Tinh thần ngày 9-1
(Cadn.com.vn) - Ai chết vinh buồn chăng?
Ai sống nhục thẹn chăng?
Hẳn hầu hết các bạn sinh viên, học sinh và cả những người đã trải qua thời sinh viên, học sinh đều nhớ rõ những câu hỏi mãnh liệt nêu trên.
Cách đây đúng 67 năm, ngày 9-1-1950, trước sự đàn áp của thực dân, Đoàn Thanh Niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn tập hợp được hàng nghìn sinh viên, học sinh, và cả giáo viên, quần chúng nhân dân Sài Gòn – Gia Định (nay là TPHCM) biểu tình đòi hỏi quyền lợi chính đáng và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp dã man, giữa một bên là đoàn người tay không tấc sắt sục sôi tinh thần đoàn kết đấu tranh đòi tự do; một bên là cảnh sát, binh lính, các loại vũ khí, sẵn sàng thẳng tay đàn áp. Bất chấp sự chênh lệch quá lớn về lực lượng, hàng nghìn sinh viên, học sinh, giáo viên, quần chúng lao động đã nhất tề xông lên, chống trả quyết liệt.
Trong cuộc đấu tranh này, người thanh niên Trần Văn Ơn đã bị giết hại.
3 ngày sau, tức ngày 12-1-1950, đám tang Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình lớn, rộng khắp trong cả nước. Hàng vạn sinh viên, học sinh, đồng bào đã đeo băng tang truy điệu anh, lòng sục sôi căm thù. Chính trong giờ phút bi hùng ấy, trong điếu văn tiễn biệt Trần Văn Ơn, câu hỏi bất hủ đã vang lên, trở thành câu hỏi của cả một thời kỳ, câu hỏi không chỉ riêng ai:
Ai chết vinh buồn chăng?
Ai sống nhục thẹn chăng?
Câu hỏi đó đã tiếp lửa cho hàng triệu trái tim sinh viên, học sinh, trí thức Việt Nam, đã vang lên ở khắp các lớp học, giảng đường, khắp các vùng miền Tổ quốc; đã cùng với tuổi trẻ và dân tộc Việt Nam băng qua bão lửa chiến tranh, đập nát gông xiềng thực dân, đế quốc, đem lại nền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã mang nội dung hoàn toàn khác với thời điểm hai phần ba thế kỷ trước. Thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay được sinh ra trong hòa bình, thừa hưởng trọn vẹn nền độc lập – tự do được các bậc cha anh hy sinh xương máu mà giành lấy và truyền lại. Nhưng chắc rằng, những câu hỏi mãnh liệt nêu trên vẫn không hoàn toàn vô nghĩa. Bởi lẽ, bên cạnh những thành tựu to lớn thì đất nước vẫn không ít khó khăn, thử thách, đặc biệt là trình độ phát triển về kinh tế - xã hội, đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm lớn lao của cả dân tộc, trong đó có hàng triệu sinh viên, học sinh.
Có thể nói, chưa bao giờ thế hệ sinh viên, học sinh có được sự quan tâm và trao cho cơ hội phát triển như hôm nay. Dù đất nước vẫn rất khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước, các thành phần kinh tế, các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể và nhất là các bậc phụ huynh..., đang dành nguồn lực đáng kể để đầu tư cho sinh viên, học sinh. Điều đó phần nào thể hiện mối quan tâm, kỳ vọng rất lớn của toàn xã hội đối với sinh viên, học sinh.
Để thể hiện bản lĩnh và đáp lại sự kỳ vọng của toàn xã hội, của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, hàng vạn sinh viên, học sinh đã nỗ lực phấn đấu, gặt hái thành công. Họ chính là những người trẻ tuổi, tài năng, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong quá trình hội nhập, phát triển đất nước; là những người đầy tri thức, sáng tạo, hoài bão, khát khao và sẵn sàng mạo hiểm để gặt hái thành công. Chúng ta đã thấy tín hiệu đáng mừng: Những khuôn mặt trẻ măng nhưng đầy tự tin bảo vệ đề tài khoa học, bảo vệ ý kiến cá nhân, tự tin chất vấn, đối đáp với những nhà hoạch định, nhà quản lý trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; ngay trên ghế giảng đường đã tham gia khởi nghiệp, tạo ra cơ hội cho bản thân và cộng đồng; xông pha tình nguyện, giúp đỡ người yếu thế trong xã hội...
Nhưng bên cạnh đó, đáng tiếc, vẫn còn không ít sinh viên, học sinh bế tắc, buông thả, phó mặc bản thân vào những việc tầm thường. Có những bạn sẵn sàng vật vạ ở sân bay thâu đêm suốt sáng và khóc thét lên khi nhìn thấy ca sĩ Hàn Quốc, nhưng lại không đủ kiên nhẫn dành ra vài giờ đọc một cuốn sách hay; có những bạn “ngự” cả ngày trên mạng xã hội, tham gia “chém gió” tưng bừng nhưng chẳng bao giờ ghi chép lời dạy của thầy cô, hoặc có thể viết một bài kiểm tra, một bức thư, nói một lời cảm ơn, một câu xin lỗi cho tròn vành rõ nghĩa; tệ hơn nữa, nhiều sinh viên, học sinh ích kỷ, hẹp hòi, vi phạm pháp luật...
Tất nhiên, tìm được chân lý, lẽ sống chưa bao giờ là việc dễ dàng! Thiết tưởng, những hiện tượng “chưa đẹp” nói trên chỉ là một phần của bức tranh muôn màu cuộc sống, có lẽ cũng do không ít bạn sinh viên, học sinh lúng túng với sự phát triển như vũ bão của thời đại, với quá nhiều điều lớn lao, mới mẻ, lạ lùng diễn ra quanh mình. Chúng tôi tin rằng, đến một lúc nào đó, các bạn sẽ thoát khỏi sự kiềm tỏa của những điều vụn vặt để sống, học tập, làm việc có ích cho bản thân và cộng đồng. Tin chắc rằng, tinh thần bất diệt của sinh viên, học sinh Việt Nam, với câu hỏi mãnh liệt ngân lên tại lễ truy điệu Trần Văn Ơn, giữa đêm trường tăm tối của lịch sử dân tộc hơn nửa thế kỷ trước, vẫn là nguồn sáng hữu ích với lương tri, tâm hồn của thế hệ sinh viên, học sinh hôm nay và mai sau.
Nguyễn Lê