Tôm chết bất thường, người nuôi lao đao
(Cadn.com.vn) - Hàng trăm hồ tôm đang thời kỳ phát triển bỗng dưng chết trắng khiến người nuôi tôm lao đao, khó khăn chồng chất. Thực trạng này đã và đang xảy ra tại nhiều địa bàn: Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc... của tỉnh TT-Huế.
“TREO” HỒ, TRẮNG TAY
Những ngày nắng nóng gắt vừa qua, nhiều hộ nuôi tôm ở TT Sịa, Quảng An, Quảng Công (H.Quảng Điền) luôn căng mình đối phó với dịch bệnh trên tôm. Ông Phan Trai (thôn An Gia, TT Sịa) cho biết: “Mọi năm vào thời điểm này, dịch bệnh trên ao hồ nuôi xen ghép chỉ xảy ra rải rác một vài hồ. Còn năm nay, từ cuối tháng 2 đến nay, tôm chết liên tục, hầu hết hồ nào cũng có tôm chết”. Hộ ông Trai nuôi 7 hồ (diện tích 10 sào), nuôi xen ghép các loại: tôm, cua, cá thì có đến 6 hồ bị dịch bệnh chết. Ông Trai cho biết, vụ này ông thiệt hại hơn 100 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc. Tương tự, hộ ông Nguyễn Lành (TT Sịa) vụ này đưa vào nuôi 9 hồ, diện tích bình quân 4,3 sào/hồ thì có 7 hồ chết sạch. “Việc lấy nước vào, ra mình luôn thận trọng nhưng cũng xảy ra dịch bệnh hàng loạt khi tôm mới 1 tháng 20 ngày. Hiện, 2 hồ tôm còn lại cũng đang ngất ngư, giờ chưa biết xử lý thế nào nữa”, ông Lành buồn bã nói.
Tính đến ngày 27-5, có 70 hồ trên tổng số 100 hồ (49 ha) toàn TT Sịa bị thiệt hại do dịch bệnh đốm trắng và bệnh môi trường, nhiều hộ nuôi trắng tay không còn hồ nào. Những diện tích còn lại, tôm cũng đang “ngất ngư” có biểu hiện dịch bệnh. Ông Trần Thế Sơn, cán bộ phụ trách thủy sản TT Sịa khẳng định, chưa có năm nào địa phương xảy ra dịch bệnh trên tôm nhiều như năm nay. “Bình thường thời tiết giao mùa như giai đoạn hiện nay chỉ có từ 5-7 hồ nuôi bị dịch bệnh. Tuy nhiên, năm nay tôm chết bất thường, đến nay đã có 50% diện tích tôm bị bệnh liên quan đến môi trường và 20% tôm bị chết vì bệnh đốm trắng. Tôm chết hàng loạt khiến nhiều hộ rơi vào hoàn cảnh khó khăn”- ông Sơn cho biết.
Tôm chết không chỉ xảy ra ở H. Quảng Điền mà các địa phương như: Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc... tôm cũng chết trên diện rộng. Điền Hương là xã có số lượng hộ nuôi tôm nhiều nhất của H. Phong Điền và diện tích tôm bị thiệt hại lên đến gần 90%. “Thông thường tôm nuôi phải hơn 3 tháng mới thu hoạch nhưng tôm mới gần 2 tháng đã chết trắng hồ. Lo sợ tôm tiếp tục chết, tui tận thu và chỉ bán được 50 ngàn đồng/kg bằng 1/3 giá thu hoạch”- một hộ nuôi kể. Những ngày cuối tháng 5, dù là vụ cao điểm nuôi tôm nhưng dọc bãi biển xã Điền Hương, nhiều hồ nuôi bị bỏ hoang. Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết: Đối với các hồ tôm bị chết, các hộ nuôi đã thay nước và cố gắng cầm cự. Hiện, đời sống người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn.
Tôm tiếp tục chết rải rác ở H. Quảng Điền và được vớt lên bờ, tránh lây lan. |
Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG?
Ông Văn Thanh Liêm, một hộ nuôi tôm ở xã Điền Hòa (H.Phong Điền) thừa nhận: Hầu hết các hộ nuôi tôm trên cát hiện nay đều không có bể lắng, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi hoặc xả ra môi trường. Các hộ đều lấy nguồn nước biển, bơm trực tiếp vào ao nuôi, hoặc xả trực tiếp ra biển mà không qua xử lý theo quy định. Ông Nguyễn Đăng Phúc- Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho rằng: “Chính quyền địa phương khuyến cáo, yêu cầu người dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn; 3-4 hồ nuôi phải có 1 ao lắng để xử lý môi trường, nhưng hầu hết hộ nuôi không chấp hành”. Còn theo ông Hoàng Vọng, Phó Phòng NN && PTNT H. Quảng Điền, ngoài hạ tầng nuôi chưa đảm bảo, cái khó khăn nhất hiện nay là người nuôi giấu dịch. Do nuôi xen ghép nên khi xảy ra dịch trên tôm, sợ ảnh hưởng các đối tượng nuôi khác nên người dân không thông báo. Các hồ nuôi dịch bệnh chủ hồ cứ xả ra môi trường làm dịch lây lan trên diện rộng.
Đi dọc các vùng nuôi tôm từ xã Điền Hương đến Phong Hải (H. Phong Điền), quanh các ao hồ, trên các mương thoát nước thải có rất nhiều chai lọ, bao bì thuốc kháng sinh vứt bỏ tràn lan. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả nuôi tôm và nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, hằng tuần chính quyền địa phương đều yêu cầu người dân xử lý, thu dọn vệ sinh tại các khu vực ao hồ. Nhưng lượng chất thải, chai lọ, bao bì... đựng thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh do người dân sử dụng hằng ngày quá lớn nên không thể xử lý triệt để.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh TT-Huế cho biết: “Dịch bệnh trên tôm thời điểm này qua kiểm tra chủ yếu là bệnh đốm trắng và môi trường do thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa. Nguyên nhân, tại vùng nuôi một số địa phương các hộ dân nuôi tôm chủ quan khi đưa nước vào ao không qua ao lắng, xử lý làm các chỉ tiêu, nguồn nước thay đổi đột ngột, gây “sốc” đối với các đối tượng thủy sản”. Trước tình hình dịch bệnh tôm đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lây lan, phát tán bệnh trên diện rộng, cuối tháng 5-2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý, giao cho Bộ NN & PTNT, hỗ trợ 20 tấn hóa chất Chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia cho TT-Huế để xử lý dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản tại tỉnh TT-Huế.
H.Lan