"Tín dụng đen" len lỏi về nông thôn

Thứ tư, 08/08/2018 19:00

Khoảng đầu tháng 7-2018, dư luận tại khu vực Chánh Thạnh, P. Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn (Bình Định) xôn xao bàn tán việc bà N.T.T.T (trú khu vực Chánh Thạnh, chuyên cho vay trả góp) đưa một người tên H. về nhà đánh đập vì không có khả năng trả nợ. Được biết, H. vay của bà T. 7 triệu đồng dưới hình thức trả góp. Sau đó, H. trả góp dần được 5 triệu đồng thì không thể tiếp tục trả; do vậy, bà T. cho người "mời" tới nhà đánh đập, bắt ép ký giấy nợ lên đến 40 triệu đồng.

Những tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay trả góp xuất hiện nhan nhản ở nhiều nơi tại các vùng nông thôn Bình Định.

Nhiều người dân ở khu vực Chánh Thạnh, cho biết, bà T. là "trùm" cho vay trả góp, vay "nóng" tại đây; rất nhiều người vay tiền của bà T., sau đó không có khả năng trả nợ vì lãi suất quá cao, "lãi mẹ đẻ lãi con". Nhiều người không có tiền trả nợ bị bà T. hăm dọa, khủng bố tinh thần đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Thế nhưng, do là quan hệ dân sự, bên cho vay và bên vay có viết giấy nợ nên không thể xử lý.

Trên đây chỉ là một trường hợp cụ thể trong vòng xoáy mang tên "tín dụng đen" đã và đang len lỏi về các vùng quê trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hoạt động "tín dụng đen" dưới hình thức vay trả góp, vay "nóng" như chiếc vòi bạch tuột vươn ra khắp nơi; chực chờ "bẫy" những người nhẹ dạ cả tin hay những người vì điều kiện kinh tế khó khăn, bệnh tật buộc phải tìm đến "tín dụng đen".

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, tại nhiều xã, thị trấn thuộc các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Hoài Nhơn (Bình Định) đều có loại hình "tín dụng đen" hoạt động chuyên nghiệp, mạnh mẽ. Trong đó, tại H. Hoài Nhơn, 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có dịch vụ "tín dụng đen". Có 4 nhóm với 17 đối tượng (đa số có hộ khẩu ở các tỉnh phía Bắc) đến tạm trú tại đây để hoạt động cho vay trái phép.

Dọc theo các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã; nhiều ngóc ngách tại các đường quê, ngõ xóm xuất hiện nhan nhản những tờ rơi, mẫu giấy quảng cáo cho vay trả góp với nội dung hấp dẫn như: thủ tục đơn giản; giải ngân trong ngày; không thế chấp; không phụ phí; cho vay đến 90% giá trị tài sản (xe máy). Người có nhu cầu vay chỉ cần có các loại giấy tờ như: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký xe máy chính chủ.

Ông Võ Văn Hùng, trú xã Ân Thạnh (H. Hoài Ân), cho biết: "Các tuyến đường tại thị trấn Tăng Bạt Hổ và dọc tuyến đường từ thị trấn Tăng Bạt Hổ đi An Lão có đầy các tờ rơi, mẫu quảng cáo hấp dẫn về dịch vụ cho vay trả góp; thậm chí, nhiều người làm trong nghề này còn tìm đến nhà người dân để tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay".

Với nội dung quảng cáo hấp dẫn, nhiều người cho rằng dịch vụ vay trả góp vừa nhanh gọn, vừa đơn giản bởi không cần thế chấp tài sản vẫn vay được tiền. Thế nhưng, sự thật không như vậy, bởi người vay thường chịu mức lãi suất cao, khó có thể trả hết nợ bởi "lãi mẹ đẻ lãi con".

Liên hệ với một số điện thoại trên tờ quảng cáo, chúng tôi được người cho vay tên Danh, tư vấn: Tham gia vay trả góp, người vay thường chịu lãi suất từ 10% - 15%/tháng hoặc có thể cao hơn tùy thuộc vào mức lãi do bên cho vay quy định. Tuy nhiên, trong hợp đồng, người cho vay sẽ ghi lãi suất không vượt quá 10 lần lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Việc hoàn trả vốn được tính thời hạn bằng tháng; trường hợp người vay không hoàn trả đúng thời hạn thì tiền lãi sẽ được cộng lũy kế vào tiền gốc để tính lãi phát sinh trong thời gian tiếp theo.

Theo luật sư Nguyễn Văn Triết, Văn phòng Luật sư Triết và cộng sự - thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Định: "Với cách tính lũy kế tiền lãi vào tiền gốc khi người vay không trả đúng hạn sẽ dẫn đến tình trạng "lãi mẹ đẻ lãi con"; số tiền gốc và lãi phải trả cao hơn nhiều lần so với tiền đã vay; người vay rất dễ rơi vào cảnh nợ chồng nợ. Do đó, mọi người cần cẩn trọng khi lựa chọn dịch vụ này; bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý đối với những người mượn danh cho vay trả góp, nhưng thực chất là cho vay nặng lãi".

Ông Cao Thanh Thương- Chủ tịch UBND H. Hoài Nhơn cho biết: Trước tình trạng "tín dụng đen" xảy ra rộng khắp trên địa bàn huyện, UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với các trường hợp cho vay trái phép. Ngoài ra, huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở cho vay không phép và có phép nhằm kiên quyết xử lý đối với hoạt động "tín dụng đen".

Một cán bộ Viện KSND tỉnh Bình Định cho rằng: Nguyên nhân để "tín dụng đen" len lỏi về nhiều nơi là do điều kiện vay vốn đơn giản, nhanh gọn; nhưng loại hình này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, tốt hơn hết, người dân có nhu cầu vay vốn nên tìm đến các ngân hàng, các tổ chức tín dụng dù điều kiện hơi khắt khe và phải có tài sản đảm bảo. Bởi khi vay tại những nơi này, người dân sẽ được hưởng lãi suất cho vay ổn định, đúng quy định.

DƯƠNG MINH