Tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ

Thứ tư, 24/10/2018 08:00

Thời gian gần đây, hoạt động cho vay nặng lãi đã xuất hiện tại tất cả các địa phương trong cả nước, từ thành thị đến vùng nông thôn hẻo lánh. Với thủ tục “đơn giản, có tiền liền”, không cần thế chấp, trả góp... nên nhiều người đã “sập bẫy”. Trót vay tiền của tín dụng đen với lãi suất cao, nhiều gia đình lâm cảnh tán gia, bại sản. Tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhiều băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi hoạt động dưới vỏ bọc các Cty đầu tư tài chính, dịch vụ cầm đồ... hoạt động rất kín kẽ. Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Quảng Nam đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm triệt phá, hạn chế các băng nhóm này hoạt động và mang lại những hiệu quả đáng kể.

Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, tại Quảng Nam hiện có hơn 10 Cty đầu tư tài chính, dịch vụ cầm đồ, cửa hàng mua bán, cho thuê xe máy... được cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh do các đối tượng có hộ khẩu thường trú các địa phương phía Bắc như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... làm chủ đang hoạt động. Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự (CSHS) CATX Điện Bàn (Quảng Nam), trao đổi: Hiện tại, trên địa bàn TX Điện Bàn có 3 Cty, cửa hàng được thành lập vào cuối năm 2017 hoạt động trên lĩnh vực mua bán, cho thuê xe máy nhưng thực chất là hoạt động theo hình thức tín dụng đen, với lãi suất từ 15%/tháng trở lên. Thủ đoạn của những cơ sở này là khi một người nào đó đến cầm cố tài sản, các đối tượng lập 2 loại hợp đồng, cụ thể: hợp đồng thứ nhất có nội dung cầm cố tài sản với lãi suất 8%/tháng và giao cho chủ tài sản giữ 1 bản; hợp đồng thứ hai có nội dung thuê lại tài sản có lãi suất 7% hoặc lớn hơn nhưng không giao cho người vay tiền giữ. Đến hạn thanh toán, người cầm cố tài sản phải thanh toán cả 2 hợp đồng với mức lãi 15% trở lên. Với lãi suất như vậy, nhiều người trót đã vay tiền của chúng chỉ còn cách bán nhà trả nợ hoặc bỏ đi khỏi địa phương. Ngoài ra, các đối tượng này dùng mọi thủ đoạn khủng bố về tinh thần, đe dọa đánh đập, hủy hoại tài sản... nên rất ít người bị hại tự đứng ra tố giác. Anh Nguyễn T., trú xã Điện Minh, (TX Điện Bàn), trình bày: Đang lúc túng thiếu nên nhớ lại nội dung của những tờ quảng cáo dán trên các cột điện, tôi điện thoại hỏi vay 50 triệu đồng với mức lãi 100.000 đồng/ngày. Có thời gian gặp khó khăn, không thanh toán đúng hạn đã bị đe dọa đánh đập, ném mắm tôm... và thông báo là tôi nợ quá hạn, bị tăng tiền lãi lên 200.000 đồng/ngày. Tính ra tôi chỉ vay 50 triệu mà sau 5 tháng phải trả cả gốc lẫn lãi với số tiền gần 100 triệu đồng. Tương tự, chị N.T.M - công nhân tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc vay 20 triệu đồng chữa bệnh cho con. Thanh toán mãi vẫn không hết vốn lẫn lãi nên liên tục bị bọn chúng chặn đường đe dọa, quá hoảng sợ chị M. đành bỏ việc, ôm con về quê.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những thủ đoạn đe dọa đánh đập, bắt giữ người trái pháp luật..., một thủ đoạn khác được các đối tượng sử dụng là thường xuyên “luân chuyển”. Mỗi đối tượng chỉ hoạt động tại địa bàn này một thời gian ngắn sẽ chuyển đến địa bàn khác. Theo Trung tá Mai Ba - Đội trưởng Đội CSHS CATP Hội An: Việc các đối tượng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động đã gây khó khăn cho cơ quan CA trong việc điều tra, xử lý đối tượng vi phạm. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, việc cấp giấy phép, quản lý hoạt động kinh doanh những công ty, cửa hiệu cầm đồ hiện nay của các cơ quan chức năng còn quá lỏng lẻo. Tại điều 9, Nghị định 96, ngày 1-7-2016 quy định về “an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ: Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh...”. Căn cứ vào quy định này, cho thấy những dối tượng có hộ khẩu ở các tỉnh phía Bắc không đủ điều kiện cấp giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại Quảng Nam. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, như Thuế, Quản lý thị trường không tiến hành kiểm tra, xem xét các đối tượng này kinh doanh đúng với mục đích hay không để có biện pháp xử lý và tất cả trông chờ vào lực lượng CA...

Trước vấn nạn tín dụng đen nấp bóng Cty đầu tư tài chính, cửa hiệu mua bán, cho thuê xe máy... tại Quảng Nam diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng xấu  đến tình hình ANTT tại nhiều địa phương... các cơ quan chức năng cần kiểm soát kỹ các thủ tục nhằm tránh việc đối tượng xấu lợi dụng, lập thủ tục cấp phép kinh doanh hợp pháp và tăng cường các biện pháp kiểm tra quá trình kinh doanh nhằm phát hiện, xử lý kịp thời hành vi cho vay nặng lãi như hiện nay.

M.T