Tính pháp lý của biện pháp cấp “giấy đi đường” đảm bảo phòng chống dịch COVID-19
Gần đây, tại một số diễn đàn trên mạng Internet, đặt ra vấn đề tranh luận rằng liệu có vi hiến hay không khi chính quyền ban hành các quy định nghiêm khắc để phòng chống dịch COVID-19, rằng các biện pháp này “xâm phạm nghiêm trọng” các quyền công dân được Hiến pháp bảo vệ.
Đương nhiên, các tổ chức, cá nhân chống phá Việt Nam không bỏ qua cơ hội để viết bài “phân tích” mang tính kích động, thậm chí “bày vẽ” người dân cách đối phó các biện pháp phòng chống dịch với luận điệu tuyên truyền là “vi hiến” này. Vậy quy định của pháp luật của Việt Nam về vấn đề này như thế nào?
Tại Điều 23 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Nhưng cũng tại khoản 2, Điều 14 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Như vậy, nếu trong trường hợp cần thiết vì lý do sức khỏe cộng đồng thì quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế, nhưng phải theo qui định của luật. Ngày 21/11/2007, Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong đó quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người.
COVID-19 là một loại dịch bệnh truyền nhiễm. Do đó căn cứ Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, ngày 01/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng được thành lập.
Ngày 31/5/2021, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 có Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19”, trong đó quy định các giải pháp bắt buộc đối với 4 mức độ nguy cơ.
Ngày 06/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, tại khoản 1, Điều 1, Nghị quyết 86 quy định: “Về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Căn cứ Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn.”
Điểm b, khoản 1 Nghị quyết này quy định rõ: “Tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định. Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác”.
Từ căn cứ này, UBND cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định cụ thể để áp dụng vào địa phương mình. Và việc cấp “giấy đi đường” là một trong những biện pháp cần thiết được áp dụng. Không cấp “giấy đi đường” thì làm thế nào “phát hiện, xử lý ngay người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định”.
Còn thẩm quyền cấp “giấy đi đường”, cũng theo Điều 1 Nghị quyết 86 đã dẫn ở trên: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định”. Do đó, việc Chủ tịch UBND cấp tỉnh/thành phố giao cho Công an tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cấp “giấy đi đường” là phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.
Đơn cử, tại thành phố Đà Nẵng, ngày 25/8/2021, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định 2860 bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 26/8 đến ngày 05/9/2021, trong đó giao Công an thành phố thực hiện cấp thẻ nhận diện tham gia giao thông của người dân. Đến ngày 03/9/2021, UBND thành phố tiếp tục ban hành Quyết định 2905, có hiệu lực từ ngày 05/9/2021, trong đó mở rộng chủ thể cấp “Giấy đi đường QRCode” là Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã và các đơn vị liên quan.
Như vậy, với những quy định đã nêu trên, việc cấp Giấy đi đường của các địa phương trong thời gian này là một biện pháp cấp bách để phòng chống dịch bệnh COVID-19 và hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng