Tín hiệu lạc quan cho Syria
(Cadn.com.vn) - Các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria sẽ được nối lại vào ngày 10-3 tới bất chấp việc phe đối lập vẫn chưa có quyết định sẽ tham gia hay không.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi lệnh ngừng bắn được thực thi từ hôm 27-2, một vòng đàm phán mới gián tiếp giữa chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad và phe đối lập được lên kế hoạch tổ chức.
Theo AFP, Đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria Staffan de Mistura đã xác nhận, các cuộc hòa đàm liên quan đến nội chiến Syria sẽ được nối lại vào ngày 10-3 tới tại Genève, Thụy Sĩ. “Một số phái đoàn dự kiến sẽ có mặt tại Genève trong ngày 9-3, trong khi một số khác có thể đến vào ngày 11 hoặc 14-3 vì các vấn đề liên quan đến nơi ở trong khách sạn”, ông Staffan de Mistura nói.
Người dân ở Hama, Syria nhận viện trợ nhân đạo của quân đội Nga. Ảnh: AP |
Vì vậy, theo ông, các cuộc họp trù bị sẽ được tiến hành trước khi diễn ra các cuộc đàm phán riêng rẽ giữa các bên. Ông Mistura cho biết thêm, tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria sẽ có 3 chặng. Thứ nhất là đàm phán về việc thành lập chính phủ mới; thứ hai là xây dựng bản hiến pháp mới và cuối cùng là tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống trong vòng 18 tháng. Theo ông, người dân Syria, chứ không phải các thế lực bên ngoài, mới là nhân tố quyết định số phận của ông Assad.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cho đến nay, phe đối lập vẫn chưa quyết định có tham gia bàn đàm phán lần này hay không. Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC), phe đối lập chủ chốt ở Syria, hôm 6-3 tuyên bố họ vẫn chưa quyết định liệu có tham gia vòng đàm phán lần này với chính quyền Damascus hay không. “Chúng tôi đang chờ đợi sự tiến bộ về vấn đề nhân đạo và tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn”, người phát ngôn HNC Monzer Makhous nói.
Vòng hòa đàm đầu tiên về tình hình Syria thất bại năm 2014, với điểm mấu chốt khó được các bên thống nhất là số phận của Tổng thống Assad. Cho đến nay, nhà lãnh đạo Syria vẫn kiên quyết không từ chức, bất chấp áp lực từ Mỹ và các đồng minh. Hiện nay, vấn đề này một lần nữa trở thành vật cản lớn trên con đường đi đến hòa bình cho Syria.
Liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu hiện vẫn kiên quyết đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức trước khi tính đến các tiến trình hòa bình tiếp theo cho Syria. “Tổng thống Assad phải ra đi để bắt đầu kỷ nguyên chuyển đổi”, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir nói với các phóng viên ở Paris, Pháp. Ngoại trưởng Saudi Arabia còn cho rằng, phe đối lập Syria “không thể đi đến đàm phán bằng tay không”. Trong khi đó, lãnh đạo HNC Riad Hijab khẳng định, hiện chưa đủ điều kiện cần và đủ để tổ chức các cuộc đàm phán, nhấn mạnh sự thiếu hụt viện trợ nhân đạo và vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Bàn đàm phán hòa bình, bắt đầu vào đầu tháng 2, đổ vỡ trong bối cảnh các bên tiếp tục mâu thuẫn về nhiều vấn đề. Một lệnh ngừng bắn, dù khá mong manh, được Nga-Mỹ làm trung gian với sự ủng hộ của HĐBA LHQ hiện bước vào tuần thứ hai, bất chấp những cáo buộc vi phạm. Trong đó, chính quyền Damascus cáo buộc, Thổ Nhĩ Kỳ đang phá hoại lệnh ngừng bắn ở nước này khi liên tục pháo kích các vị trí của lực lượng Các đơn vị Tự vệ Nhân dân người Kurd (YPG) gần tỉnh Al-Qamishli. Trong khi đó, Riyadh mới đây tuyên bố đang chuẩn bị cung cấp cho các nhóm nổi dậy Syria tên lửa phòng không và chống tăng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Riyadh có thể chỉ cảnh báo nhằm buộc Washington và Moscow phải coi trọng vị thế cũng như lợi ích của họ tại quốc gia Trung Đông.
Lệnh ngừng bắn ở Syria đang giúp nước này tạm nghỉ ngơi sau thời gian kiệt sức vì 5 năm chiến tranh. Và bàn đàm phán được lên kế hoạch vào ngày 10-3 tới là tín hiệu lạc quan cho thấy, nỗ lực của các bên đang dần đi đến cuối con đường.
Khả Anh