Tính cộng đồng nhìn từ lễ hội Bà Chợ Được!

Thứ ba, 16/02/2016 08:50

(Cadn.com.vn) - Hằng năm, vào ngày 10 và11 tháng Giêng, dân làng Phước Ấm, xã Bình Triều, H. Thăng Bình (Quảng Nam) lại tưng bừng tổ chức một lễ hội rất độc đáo có từ hàng trăm năm trước. "Hằng năm mười một tháng Giêng; Chưng cộ, hát bộ đua thuyền tri ân", câu ca này được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân để nói về lễ hội Bà Chợ Được rất độc đáo. Điểm đặc biệt trong lễ hội này, đó là nhân dân địa phương cùng góp nguồn kinh phí với Nhà nước để tổ chức, và trực tiếp sáng tạo, tái hiện lại các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh. Cũng từ đó, mà mọi tách biệt xã hội giữa cá nhân ngày thường, dường như được xóa nhòa, con người cùng sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa của mình.

Năm 2015 vừa qua- tròn 40 năm ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, lễ hội Bà Chợ Được đã được chính quyền địa phương cùng nhân dân làng Phước Ấm xã Bình Triều tổ chức quy mô với nhiều hoạt động phong phú. Ngoài nội dung cho phần lễ, hầu như mọi việc làm còn lại đều tập trung cho những bàn Cộ- nơi được xem là điểm nhấn của lễ hội. "Trước khi lễ hội diễn ra gần một tháng, người dân trong làng đã họp bàn để chọn chủ đề cho bàn cộ. Khi đã có đề tài, dân làng bắt đầu phác thảo mô hình, bối cảnh, đạo cụ, phục trang cho bàn cộ và nhân vật. Năm 2015, hướng đến kỷ niệm ngày giải phóng quê hương, nên địa phương đã thống nhất xây dựng 5 bàn cộ theo chủ đề cụ thể. Ngoài những bàn Cộ xây dựng lại hình ảnh Vua Quang Trung đại phá Quân Thanh mùa xuân năm 1789; Hai Bà Trưng; nhân dân địa phương đã chuẩn bị thêm bàn Cộ khắc họa lại hình ảnh Bác Hồ dịch sử Đảng tại hang PắcPó, và tái hiện lại giây phút lịch sử chiếc xe tăng của quân giải phóng Miền Nam Việt Nam húc cổng Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Tưởng chừng như với khối lượng công việc ấy, sẽ không có đủ thời gian và nhân lực để hoàn thành. Ấy vậy mà khi địa phương phổ biến chủ trương, nhân dân trong làng Phước Ấm cũng như bà con trong toàn xã, đều đồng lòng hưởng ứng bằng những hành động thiết thực.

Người dân trong làng cùng góp công sức làm Cộ chuẩn bị cho lễ hội
diễn ra ngày 10 và 11 tháng Giêng.

Thời điểm trước trong và sau Tết, có lẽ là khoảng thời gian bận bịu nhất đối với người dân nơi đây. Vào thời điểm này trong những năm trước đây, những thanh niên của địa phương đa phần đều đã bắt đầu rời quê hương, xuôi ngược Nam Bắc để tìm công ăn việc làm. Thế nhưng sau Tết Nguyên đán này, mọi công chuyện tính toán làm ăn đã được gác lại để nhường chỗ cho việc may vá, cắt hình, và tạo dáng cho một con thuyền rồng, hay tìm nguyên liệu để trang trí cho từng bàn Cộ. Theo anh Hồ Viết Quê thôn Phước Ấm, dân làng bắt đầu triển khai những phần việc đó từ mồng 2 Tết. Tuy vất vả nhưng ai nấy đều vui với một niềm tin, đó là Bà sẽ mang lại sự may mắn cho gia đình và dân làng. Cũng theo lời anh Quê, khi bắt tay vào làm việc, mọi người tự phân công nhau nhiệm vụ để công việc được trôi chảy. Ví như để hoàn thành một bàn Cộ Hai Bà Trưng đánh quân Nam Hán, cần có sự góp công của cả dân làng. Ai làm nghề gì thì đảm nhiệm công đoạn đó. "Người làm nghề hớt tóc thì trang trí phần lông đuôi ngựa. Người làm nghề sơn thì đảm nhiệm phần sơn bối cảnh, người làm thợ máy chịu trách nhiệm phần điện, máy nổ; người làm thợ hàn thì lo hàn phần khung sắt, người làm thợ mộc thì lo đóng khung sườn... Sự phân công như thế này luôn mang lại hiệu quả cao, vừa phát huy được tính sáng tạo của mỗi người, qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng"- anh Quê cho biết.

Không chỉ dừng lại ở "phần cứng", mà tất cả những đạo cụ, phục trang cho những diễn viên nhí trên bàn Cộ, đều được người dân tự làm, từ áo mũ cho đến lọng che. Theo quan niệm của người dân nơi đây, tự tay mình làm thì mới có ý nghĩa, qua đó thể hiện sự sáng tạo và thể hiện lòng thành đối với Bà. Anh Trần Tấn Hưng ở thôn Phước Ấm cho hay: "Qua mỗi mùa lễ hội, dân làng chúng tôi không chỉ có thêm niềm tin vào sự hiển linh của Bà, mà qua đó, còn có tính giáo dục về tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua mỗi nhân vật được hóa trang trên bàn Cộ, mà Hai Bà Trưng là một minh chứng".

Không chỉ dừng lại ở việc chuẩn bị cho phần hội, phần lễ cúng Bà cũng đã được nhân dân trong làng chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện niềm tôn kính với một vị nữ thần đã bảo trợ, giúp đỡ dân làng, mang lại sự bình an và sung túc cho mọi người. Vào ngày 11 tháng Giêng, khi trời còn mờ sương, người dân trong làng sửa soạn lễ vật chính để làm lễ chính thức- còn gọi là lễ chánh tế tại lăng Bà. Ông Trần Văn Sơn- Trưởng Ban trị sự Lăng Bà cho biết. "Để chuẩn bị lễ tế, trước đó hàng tháng, dân làng chúng tôi đã bầu ra ban tế lễ gốm chánh tế và các chấp sự. Chánh tế là người có phẩm hạnh tốt và am hiểu về các nghi thức tế lễ để cúng Bà. Tất cả đều được dân trong làng chuẩn bị với sự trân trọng và trang nghiêm vốn có".  Dù đã vất vả trong những ngày trước, nhưng khi đến phần Rước Cộ, hầu như tất cả người dân trong làng, từ thanh niên cho đến cụ già, ai ai cũng muốn mình được trực tiếp tham gia kéo Cộ. Và đến tận đêm khuya, khi lễ rước Cộ kết thúc và khi người xem Cộ đã ra về, thì chính họ, lặng lẽ đưa những "đứa con tinh thần" của mình về lại an toàn.

Cuộc sống đời thường đã tiếp tục chảy ở những ngôi làng, còn mạch nguồn văn hóa truyền thống thì âm thầm chảy vào từng con người, từng thế hệ người, nên lễ hội vẫn còn và sẽ tiếp tục diễn ra khi mùa xuân vừa đến. Những thế hệ cứ tiếp nối nhau giữ gìn vốn quý của cha ông. Sau lễ hội Bà kết thúc, người dân nơi đây lại bắt đầu cho công việc của một năm mới. Người nông dân trở lại ruộng vườn, người chài lưới trở lại với sông Trường dù dư âm và không khí của lễ hội vẫn còn phản phất sau lũy tre làng. Họ bắt đầu một năm mới với những công việc thường ngày, để rồi vào mồng 10 và 11 tháng Giêng năm sau, người dân nơi đây lại tưng bừng tổ chức lễ hội rước Cộ bà với lòng thành kính và cầu mong cho cuộc sống an bình, hạnh phúc, nhắc nhở con cháu về truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Thành Châu