Tin tặc Triều Tiên đánh cắp kế hoạch chiến tranh của Mỹ - Hàn?
Các tin tặc Triều Tiên bị cáo buộc đánh cắp các tài liệu quân sự được phân loại từ cơ sở dữ liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vào tháng 9-2016. Số lượng tài liệu bị mất lên đến 235Gb, trong đó có cả kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.
Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-1B tập trận cùng Hàn Quốc gần Triều Tiên. Ảnh: Yonhap |
Ông Rhee Cheol-hee, nghị sĩ đảng Dân chủ cầm quyền cho biết, ông nhận được thông tin về vụ đánh cắp từ Bộ Quốc phòng hôm 10-10. Theo đó, các tin tặc Triều Tiên đột nhập Trung tâm Dữ liệu Tích hợp Quốc phòng Hàn Quốc và đánh cắp các tài liệu mật. Trong đó bao gồm kế hoạch tác chiến của Hàn Quốc và Mỹ, các bước đi "chặt chẽ" ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, các báo cáo đệ trình lên các chỉ huy cấp cao của liên minh Mỹ - Hàn, và thông tin về các cơ sở quân sự cũng như nhà máy điện quan trọng. Trong số này, 80% nội dung tài liệu chưa được phân loại.
Khi được hỏi về những tuyên bố của ông Rhee, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận, song cho biết các tài liệu này đã được phân loại. Lầu Năm Góc cũng từ chối bình luận cụ thể, song phát ngôn viên Robert Manning cho biết, Mỹ "tự tin về sự an toàn của kế hoạch hoạt động và khả năng đối phó của chúng tôi với bất kỳ mối đe dọa nào từ Triều Tiên". "Kế hoạch hoạt động mà họ đang đề cập đến là một kế hoạch song phương, do đó, liên minh Hàn-Mỹ vẫn kiên định cam kết đảm bảo rằng những thông tin này được bảo vệ và đảm bảo sự sẵn sàng chống lại bất kỳ mối đe dọa của Bình Nhưỡng trên bán đảo Triều Tiên", ông Manning tuyên bố.
Ông nói thêm: "Tôi không đề cập chi tiết về vụ việc này, nhưng tôi khẳng định, liên minh Hàn-Mỹ đảm bảo rằng các hoạt động và kế hoạch được bảo vệ an toàn".
Tấn công mạng lưới điện Mỹ
Trong báo cáo cùng ngày, Cty an ninh mạng Fire Eye cho biết, thời gian qua, các tin tặc có liên hệ với Triều Tiên nhắm mục tiêu vào các Cty điện năng của Mỹ bằng các thư điện tử lừa đảo.
FireEye cho biết, các thư điện tử này sử dụng lời mời giả từ một tổ chức gây quỹ, sau đó gửi tới hòm thư của các Cty điện tại Mỹ. Nạn nhân sau khi tải các thư mời này cũng đồng thời tải luôn phần mềm mã độc về hệ thống máy tính của mình. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy những nỗ lực tấn công mạng này thành công nhưng FireEye cho biết mục tiêu các Cty điện của Mỹ có thể liên quan tới căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên. Cựu lãnh đạo cơ quan chống do thám tại Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), ông C. Frank Figliuzz, nhận xét: "Đây là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có chuyên môn trong lĩnh vực xâm nhập mạng và họ đang phát triển năng lực để gây tổn hại tới chúng ta".
Báo cáo của FireEye được đưa ra giữa lúc nổi lên thông tin giới chức tình báo Mỹ đang ngày càng quan ngại Bình Nhưỡng sẽ đối phó với những áp lực gia tăng từ Mỹ bằng các vụ tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng của Mỹ. Tuy nhiên, quan chức an ninh cấp cao Scott Aaronson thuộc Viện Điện lực Edison (EEI) cho rằng, trường hợp tấn công nói trên không ảnh hưởng việc cung cấp năng lượng an toàn và đáng tin cậy, cũng như không tác động đến các cơ sở vận hành hoặc các hệ thống kiểm soát lưới điện ở Bắc Mỹ. Còn theo chuyên gia an ninh mạng Robert Lee, Triều Tiên và những đối thủ khác còn lâu mới có thể làm gián đoạn lưới điện của Mỹ.
Xem xét phương án đối phó
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10-10 (giờ Mỹ) đã có cuộc họp với các quan chức quốc phòng cấp cao để thảo luận về "một loạt phương án" trong việc xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết, Tổng thống Trump tiếp nhận báo cáo từ Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joe Dunford. "Cuộc thảo luận tập trung vào một loạt phương án để đối phó với bất kỳ động thái gây hấn nào từ Triều Tiên, hoặc nếu cần thiết có thể ngăn chặn Triều Tiên đe dọa Mỹ và các đồng minh bằng vũ khí hạt nhân", bà Sanders cho biết.
Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của quân đội Mỹ thông báo chiếc tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles mang tên USS Tucson của lực lượng này đã cập cảng Jinhae, phía đông nam Hàn Quốc. Trước đó, Mỹ cũng điều 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B từ đảo Guam đến tập trận giả định bắn tên lửa không đối đất cùng với 2 máy bay tiêm kích F-15K của Hàn Quốc trên vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.
AN BÌNH