Tội phạm liên quan trực tiếp đến an ninh con người diễn biến phức tạp

Thứ năm, 12/04/2018 07:44

Ngày 11-4, tại TP Huế, Học viện CSND phối hợp với CA tỉnh TT-Huế tổ chức Hội thảo khoa học "Phòng chống tội phạm (PCTP) và các tệ nạn xã hội (TNXH) góp phần đảm bảo an ninh xã hội (ANXH), an ninh con người (ANCN) hiện nay". Đại diện lãnh đạo các Cục nghiệp vụ của Bộ CA, đại diện lãnh đạo giám đốc hoặc phó giám đốc CA của 17 tỉnh, thành đã tham dự.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm phát biểu tại hội thảo.

Gia tăng tội phạm xâm hại đến con người

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Lê Văn Vũ- Phó Giám đốc CA tỉnh TT-Huế cho rằng, ANXH, ANCN giờ đây đã trở thành vấn đề mang tính sống còn cho sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của mỗi quốc gia-dân tộc. Hiện nay, những mối đe dọa đối với con người, xã hội như: thất nghiệp, ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, xung đột xã hội, xung đột vũ trang, khủng bố... đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Theo Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân- Phó Viện trưởng Viện KHCS- Học viện CSND, những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người ở Việt Nam đang có xu hướng diễn biến biến phức tạp, gia tăng cả số vụ lẫn tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng cho con người cũng như xã hội. "Tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người rất đa dạng, có tội phạm mục đích phạm tội là tước đoạt tính mạng của người khác; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (tội giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác...), có loại tội phạm vừa gây tổn hại sức khỏe, vừa gây tổn hại về nhân phẩm, danh dự người khác (hành hạ người khác, hiếp dâm, cưỡng dâm...)"- Đại tá Trần Nguyên Quân cho biết.

Theo Đại tá Trần Nguyên Quân, nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội của nhóm tội phạm trên cũng rất đa dạng như: giải quyết mâu thuẫn, thù tức; thỏa mãn dục vọng cá nhân cũng như các nguyên nhân xã hội khác. "Tội phạm xâm phạm tính mạng sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người gia tăng trong gia đình, trường học, ngày càng nhiều vụ án của đối tượng đối với người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục họ như: ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, thầy, cô giáo, bạn học... đã thể hiện sự suy đồi về lối sống, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận nhân dân trong xã hội. Điều này hiếm gặp ở xã hội Việt Nam những thập niên trước đây"- Đại tá Trần Nguyên Quân khẳng định.

Tham luận của Đại tá Nguyễn Hữu Cầu- Giám đốc CA tỉnh Nghệ An tại hội thảo cho biết, trong 5 năm (2013-2017), tình hình các loại tội phạm liên quan trực tiếp đến ANCN (trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người...) ở địa phương này còn xảy ra nhiều và có mặt diễn biến phức tạp (đã phát hiện 1.613 vụ). Trong đó, nổi lên một số tội phạm như: Giết người (131 vụ); Cố ý gây thương tích (1.039 vụ); Hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em (67 vụ); Mua bán người, mua bán trẻ em (52 vụ); Chống người thi hành công vụ (110 vụ); Cướp tài sản (159 vụ)... Là một trong những địa phương được Chính phủ và Bộ CA xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT của cả nước, trung bình, hàng năm địa bàn Nghệ An phát hiện xảy ra khoảng hơn 4.000 vụ phạm pháp hình sự và hơn 1.000 vụ đánh bạc, mại dâm. Toàn tỉnh có hơn 6.900 người nghiện có hồ sơ kiểm soát là yếu tố tiềm ẩn phát sinh các loại tội phạm TNXH...

Kéo giảm tội phạm chính là đảm bảo ANXH, ANCN

Trình bày tại hội thảo, Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng cho biết, từ năm 2013- 2017, CATP Đà Nẵng đã khám phá 2.123/2.646 vụ phạm pháp hình sự đạt tỷ lệ 80,2%, bắt xử lý 3.432 đối tượng; trọng án đạt tỷ lệ điều tra, khám phá 99%; đã khởi tố 710 vụ với 845 đối tượng phạm tội ma túy; phát hiện xử lý 675 vụ vi phạm kinh tế; 705 vụ vi phạm về môi trường, bắt quả tang 1.050 vụ cờ bạc, xử lý hơn 10.800 lượt người nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy... Đây chính là những minh chứng cụ thể trong công tác đấu tranh PCTP tại TP Đà Nẵng. Theo Đại tá Trần Mưu, nhìn nhận được những ảnh hưởng tích cực từ công tác PCTP và TNXH đến công tác đảm bảo ANXH, ANCN; trong những năm qua, CATP Đà Nẵng luôn chủ động tham mưu cho chính quyền thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng nêu cao tinh thần kiên quyết đấu tranh PCTP như: Đề án thực hiện chương trình "Thành phố 4 an" đến năm 2020; Đề án thực hiện mục tiêu "Không có giết người để cướp tài sản đến năm 2020; Đề án thực hiện mục tiêu "Không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng đến năm 2020; Đề án chuyển đổi Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 thành cơ sở trợ giúp xã hội đa chức năng...

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo CA một số địa phương trọng điểm cũng đã nêu lên thực tiễn công tác PCTP, TNXH của từng địa phương và đi sâu phân tích, tìm hiểu nguyên nhân. Qua đó, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp mang tính khả thi góp phần kéo giảm tội phạm và các TNXH ở Việt Nam nhằm góp phần đảm bảoANXH, ANCN... Để nâng cao hiệu quả công tác PCTP xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người góp phần đảm bảo ANXH, ANCN ở Việt Nam thời gian tới, Phó Viện trưởng Viện KHCS- Học viện CSND- Đại tá Trần Nguyên Quân đề xuất các giải pháp như: lực lượng CAND cần tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chú trọng phát triển KT-XH; giải quyết việc làm cho những người trong độ tuổi lao động; tạo việc làm ổn định cho người lao động. Làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện kịp thời, giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để các mâu thuẫn âm ỉ kéo dài và bùng nổ thành xung đột bạo lực, nhất là bạo lực đông người (giết nhiều người hoặc nhiều người cùng tham gia hành vi phạm tội giết người). Tập trung nghiên cứu, nhận diện tội phạm xâm phạm tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, nhất là những hành vi phạm tội mới, thủ đoạn hoạt động phạm tội mới. Đồng thời, phân tích nguyên nhân, điều kiện phát sinh, thúc đẩy sự gia tăng của tội phạm này...

Theo Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm- Giám đốc Học viện CSND, để góp phần đảm bảo ANXH, ANCN, lực lượng CAND phải chú ý đến một số vấn đề sau. Một là chú trọng, tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội; coi trọng phòng ngừa tội phạm từ gia đình, trong gia đình và ở cơ sở. Hai là, cần nắm chắc và quản lý tốt các đối tượng nguy cơ cao về ma túy, người sau cai nghiện ma túy, người nghiện có tiền án, tiền sự, trong đó đặc biệt chú ý đến những đối tượng có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá" nhằm phòng ngừa các đối tượng gây án. Thứ ba là phát huy vai trò của nhân dân trong công tác PCTP nhất là trong phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Thứ tư là từng bước nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm của lực lượng CAND. Và thứ năm là chủ động tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại và tăng cường hợp tác quốc tế về PCTP và TNXH.

HẢI LAN