Tôi đi “chợ trời” Tây Lộc

Thứ năm, 23/04/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - “Giảm giá đặc biệt đây, mấy anh chị ơi! Mua đi mấy anh, chị ơi! Giảm giá tốc độ, giảm giá chóng mặt, hàng chỉ về một kỳ thôi mấy anh, chị”. “Mười lăm, mười lăm nghìn... mấy em ơi quẹo vô mà lựa!”–đó là những lời vuốt ve, chèo kéo khách mua của mấy ông, bà chủ ở những dãy đồ bành nằm trơ giữa trời chiều chạng vạng ở sân trước chợ Tây Lộc, (P.Tây Lộc, TP Huế).

Đi “chợ trời” với 20 nghìn

Nghe bạn bè tấm tắc kể chuyện “chợ trời” Tây Lộc nhiều, mà chưa được tận mắt chứng kiến, lần này tôi quyết định đi “chợ trời” chỉ với 20 nghìn đồng. Những dãy quần áo nằm giữa trời, sân trước chợ Tây Lộc, cảnh người mua bán tấp nập, ồn ào trong cái hừng hực của trời chiều Huế, cộng với thứ mùi khó chịu từ quần áo cũ có, mới có, ấy vậy mà khách mua cứ xúm lại càng lúc càng đông, chen nhau vạch những đống đồ lùng nhùng nằm giữa sân. Hàng thùng, đồ sida (dân Huế thường hay gọi là đồ bành), có nguồn gốc tứ xứ, từ Campuchia dồn về Châu Đốc (An Giang), Sài Gòn, cũng có thể là hàng tồn kho, đồ cũ từ các nước được vận chuyển qua các cửa khẩu hoặc hàng từ các công ty thải đồ tồn kho...

Những áo quần mới có, cũ có đủ loại được treo kín trên các song sắt giá chỉ 10 nghìn đồng.

Tôi ghé vào một dãy áo phông cộc tay, hàng cũng đẹp lắm, cái nào cũng ưng. Thấy tôi lạ, ông chủ cười sảng khoái: “15 em ơi!”, tôi ngã giá: “10 chú hí!”. “Vì chú em may xưa (mở hàng) nên anh bán cho đó, chứ rẻ rứa mà chú mi còn trả giá”. Tôi cười, cất áo vào ba lô trả tiền rồi lân la bắt chuyện. Bác tên Phạm Văn Tí, 60 tuổi, ở P.Tây Lộc, bán hàng rất có duyên. Bác Tí tâm sự: “Đồ rẻ ri, người mua họ thích lắm chứ đồ đắt thì bán cứ lặng tanh ít khách lắm! Nói chung hàng ở đây đa số phục vụ dân lao động, sinh viên là chính”. Mệ Sáu (64 tuổi), chủ một dãy hàng bên dãy hàng bác Tí trầm trồ: “Ông Tí ngó rứa mà giàu lắm con ơi! Tỉ phú đồ bành đó con, hàng của ổng rẻ nên dễ bán lắm”. Nhìn bộ dạng còn nghi ngờ của tôi, mệ Sáu phán thêm một câu chắc như đinh đóng cột để tôi tin, “thiệt đó con!”.

Tôi lảng sang một dãy đồ bành khác để tìm mua thêm một chiếc quần cho đủ bộ. Chủ dãy hàng này tên Hùng, 40 tuổi, lớn giọng reo lên: “10 ngàn một cái anh ơi! Không thêm không bớt, thuận thì mua vừa thì bán, không nói thách đâu!”. Lần này thì tôi không thể trả giá được nữa. Cố vạch trên những song sắt treo lỉnh kỉnh những chiếc quần đủ loại, tôi chọn một chiếc quần đen, hơi cũ, chất vải nhăn nheo và đặc sệt một thứ mùi có một không hai. Anh Hùng thấy tôi lưỡng lự, trấn an: “Hàng từ Hàn Quốc về đó chú, mua đi an toàn chứ không răng mô! Cứ mua đi, dân sành điệu họ cũng ghé đây mua suốt đó, chỉ cần về giặt lại là ô-kê thôi!”. Thật vậy, khách mua đầy ra đó và hình như chiều nào cũng vậy họ đều ghé qua khu “chợ trời” này . Khách ruột của anh Hùng có những người đã gần 10 năm nay vẫn thường xuyên ghé hàng của anh.

Anh Dũng đang lựa đồ, ở một dãy bán áo phông giá chỉ 15 nghìn và có thể thỏa thuận.

Tiếp chứ! Mua tới bến”

Đó là câu nói cụt lủn của một cửu vạn tên Dũng, trạc 55 tuổi đang luồn mình trong đám đông để tiếp tục mua áo, quần cũ giá chỉ 5 đến 10 ngàn. Thấy anh mua rất nhiều đồ rồi nên tôi hỏi: “mua tiếp không anh? Anh có thường xuyên mua đồ ở đây không?”. Anh trả lời: “Có chứ! Rẻ mà, đối với dân lao động tụi tui rất thích hợp, sử dụng như mì ăn liền à! Rách không tiếc, bẩn chẳng sợ. Tội chi không mua!”. Chị Thu, 40 tuổi, ở Quảng Bình, bảo hay vào đây khám bệnh, lần nào về đều “áp tải” một ba lô ngập đồ bành. Chị bảo: “Đồ rẻ thiệt, chồng chị làm thợ nề nên chỉ có bận đồ ni là thích hợp nhất, giá như ở quê chị có những khu chợ như thế này thì thiệt là tiện. Dân quê chị và cả dân miền Trung này đa số lao động ở môi trường bụi bẩn, quần áo thì mấy cho vừa, cứ vài ngày một bộ. Những bộ đồ bành giá rẻ bèo như ri là hợp nhất. Mà chị cũng thường mua những bộ quần áo ở đây về làm quà cho con cái ở quê, chúng thích lắm!”.

“Tỉ phú đồ bành” Phạm Văn Tí, đang cẩn thận treo lại những chiếc áo
khách mua chưa ưng ý để lại.

Những người đàn ông cửu vạn ghé vào khu “chợ trời” này rất đông. Họ hăng say chọn lựa, từ chiều cho đến chạng vạng tối. Khi ra về trên tay người nào cũng hàng đống đồ. Anh Long, 35 tuổi, cũng làm nghề bốc vác đúc kết  sau mấy năm mua và sử dụng đồ bành: “Từng này đồ mà đi tiệm, thì phải mất vài trăm, nhưng mình không cần đồ mới. Đồ này là ô-kê rồi! Cả từng này mà chỉ có 60 nghìn, cao tay thì chỉ 20 ngàn một cái, còn đa số 5 đến 10 ngàn thôi. Quá rẻ, dân đây rẻ là thích à!”.

Không chỉ những người lao động mà còn có cả sinh viên. Vì đồ ở đây được giới sinh viên cho rằng là “hàng độc”, rất đẹp. Hồng, SV năm 3 Trường Đại học Nông Lâm Huế cho biết: “Sinh viên tụi em mua quần áo ở đây thường xuyên. Mua đồ này rẻ, tiết kiệm được một khoản tiền để chi tiêu cho việc khác nữa, nhiều bạn, đặc biệt là bạn gái ghiền mua đồ này lắm!”... Trời dần về đêm, người trong khu “chợ trời” rục rịch tản dần, chỉ sót lại một số chủ hàng còn ngồi gắng. Khu chợ yên ắng lại, những cửu vạn ra về, trên tay là những bộ quần, áo ưng ý, có thể “cày tới bến, rách, bẩn không tiếc”.

Ngọc Oai