đến 100 triệu đồng thì hình phạt cao nhất là 3 năm tù nhưng không được tạm giam. Hình phạt để chế tài như vậy rất nhẹ, vì vậy rất khó để răn đe các đối tượng cho vay. Nên để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, trước hết Nhà nước nên nghiên cứu sửa luật, tăng hình phạt, như vậy mới có thể xử lý nghiêm các vi phạm này một cách căn cơ”, một trinh sát nói.

CÔNG HẠNH