Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cán bộ cấp càng cao càng phải nêu gương

Thứ ba, 09/10/2018 07:59

Ngày 8-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, thông báo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến sâu sắc, xác đáng của cử tri, nêu nhiều vấn đề phong phú, đề cập đúng những vấn đề liên quan đến chương trình Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sắp tới, đánh giá cao thành tựu đất nước thời gian qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và kiến nghị các giải pháp sắp tới. Những ý kiến đóng góp cụ thể của cử tri vào các dự án luật: Phòng, chống tham nhũng, Công an, Chăn nuôi, Trồng trọt... sẽ được tổng hợp đầy đủ để báo cáo Quốc hội.

Vụ AVG, cốt là thu hồi được tài sản cho Nhà nước

Trao đổi về những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Xoay quanh câu chuyện đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, kỳ tiếp xúc cử tri nào cử tri cũng rất quan tâm. “Các bác quan tâm là phải, từ tham nhũng dẫn đến mất chế độ, mất vai trò lãnh đạo của Đảng, mất niềm tin là mất tất, dân không ủng hộ thì thất bại, dân ủng hộ thì thành công”, Tổng Bí thư nói. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng vừa qua đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả tích cực, hiệu quả, cụ thể, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao, góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nói chung.

Về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 sắp tới, Tổng Bí thư cho biết, đây là lần thứ 3 Quốc hội đưa ra thảo luận và sẽ quyết tâm thông qua tại Kỳ họp này. Các vấn đề trong dự Luật đã được thảo luận nhiều, cơ bản đã được thống nhất, nhưng có 2 vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri đều rất quan tâm, đó là việc kê khai, kiểm soát tài sản và xử lý tài sản do tham nhũng mà có; việc xử lý các vụ án tham nhũng còn chậm, mức xử lý chưa thật nghiêm.

Trước hết về kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, đây là vấn đề khó vì nhiều biến tướng, thiên biến vạn hóa,  liên quan đến luật khác, đến quyền cá nhân, quyền công dân, quyền bí mật tài sản... cho nên phải sửa thế nào cho đồng bộ, phải xử lý mối quan hệ đó. Về mặt tiêu cực là không kiểm soát được tài sản, dẫn đến trí trá trong kê khai, hoặc có rồi, vi phạm vào tham nhũng thì không xử lý được.

Về câu hỏi của cử tri: Việc xử lý các vụ án có chậm không? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Vừa qua đã khắc phục được rất nhiều, 5 năm nay đưa vụ nào ra là làm đến nơi đến chốn, công khai hết rồi. Quy trình xử lý, xem xét qua các khâu, các bước phải theo luật, có chứng cứ, có sức thuyết phục. Vừa qua nhiều vụ đã được xử lý vượt yêu cầu về thời gian như vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đều sớm hơn dự kiến, làm tập trung quyết liệt. Tổng Bí thư chỉ rõ: Phải qua thanh tra, kiểm tra, rồi đến khởi tố, điều tra, truy tố theo Luật Hình sự... qua nhiều khâu, nhiều bước mới chứng minh rõ được thế này là phạm tội, thế này là không phạm tội, thế này là nhẹ, thế này là nặng, đối chiếu mức án đến đâu, xử lý đến đó. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, có trường hợp phải bắt tạm giam, cấm trốn đi nước ngoài, cấm hủy hoại, phân tán tài sản... Xử cũng không phải một lần là xong, có vụ 2-3 năm nay, nhiều vụ đối với một cá nhân, nhưng liên quan đến nhiều người, lại phải đi tìm...  quy trình rất phức tạp. Các vụ việc vừa qua đưa ra xử về cơ bản là tốt, đúng yêu cầu, đứng mức độ.

Tổng Bí thư cho biết, có ý kiến cho rằng việc xử lý chưa nghiêm, nhưng phải căn cứ vào kết luận, tội danh thế nào mới xử vào mức án tương ứng, mức này cảnh cáo, khai trừ, xử lý hình sự, mức này chỉ xử lý hành chính..., phải có chứng cứ thuyết phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn. Việc xử lý không phải cốt cho thật nặng mới là tốt, mà phải thấy được vấn đề, cũng là để răn đe ngăn ngừa để không xảy ra thì tốt, mục đích là chống để xây, xây tốt đỡ phải chống. Việc xử lý phải xem xét nhiều mặt, phải bình tĩnh làm từng bước vững chắc, làm đâu chắc đấy, hết khâu này sang khâu khác... Về việc thu hồi tài sản, trước đây là khâu yếu, án treo nhiều, nhưng bây giờ đã khắc phục được tất cả những hạn chế ấy rồi. Riêng vụ AVG thu hồi 8.500 tỷ đồng, cốt là thu hồi được tài sản cho Nhà nước, giáo dục răn đe, ngăn ngừa không để xảy ra nữa, người khác trông vào phải sợ, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cán bộ cấp càng cao càng phải gương mẫu

Tại các cuộc tiếp xúc, đa số cử tri hoan nghênh, đánh giá cao việc Ban Chấp hành Trung ương (BCH T.Ư) đã thống nhất ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên BCH T.Ư, nêu rõ 9 nội dung cần nêu gương, 9 nội dung cần nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, nhằm nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Cử tri mong rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng về mọi mặt, cần kiệm liêm chính chí công vô tư, để nhân dân tin yêu, mến phục.

Về vấn đề này, Tổng Bí thư chỉ rõ: Lần này BCH T.Ư thống nhất việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương, tất cả cán bộ đảng viên đều phải làm, nhưng trước hết là các ông lãnh đạo cao nhất, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên ban Bí thư, gần 200 ông Ủy viên BCH T.Ư... Đảng đã có nhiều quy định, quy chế, 19 điều đảng viên không được làm, 27 biểu hiện suy thoái mọi người đều phải chống. Bác Hồ đã nói: “Một tấm gương sống bằng hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tất cả cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, trước hết là người đứng đầu, cách đây 2 năm Bộ Chính trị ban hành quy định về việc này rồi. Lần này nâng lên BCH T.Ư ban hành, vị trí lớn hơn, thẩm quyền cao hơn, tính chất quan trọng hơn nhiều. Đối với các đồng chí Ủy viên T.Ư nêu gương thực hiện các điều đã có, “nếu không gương mẫu làm cán bộ làm gì”. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải làm công bộc của dân, gánh vác công việc chung cho dân, không được đè đầu cưỡi cổ nhân dân, “cán bộ càng cao càng phải nêu gương”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Mọi cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện những quy định đã có, nhưng lần này nhấn mạnh trách nhiệm gần 200 đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng phải gương mẫu làm trước, T.Ư đã thảo luận và thống nhất rất cao. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta quy định thẳng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên T.Ư phải gương mẫu, từng đồng chí phải soi vào, làm gương để cho nơi khác làm theo.

THU THỦY – TTXVN

Không nên nói Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước

Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri phấn khởi trước những thành công của Hội nghị T.Ư 8 khóa XII vừa qua, các nội dung được bàn thảo tại Hội nghị đều mang tính thời sự trọng đại đối với sự phát triển bền vững đất nước, đối với công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Cử tri bày tỏ sự tin tưởng, đồng tình ủng hộ việc T.Ư giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, tại kỳ họp sắp tới, đó là “Lòng dân, ý Đảng đồng thuận”. Tổng Bí thư trân trọng cảm ơn cử tri đồng tình cao với quyết định của Ban Chấp hành T.Ư giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Trước đây, Bác Hồ đồng thời làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, sau đó tách ra. Bây giờ là tình huống. Vừa rồi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, rất đột ngột, mặc dù bệnh hiểm nghèo, các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước đã hết lòng cứu chữa nhưng không qua khỏi. Bây giờ khuyết chức danh này, phải có người làm ngay. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư đã chuẩn bị nhiều phương án, qua quá trình thảo luận rất dân chủ, trách nhiệm và thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư ra để Quốc hội bầu. Không nên nói Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nói tắt thì như vậy, nhưng không đúng nghĩa, đây là 2 cơ chế khác nhau, 2 cơ quan khác nhau, nói kiêm thì vai nào chính vai nào phụ. Cũng không nên nói nhất thể hóa, mà là bầu ông này để làm hai việc này. Bước đầu dư luận trong nước, quốc tế đồng tình ủng hộ và qua hội nghị này biết được tâm tư tình cảm của cử tri, Tổng Bí thư trân trọng cảm ơn và cho rằng, đây là ý kiến của Trung ương, còn tùy vào kết quả Quốc hội bầu tại Kỳ họp sắp tới.

T.T