Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma qua nét vẽ của Giang Phong

Thứ năm, 13/07/2023 08:05
Một trong các chỉ dấu nổi bật của họa sĩ Giang Phong (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) khi vẽ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma là anh luôn giữ nguyên tắc, quy chuẩn và khuôn mẫu nghệ thuật truyền thống.
Họa sĩ Giang Phong. Ảnh: Bá Nhân
Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma. Tranh của họa sĩ Giang Phong.

Nhắc tới Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, người ta thường nghĩ ngay đến vị Thiền giả có ánh mắt thị hiện sự uy lực. Uy lực nhưng không thị uy sức mạnh. Uy lực mà vẫn đong đầy tuệ căn thiện. Uy lực và hiền triết. Ánh mắt sắc lạ của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, cộng thêm hình tướng rậm rì bụi bặm, cùng tính cách nghiêng hẳn qua khai phóng là quá đỗi ấn tượng đối với giới nghệ sĩ tạo hình. Nó giải thích vì sao từ xưa đến nay, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma luôn là một ý tượng, vừa mang vẻ đẹp nghệ thuật tạo hình, vừa mang biểu trưng cho việc phá bỏ những cái chấp kẹt trên hình tướng, cởi mở hết những tình chấp nơi mọi hình thức để sống chân như trong tự tánh.

Họa sĩ Giang Phong cũng nhận ra điều đó nên đã mượn hình tướng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma để diễn đạt tâm ý và hành vi của mình. Trước hết, anh cảm nhận hình tướng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma bằng trực quan vô chấp, nghĩa là không để cho tâm trí bị dính mắc bởi bất kỳ tri kiến nào. Thêm nữa, họa sĩ Giang Phong cũng không cực đoan chối bỏ, hay khước từ, hoặc bài xích những khuynh hướng nghệ thuật vẽ hình tướng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma của các họa sĩ khác. Bởi anh coi đấy là những thị hiện của chư Phật. Phật không ở bên ngoài. Phật không ở bên trong. Phật không ở đằng trước. Phật cũng không ở đằng sau. Phật thị hiện trong tự tánh. Do vậy, mỗi bức tranh Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma của họa sĩ Giang Phong ra đời là một mốc điểm tâm tưởng, một tham chiếu nghệ thuật ánh xạ từ tự tánh tĩnh lặng, đồng thời là một pháp vị Thiền. Anh còn đặc biệt dụng công trong tả ý, lột tả cái thần thái trí huệ của một đấng minh triết qua đôi mắt, qua bàn tay cầm quyền trượng, qua cốt cách và phong thái đĩnh ngộ.

Họa sĩ Giang Phong. Ảnh: Bá Nhân

Được soi chiếu bởi góc nhìn của một người học Phật, trong mắt nhìn của họa sĩ Giang Phong, hình tướng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma trở thành một niềm tin gửi trao, một đề tài hội họa giúp anh bộc lộ tâm thái cảm xúc. Sự tham ngộ đó, họa sĩ Giang Phong đã thể hiện qua việc nhất tâm đặt từng nét bút trên mặt giấy như một cách trải lòng mình. Trong khi vẽ, anh đặt nội tâm cao độ để lĩnh nhận phong vị Thiền từ hình tướng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, rồi thể hiện cái Thiền vị ấy ra mặt giấy. Bút pháp họa sĩ Giang Phong sử dụng thường no mực, đậm ý, khi mạnh mẽ, lúc ưu trầm, khi phóng khoáng, lúc lại mực thước. Mỗi bức tranh của anh về Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma là một ấn tượng. Mỗi tác phẩm thư họa vẽ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma của họa sĩ Giang Phong là một tượng trưng tính minh triết. Tất cả đường nét, bố cục, màu sắc của những bức tranh Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma do anh vẽ đều mang nội hàm Thiền.

Sau rốt, họa sĩ Giang Phong đã thành công khi thuyết phục được người xem bằng chính cái thần cách thị hiện nơi hình tướng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma.

Trí Tâm