Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:

Tội phạm cơ bản được kiềm chế nhưng còn diễn biến phức tạp

Thứ ba, 29/10/2013 10:46

(Cadn.com.vn) - Sáng 28-10, trong buổi làm việc tại hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe các báo cáo của các cơ quan tư pháp Trung ương về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Bộ trưởng Trần Đại Quang trình bày Tờ trình về Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: DOÃN TẤN

Sự xuống cấp của đạo đức xã hội đáng báo động

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội.

Theo đó, trong điều kiện năm 2013 đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động làm gia tăng các loại tội phạm. Song, mức độ gia tăng này vẫn được kiềm chế; số vụ án khởi tố mới tăng 1,23% về số vụ so với năm 2012. Tình hình tội phạm vẫn đang tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn.

Hoạt động của các băng, nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn và các khu vực, địa bàn giáp ranh ở một số địa phương. Xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, gây bức xúc trong dư luận.

Tội phạm đánh bạc tăng 16,66% về số vụ, diễn biến phức tạp, nhất là các sới bạc hoạt động chuyên nghiệp, quy mô lớn gắn với hoạt động cho vay nặng lãi, cầm cố tài sản với lãi suất cao, xảy ra ở nhiều địa phương. Các tội xâm phạm trật tự, quản ký kinh tế tăng 5,19% về số vụ, 7,53% về số bị can so với năm 2012, nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Tội phạm về tham nhũng đã phát hiện, khởi tố, điều tra tăng 12,9% về số vụ; 15,56% về số bị can. Trong đó, tội tham ô, môi giới hối lộ và nhận hối lộ được phát hiện ở nhiều lĩnh vực tập trung trong quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản và cả trong lĩnh vực y tế.

Vi phạm pháp luật về môi trường nổi lên là các hoạt động xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường của các cơ sở sản xuất, làng nghề; nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm xuất hiện ở nhiều nơi...

Nguyên nhân tình trạng trên chủ yếu là do tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, người thất nghiệp tăng, ảnh hưởng đến an sinh, xã hội và sự xuống cấp của đạo đức xã hội đáng báo động. Mặc khác, tội phạm gia tăng còn do thực trạng người sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, nhất là trong thanh thiếu niên; công tác cai nghiện ở một số địa phương hiệu quả còn thấp.

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa hiệu quả; công tác phòng ngừa nghiệp vụ của các lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa chủ động nắm chắc tình hình nổi lên trên một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm...

Theo báo cáo của Bộ trưởng Trần Đại Quang trình bày tại hội trường, năm 2013, chất lượng công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm có chuyển biến tốt hơn. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 76,6%; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90%.

Những nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm sẽ được Quốc hội thảo luận ở tổ trong buổi làm việc chiều nay (29-10).

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường.

Cần quy định tiêu chuẩn cán bộ làm công tác tiếp công dân

Chiều 28-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày Tờ trình, báo cáo giải trình về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tiếp công dân; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tiếp công dân.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã tham gia phát biểu ý kiến về Luật Tiếp công dân.

Theo ĐB, tiếp công dân là công việc đặc thù, khâu đầu tiên của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo và là một kênh góp phần thực hiện Luật phổ biến giáo dục pháp luật. Do đó, nếu làm tốt công tác tiếp công dân sẽ giảm bớt đơn thư gửi đến các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời hạn chế được tình trạng khiếu nại vượt cấp, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, ĐB cho rằng dự thảo luật chưa đề cập đến công tác phối hợp giữa trung ương và địa phương trong việc tiếp công dân. Thực tế có những vụ việc cấp tỉnh đã giải quyết, trung ương đã giải quyết đều có cơ sở, đúng pháp luật; nhưng khi công dân lên trung ương thì trung ương lại tiếp tục chuyển đơn về địa phương yêu cầu giải quyết là chưa hợp lý.

ĐB đề nghị luật cần quy định có sự thống nhất trong trường hợp này. Theo ĐB, thực tế cho thấy nguyên nhân công dân gửi đơn vượt cấp lên các cơ quan trung ương một phần là do lãnh đạo các ngành, các cấp chưa quan tâm chỉ đạo thường xuyên và kịp thời đối với công tác tiếp công dân.

ĐB cho rằng, về thực hiện tiếp công dân định kỳ quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 26 dự thảo là chưa đầy đủ, vì trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu không có cơ chế ủy quyền là đúng, nhưng cần phải dự báo những tình huống khách quan, bất khả kháng xảy ra mà người đứng đầu không thể tiếp công dân theo lịch định kỳ đã công bố, trong khi người dân mòn mỏi mong chờ để được người đứng đầu tiếp.

Do đó, ĐB đề nghị bổ sung thêm quy định mang tính mềm dẻo, linh hoạt là trong trường hợp người đứng đầu không thể tiếp công dân theo lịch cố định đã được công bố  thì thông báo dời sang ngày khác để đảm bảo quyền của người đến nơi tiếp công dân. Mặt khác, thực tế cho thấy cơ quan nào, địa phương nào mà cán bộ lãnh đạo quan tâm, dành nhiều thời gian cho việc tiếp công dân thì sẽ xử lý kịp thời, ổn thỏa những khiếu nại, kiến nghị, phản ảnh của người dân và ngược lại.

Tuy nhiên, luật chưa đề cập trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện tiếp công dân định kỳ như thế nào, xử lý ra sao, vì thực tế cho thấy có đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cả tháng không tiếp công dân ngày nào cả, trong khi pháp luật hiện hành quy định ít nhất là hai ngày.

Ngoài ra, ĐB đề nghị bổ sung vào điểm c Khoản 1 Điều 20 về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phân công cán bộ làm công tác tiếp công dân, quy định trường hợp phụ nữ có thai thì chuyển sang làm việc khác nhằm tránh sự chịu đựng áp lực căng thẳng ảnh hưởng đến thai nhi cũng như phòng tránh thái độ bực bội, cáu gắt do ảnh hưởng của sự thay đổi tâm sinh lý người phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

Về điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân quy định tại Chương 8, ĐB rất tán thành và ủng hộ việc quan tâm đến chế độ, chính sách, nhưng đồng thời đòi hỏi cao đối với người tiếp công dân.

Về tiêu chuẩn của người tiếp công dân, ĐB đề nghị luật quy định theo hướng thống nhất với Khoản 2 Điều 59 Luật Khiếu nại là người tiếp công dân phải có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, kiến thức, am hiểu chính sách pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân, có ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Có như vậy, người tiếp công dân mới có đủ tầm, đủ tâm, biết lắng nghe để thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, giải tỏa những bức xúc của nhân dân. ĐB đề nghị cần bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân, bố trí địa điểm tiếp công dân phải thuận tiện, thoáng mát và có đủ chỗ cho nhân dân ngồi.

Quang Vũ - Hữu Hoa