Tổ quốc trong... sân trường

Thứ hai, 05/12/2016 09:00

(Cadn.com.vn) - Với diện tích 100m2, được hoàn thiện sau 3 tháng thi công, kinh phí xây dựng gần 60 triệu đồng từ sự đóng góp tình nguyện của phụ huynh học sinh, mô hình thu nhỏ đất nước Việt Nam ở Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa, H. Đại Lộc, Quảng Nam) không chỉ giúp học sinh có những bài học sinh động, thú vị mà còn giáo dục các em thêm yêu biển đảo quê hương, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Việc ứng dụng mô hình biển đảo Tổ quốc vào việc giảng dạy cho học sinh
mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Nằm trong khuôn viên trường, mô hình thu nhỏ đất nước Việt Nam hình chữ S là niềm tự hào của thầy cô giáo và học sinh của trường. Với diện tích không quá lớn nhưng mô hình được sắp xếp khoa học, trực quan để khi quan sát kết hợp với sự hướng dẫn của thầy cô, các em có thể dễ dàng hình dung. Theo thầy Đỗ Xuân Thưởng,  Hiệu trưởng nhà trường, xuất phát từ ý tưởng giúp các em học sinh thêm yêu quê hương, đặc biệt là biển đảo nhưng thay vì dạy suôn như truyền thống khiến các em khó hình dung dẫn đến việc dạy đạt hiệu quả không cao, thầy có cách tiếp cận vấn đề thực tế hơn là xây dựng mô hình giáo dục biển đảo nhưng cũng có thể áp dụng vào các môn học khác có liên quan như địa lý, lịch sử, văn học... Ý tưởng của thầy nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đồng nghiệp và phụ huynh học sinh. Sau hơn 3 tháng thi công với diện tích 100m2, mô hình thể hiện trọn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của đất nước, một số quốc gia giáp giới với nước ta. “Việt Nam có nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với lịch sử dân tộc đáng tự hào nhưng nếu chỉ dạy bằng những bài học trên lớp, các em sẽ khó hình dung. Mô hình trực quan này giúp các em nắm chắc nội dung bài học. Mặt khác, những môn có nội dung liên quan cũng có thể áp dụng vào dạy học”, thầy Thưởng tâm sự.

Được ví như bản đồ phóng to, mô hình gồm phần đất liền và biển đảo. Trong đó, phần đất liền được chia ra 3 miền, mỗi miền được minh họa bằng địa danh, biểu tượng nổi tiếng: miền Bắc là chùa Một Cột (Hà Nội), miền Trung là danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và chợ Bến Thành (TPHCM) đại diện cho miền Nam. Ngoài ra, phần biển được minh họa bằng hồ nước và mô hình các đảo, quần đảo gồm: Cù lao Chàm, Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc. Mỗi đảo đều có cột mốc chủ quyền, mô hình nhà dàn DK1 cũng là một phần không thể thiếu. Trên nóc nhà dàn có cả trực thăng và mô hình những người lính hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sau hơn 2 năm đưa vào giảng dạy, mô hình luôn thu hút học sinh mỗi khi được ra ngoài thực tế. Trong các tiết học, giáo viên bộ môn luôn dành 15 phút để các em ra ngoài tham quan, không chỉ nghe giáo viên giới thiệu mà chính các em còn đóng vai trò hướng dẫn viên du lịch, du khách đến tham quan Việt Nam và được giới thiệu về các địa danh nổi tiếng, về lịch sử đấu tranh hào hùng của các bật tiền nhân. Cô Nguyễn Thị Hảo, GVCN lớp 1B chia sẻ: “Lúc đầu khi mới áp dụng mô hình vào giảng dạy, giáo viên gặp không ít khó khăn bởi thời gian sắp xếp chưa hợp lí, giáo án chưa thật hấp dẫn. Đến nay mọi việc đã ổn và thu hút học sinh khi giáo viên đã có cách dạy phù hợp với từng môn”.

Một số hình ảnh về quê hương đất nước được xây dựng trực quan trong mô hình.

 Với thành công của mô hình, vừa qua phòng GDĐT H. Đại Lộc đã đưa vào thực hiện chuyên đề “Giáo dục biển đảo lồng ghép vào các môn học” và triển khai giới thiệu ở tất cả 25 trường tiểu học trong huyện nhằm giáo dục các em tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc chính từ những bài học cụ thể, sinh động.

Phi Nông