Tòa trả hồ sơ vụ phá rừng vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
(Cadn.com.vn) - Ngày 14-6, TAND H. Nam Đông (TT-Huế) xét xử sơ thẩm vụ “Hủy hoại rừng” đối với bị cáo A Râl Nhân (1978, trú H. Nam Đông). Sau gần nửa ngày xét xử, TAND H. Nam Đông đã quyết định hoãn phiên tòa vì nhiều nội dung chưa rõ, trong đó có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Theo cáo trạng của VKSND H.Nam Đông, ngày 15-7-2013, A Râl Nhân đến khu vực rừng tại Khoảnh 4, Tiểu khu 369 (thuộc thôn Phú Mậu, xã Hương Phú, H.Nam Đông) dùng rựa chặt phá rừng trái phép để lấy đất trồng cây cao su. Khoảng nửa tháng phát rừng, Nhân đã phát xong những cây gỗ nhỏ, do trên khu vực còn nhiều cây gỗ to nên Nhân gọi điện cho Hồ Văn Hóa (1986, trú xã Thượng Quảng) và Hồ Xuân Hiệp (1994, trú xã Thượng Long, H.Nam Đông) nhờ cưa giúp. Khi những người này đang cưa trái phép thì bị Hạt kiểm lâm H. Nam Đông phát hiện, bắt quả tang.
Phiên xét xử bị cáo A Râl Nhân về tội “Hủy hoại rừng” ngày 14-6 vẫn chưa kết thúc |
Tại bản kết luận giám định của Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế xác định, diện tích rừng sản xuất bị chặt phá 10.600m2; trữ lượng gỗ bình quân 101,18 m3/ha; sản lượng gỗ bị thiệt hại 125,4m3... Theo kết luận của Hội đồng định giá H. Nam Đông xác định, giá trị tài sản 125,4m3 gỗ tròn tại thời điểm bị bắt giữ là hơn 43,2 triệu đồng và VKSND H. Nam Đông truy tố bị cáo A Râl Nhân về tội “Hủy hoại rừng”. Tại phiên tòa, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo từ 12 đến 18 tháng tù. Đại diện VKSND H.Nam Đông cho rằng, đối với Hồ Văn Hóa, Hồ Xuân Hiệp là những người đi phát, cưa thuê cho A Râl Nhân, trong quá trình phát và cưa không biết đó là rừng cấm khai phá nên VKS không truy tố. Về trách nhiệm dân sự, VKS cho rằng, bị cáo A Râl Nhân có lỗi hoàn toàn trong việc hủy hoại rừng nên cần buộc bị cáo phải bồi thường đầy đủ với số tiền hơn 43,2 triệu đồng cho UBND H. Nam Đông.
Qua quá trình tham gia thẩm vấn bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và ý kiến của đại diện các cơ quan chức năng, TAND H. Nam Đông quyết định trả hồ sơ lại cho VKSND H. Nam Đông để điều tra bổ sung, bởi có 2 nội dung quan trọng chưa được làm rõ.
Thứ nhất, thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà tại phiên tòa không thể bổ sung được. Tại phiên tòa, giám định viên cho rằng Bản kết luận giám định ngày 29-12-2013 của Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế kết luận, diện tích rừng bị chặt phá là 10.600m2 có sản lượng gỗ bị thiệt hại 125,4m3 gỗ đứng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã trưng cầu Hội đồng định giá tài sản H. Nam Đông để xác định 125,4m3 theo giá của gỗ tròn (hơn 43,2 triệu đồng) là không chính xác, không đúng với cách tính thiệt hại về rừng (thông thường khối lượng gỗ đứng khi quy đổi sẽ bằng khoảng 60% khối lượng gỗ tròn- P.V). Ngoài ra, quá trình điều tra, cơ quan điều tra chỉ xác định thiệt hại về gỗ, không xác định thiệt hại về phí môi trường là không tính đầy đủ các khoản thiệt hại theo hướng dẫn tại Nghị định số 48/NĐ-CP ngày 28-3-2007 của Chính phủ quy định về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng. HĐXX nhận thấy, hậu quả thiệt hại về vật chất trong vụ án này có ý nghĩa trong việc định tội đối với bị cáo, xét ý kiến của giám định viên tại phiên tòa là có cơ sở nhưng tại phiên tòa không đủ điều kiện để làm rõ nên cần phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.
Thứ hai, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, bởi theo phân tích của HĐXX, tại phiên tòa, Hồ Văn Hóa khi biết được bị cáo A Râl Nhân chỉ dùng rựa chặt những cây gỗ nhỏ, đối với cây gỗ lớn thì không đốn hạ được nên Hóa sử dụng một máy cưa xăng hiệu SITIL, màu vàng, lưỡi cưa dài 70cm để đốn hạ giúp cho A Râl Nhân. Khi Hóa đang cưa thì bị Hạt kiểm lâm H. Nam Đông phát hiện bắt quả tang và thu giữ vật chứng. HĐXX xét thấy, trong trường hợp nêu trên cả Hóa lẫn bị cáo A Râl Nhân đều cùng thực hiện hành vi hủy hoại rừng. Vì vậy, Hóa có dấu hiệu đồng phạm trong vụ án nhưng cơ quan điều tra chưa xác minh, điều tra làm rõ là thiếu sót. Ngoài hai nội dung cần điều tra bổ sung như trên, HĐXX còn yêu cầu VKS khắc phục một số thiếu sót khác trong hồ sơ vụ án…
H.Lan